Cần phải xử lý nghiêm những hành vi lệch chuẩn của cán bộ công chức

Thứ Tư, 27/11/2019, 14:25
Ngày 27-11, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “ Văn hoá công sở: Thực trạng và giải pháp”

Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Triệu Văn Cường cho rằng, văn hoá công sở có vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc sống, gắn liền với thực thi nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, đơn vị, góp phần hình thành và xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo tính trang nghiêm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức.

 “Việc thực hiện Quyết định 129/2007/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 về đề án văn hoá công vụ đã cho thấy những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về văn hoá công sở, bước đầu hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận công chức có nhận thức chưa đúng về văn hoá công sở, có những biểu hiện lệch chuẩn trong ứng xử làm ảnh hưởng đến hình ảnh “ công bộc” của dân.” Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Triệu Văn Cường nhấn mạnh.

Trước ý kiến cho rằng, văn hóa công sở hiện chưa được thực hiện tốt, có nhiều biểu hiện lệch chuẩn, thậm chí là xuống cấp trầm trọng. Về vấn đề này, Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng,  ý kiến về việc văn hóa công sở đang xuống cấp là chính xác. 

“Trong cách nhìn của tôi, văn hóa công sở được thể hiện ở hai vấn đề cơ bản: Hành vi trong công việc và không gian công sở.” Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Theo đó, trong công việc bao gồm: Trách nhiệm với công việc, điều hành công việc, xử lý công việc, quan hệ đồng nghiệp và giao tiếp với đối tác. Đối tác ở đây có hai thành phần: Đối tác là các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và đối tác là người dân. Và văn hóa trong giao tiếp và ứng xử với người dân đang là một vấn đề luôn ở mức báo động cao. Chính sách cũng như các quy định của Đảng và Nhà nước trong việc tiếp và làm việc với người dân đã rất rõ và có tính nguyên tắc cao, nhưng việc thực hiện, đặc biệt là các cơ quan Nhà nước ở cơ sở đang đặt ra nhiều vấn đề thách thức. Công sở với không ít người dân không phải là nơi mà người dân đến để trình bày một nguyện vọng, để được giải quyết trên luật pháp mọi vấn đề liên quan mà đôi khi nơi gây ra những phiền hà, ẩn ức cho người dân.

 "Một vấn đề đáng báo động là quan hệ giữa các cá nhân trong công sở, đồng nghiệp với đồng nghiệp là cấp trên cấp dưới. Điều này đã đẩy văn hóa công sở ở một số nơi vào tình trạng tồi tệ, dẫn đến những hiện tượng mất đoàn kết, bè cánh, không hoàn thành nhiệm vụ… và làm giảm những điều tốt đẹp trong quan hệ người với người và trong công việc." Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cảnh báo.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Văn hoá- văn nghệ ( Ban Tuyên giáo Trung ương) thì nhìn nhận, văn hóa ứng xử của một bộ phận công chức, người dân hiện nay đúng là có nhiều vấn đề đáng quan ngại. 

 “Tôi cho rằng, nhiều công chức có cách ứng xử lệch chuẩn không phải vì trình độ học thức kém mà vì sự nhận thức, hiểu biết về vai trò, vị trí, chức năng của người cán bộ, công chức không đúng. Những công chức này chưa hiểu hết cái gốc là công bộc của dân, làm dịch vụ công để phục vụ nhân dân nên nhiều lúc có những lời nói, hành động không chuẩn mực. Tuy cách ứng xử đó là những biểu hiện bên ngoài nhưng tác động lớn đến hiệu quả dịch vụ, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân.” Bà Lan nói.

Theo bà Lan, cần phải xem xét đến những hình thức kỷ luật có đủ sức răn đe đối với những cán bộ, công chức có hành vi ứng xử thiếu văn hóa hay không. Bên cạnh đó, một số thói quen xấu của cán bộ, công chức từ thời bao cấp chưa được xóa bỏ; các đơn vị cũng chưa quan tâm nhiều đến việc đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa công sở cho cán bộ, công chức; ý thức của cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong việc thực hiện Quy chế văn hóa công sở cũng chưa cao. 

Ngoài ra, các hình thức giao tiếp, kết nối trên phương tiện thông tin, mạng xã hội hiện nay rất đa dạng, song thiếu kiểm soát đã góp phần ảnh hưởng và lan tràn lối ứng xử lệch chuẩn, gây xáo trộn không nhỏ các chuẩn mực văn hóa trong xã hội. Đó là những nguyên nhân dẫn đến vẫn còn tồn tại những biểu hiện lệch chuẩn về văn hóa nói chung và văn hóa công sở nói riêng thời gian qua.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở ( Bộ VHTT&DL)

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở ( Bộ VHTT&DL) cho rằng, văn hoá công sở có được thực thi hay không và có hiệu quả trên thực tế hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức, thái độ trách nhiệm của cán bộ, công chức, người lao động trong mỗi cơ quan. Trong thời gian vừa qua, cũng xuất hiện những hành vi lệch chuẩn khi thực hiện nhiệm vụ đối với nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức… Một trong những hành vi đó là thái độ hách dịch, cửa quyền, không đúng với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ trong quá trình tiếp dân.

 “Nếu như những hành vi đó mà vẫn tiếp tục tồn tại thì rõ ràng chúng ta không thể thực hiện được nền văn hoá công sở, vì đây rõ ràng là một trong những hành vi quan trọng nhất mà cán bộ, công chức, viên chức hướng tới thực hiện nghiêm túc về văn hoá công sở theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.” Bà Hương nhấn mạnh.

 Để khắc phục những hành vi lệch chuẩn để xây dựng được văn hoá công sở theo đúng tiêu chuẩn và yêu cầu đặt ra thì trách nhiệm của những người cán bộ, công chức, đặc biệt là trách nhiệm của những người trong quá trình tiếp dân phải thực hiện nghiêm túc hơn nữa và phải áp dụng xử lý một cách rõ ràng đối với hành vi của cán bộ, công chức. Và chỉ có như vậy, khi những hành vi lệch chuẩn, trong đó có hành vi cửa quyền ở một bộ phận cán bộ, công chức được khắc phục thì chúng ta mới hướng tới một văn hoá công sở theo đúng nghĩa.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội Vụ Triệu Văn Cường, cách ứng xử, giao tiếp của mỗi công chức mang tính chuyên nghiệp hài hoà thì sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc tiếp xúc với người dân, ứng xử, giải quyết các công việc sẽ tốt và hiệu quả rất nhiều. Trong thời gian tới, sẽ có những chế tài xử phạt nghiêm đối với những hành vi lệch chuẩn của người công chức, viên chức khi tiếp xúc với người dân.

Đối với mỗi cơ quan, đơn vị, văn hóa công vụ luôn gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống công vụ, phục vụ lợi ích nhà nước, Nhân dân và xã hội; xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại. Thực hiện tốt văn hóa công vụ ở cơ quan/đơn vị sẽ tạo nên giá trị, thương hiệu của cơ quan/tổ chức góp phần hình thành mối quan hệ phối hợp, tạo môi trường công vụ lành mạnh, văn minh; là yếu tố bảo đảm tính nghiêm minh, hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức.

Lưu Hiệp
.
.
.