Vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn: Giơ cao đánh khẽ

Thứ Năm, 12/11/2015, 09:03
Mặc dù hiệu lực pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã được nâng cao nhưng vai trò của cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa được chú trọng. Nghệ sĩ, người biểu diễn và tổ chức biểu diễn còn vi phạm, thậm chí có những cá nhân, đơn vị liên tục vi phạm song kết quả xử phạt chưa đủ sức răn đe… Đó là khẳng định của lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn ngày 11/11 tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Tôn Thất Cần, Trưởng phòng Tổ chức văn hóa nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết: Để quản lý bằng văn bản pháp quy thì chúng ta chỉ có 3 Nghị định của Chính phủ là Nghị định 11/2006, Nghị định 103/2009  ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa nơi công cộng, Nghị định 79/2012 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu, lưu hành kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Trong đó, Nghị định 79 là Nghị định duy nhất dành riêng cho nghệ thuật biểu diễn và được ví như chiếc roi để chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Thế nhưng, thời gian qua, “tuổi thọ” của một nghị định trong việc quản lý biểu diễn và chế tài vi phạm hành chính trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn thường không quá 3 năm. 

Khi thực thi, Nghị định 79 đã nảy sinh nhiều bất cập, có khi “làm khó” cơ quan quản lý. Cụ thể, điều 12 quy định tổ chức, cá nhân tổ chức cho đoàn nghệ thuật, người Việt Nam biểu diễn nhằm phục vụ mục đích nội bộ hoặc biểu diễn tại các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, giải khát không bán vé, thu tiền xem biểu diễn, không phải đề nghị cấp phép. Tuy nhiên, đây là biểu diễn nơi công cộng. 

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều quán bar, phòng trà… hoạt động biểu diễn nghệ thuật không bán vé nhưng phụ thu tiền nước. Nếu chiếu theo Nghị định 79, các đơn vị này không phải xin phép. Cơ quan quản lý khó có thể kiểm soát được hoạt động biểu diễn. Chưa kể, chế tài xử lý hiện nay chưa đủ sức răn đe. Nhiều cá nhân, tổ chức liên tiếp vi phạm, thậm chí, có những cá nhân, tổ chức thực hiện chương trình nào là y như chương trình đó có vi phạm. Thành phố đã phải ra quyết định rút giấy phép hoạt động. Tuy nhiên, sau đó, cá nhân này lại tiếp tục hợp tác, núp bóng doanh nghiệp khác để tổ chức hoạt động biểu diễn và tái vi phạm…

Việc xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn sẽ góp phần hạn chế các sản phẩm nghệ thuật nhảm nhí. Ảnh có tính chất minh họa.

Về tác quyền biểu diễn, tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm hiện nay chỉ thực hiện duy nhất một điều là cam kết “chịu trách nhiệm mọi vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan” trong đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức. Việc thiếu quy định rõ ràng về thời gian cam kết thực hiện quyền tác giả và quyền liên quan không những gây khó cho cơ quan quản lý mà còn thiếu khuyến khích cho các tổ chức, cá nhân muốn thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan.

Với nghệ sĩ biểu diễn là người nước ngoài, nghệ sĩ Việt kiều, quy định sở văn hóa, thể thao phải có kết quả trả lời sau 5 ngày. Trong khi đó, việc thụ lý hồ sơ phải theo trình tự: Thẩm định của Phòng An ninh tư tưởng văn hóa, Công an thành phố; Sở Văn hóa, Thể thao; UBND thành phố. Thời gian 5 ngày sẽ không đủ. Trong khi đó, quy định bắt buộc nghệ sĩ là người Việt Nam ở nước ngoài về biểu diễn phải được đơn vị tổ chức làm hồ sơ xin phép Cục Biểu diễn nghệ thuật. Khi đơn vị khác mời, nghệ sĩ này vẫn đang ở Việt Nam, đơn vị mới vẫn phải làm lại hồ sơ như đơn vị trước đó. Có khi, cùng một thời điểm, nghệ sĩ biểu diễn cho nhiều đơn vị tổ chức thì các tổ chức này đều làm hồ sơ giống nhau…

Việc quản lý nội dung ấn phẩm biểu diễn có nhiều điều bất hợp lý. Cụ thể, đài truyền hình, kênh Fashion TV có chương trình thời trang nội y, các cuộc thi người đẹp có trình diễn áo tắm nhưng tổ chức biểu diễn thời trang nội y trên sân khấu lại bị coi là phản cảm khiến đội ngũ những người làm công các quản lý cũng gặp khó khăn…

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thứ trưởng Vương Duy Biên cũng thừa nhận, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiện nay được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật nên chưa phát huy được hiệu lực quản lý nhà nước. Việc xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn là cần thiết, đặc biệt là trong thời kỳ đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng đề cương sơ bộ Luật Nghệ thuật biểu diễn và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trên cả nước.

Ngọc Nguyễn
.
.
.