Đấu giá tranh online mùa xuân mới của hội họa

Thứ Tư, 06/02/2019, 15:45
Nếu như sàn đấu giá nghệ thuật Sotheby’s có lịch sử hơn 270 năm, thì các sàn đấu giá nghệ thuật online chỉ mới ra đời hơn 10 năm, nhưng đã mang về doanh thu nhiều tỷ đô la Mỹ. Mới mẻ và lạ lẫm, nhưng các sàn đấu giá tranh online đã mang đến sinh khí mới cho hội họa đương đại Việt Nam…

Vào một sáng mùa đông 2018, họa sĩ Jean – Marc Potlet rời Paris từ sân bay Charles De Gaulles để bắt đầu một hành trình mới của mình tại miền duyên hải nhiệt đới Việt Nam, nơi mà mỗi năm ông đều dành một khoảng thời gian dài để đi, cảm nhận và vẽ về núi, biển, đồng ruộng và con người Việt ; những bức tranh được giới hội họa đánh giá là “ngập tràn cảm xúc và tươi mới”.

Cùng lúc đó, Sài Gòn  vừa kết thúc 6 tháng mùa mưa, bà chủ Chi Art Space – dịch giả Nguyễn Lệ Chi - đang ngồi trong quán café trên đường Đồng Khởi quận 1, để bắt đầu một cuộc đấu giá tranh của Jean – Marc Potlet. Cuộc đấu giá của Lệ Chi hoàn toàn không có những căn phòng kín cổng cao tường như Sotheby’s hay các cuộc đấu giá tranh tương tự. Nó hoàn toàn diễn ra trên không gian mạng internet.

Nguyễn Lệ Chi cùng họa sĩ Pháp Jean-Marc Potlet.

Jean-Marc Potlet (62 tuổi) đã phải lòng Việt Nam từ năm 2015, ông dành nhiều thời gian trải nghiệm trên nhiều vùng miền  như Hà Nội, Cát Bà, Hạ Long…, tiếp xúc với nhiều người, nhiều ngành nghề tại đây. “Màu sắc, cuộc sống và con người Việt Nam đã quyến rũ tôi. Những tấm hình về Việt Nam khiến tôi muốn trở lại Việt Nam. Sau chuyến trở lại Việt Nam lần thứ 2 năm 2016, tôi được gặp một họa sĩ trẻ ở TP.HCM. Cậu ấy đã đưa tôi đi thăm thú nhiều nơi trong thành phố. Và tôi đã quá ấn tượng đến mức quyết định vẽ nhiều, nhiều hơn nữa về Việt Nam”, Jean-Marc Potlet chia sẻ.

“Quá sức bất ngờ” – Jean thốt lên. Ông không bao giờ nghĩ, ở một nơi mỹ thuật còn đang khá hỗn độn và chưa thực sự tạo thành một thị trường có chiều sâu như Việt Nam, Lệ Chi lại thực hiện một cuộc đấu giá trên internet.

Cuộc kết hợp giữa nóng – lạnh, Đông – Tây của Jean – Marc Potlet và Lệ Chi đã tạo nên thành công của triển lãm và đấu giá online với chủ đề “Yêu Việt Nam qua con mắt người nước ngoài”. Chỉ chưa đầy một tuần, 4/6 bức tranh đã được bán. Đây có thể coi là hình dung đơn giản nhất về thị trường đấu giá tranh online tại Việt Nam, vốn được coi là non trẻ, mới bắt đầu chưa đầy một thập kỷ, bỏ lại những sàn đấu giá và gallery truyền thống phía sau…

Ngay sau cuộc đấu giá online với bộ 6 tác phẩm  của Jean – Marc Potlet, Chi Art Space đã thực hiện triển lãm và đấu giá online các tác phẩm hội họa lụa, sơn mài, sơn dầu… với chủ đề “Thưởng thức vẻ đẹp nude” và rất nhiều tranh trong cuộc triển lãm này đã được đấu giá thành công… Đấu giá tranh online đang dần trở thành một xu hướng quen thuộc, góp sức tạo nên một không gian mới cho mỹ thuật, đặc biệt giúp công chúng hiểu rõ hơn về tác phẩm của các họa sỹ Việt Nam đương đại.

Có thể nói, trong khoảng 10 năm trở lại đây, khái niệm “đấu giá trực tuyến” (online auction) đã mở ra một mùa xuân mới cho mỹ thuật. Nếu như các hoạt động đấu giá đã ra đời từ hơn 2500 năm trước, sàn đấu giá Sotheby’s hơn 270 năm hay Christie’s nổi tiếng ra đời hơn 250 năm, thì các cuộc đấu giá online được Ebay khởi động năm 2005. Giới mỹ thuật thế giới đã được biết đến các sàn trực tuyến nổi tiếng như Artnet, Paddle8, Auctionata, Saffronart… Tại Việt Nam, có thể kể đến một số đơn vị tiên phong như Vietnam Art Space, Vietnam Art Now, All about Art and Artits và gần nhất là Chi Art Space…

Loại bỏ yếu tố cồng kềnh của một bộ máy đấu giá truyền thống, tốn kém tài chính cũng như hạn chế người tham gia, đấu giá online đã giúp cho các tác phẩm hội họa nhanh chóng được nhiều người quan tâm hơn, vì thế cơ hội tranh bán được sẽ nhiều hơn. 

Và vì yếu tố tiện ích này, nên các cuộc đấu giá online được định vị ở phân khúc các tác phẩm hạng trung, bởi tính rủi ro của các hoạt động online vẫn là một rào cản. Chẳng hạn, những bức tranh ở nước ngoài thường được bán online dao động từ dưới 30 ngàn đô la Mỹ. 

Tại Việt Nam, những tác phẩm hội họa được bán online nhiều nhất ở mức dưới 10 ngàn đô la. Bởi người mua tranh thường muốn xem tranh, muốn mua tác phẩm của các họa sĩ thành danh hơn những họa sĩ mới, đồng thời, họ có lo lắng về nguồn gốc cũng như độ nguyên bản của mỗi bức tranh.

Dẫu vậy, thị trường cũng đã từng chứng kiến những cuộc đấu giá online thành công vượt mong đợi, ví dụ như bức “Flowers” của họa sỹ Andy Warhol vẽ năm 1978, được sàn Artnet đấu giá online thành công với mức giá 1,4 triệu đô la Mỹ. Năm 2018, các cuộc đấu giá tranh trực tuyến đã mang về doanh thu khoảng 5 tỷ đô la Mỹ. Theo các phân tích tại thị trường Mỹ, thị trường nghệ thuật trực tuyến đang bùng nổ và dự kiến sẽ đạt 9,58 tỷ USD năm 2020.

Tại Việt Nam, bên cạnh các sàn đấu giá tranh truyền thống như “Chọn” hay Lythi’s” thường chú trọng vào phân khúc tranh nổi tiếng của các họa sỹ thế hệ mỹ thuật Đông Dương, việc đấu giá online chủ yếu được thực hiện qua mạng xã hội Facebook, và mỗi năm có tới vài trăm tác phẩm mỹ thuật của các họa sỹ mới được giới thiệu.

“Đây chính là nơi để các họa sĩ trẻ giới thiệu tác phẩm của mình thay vì chờ đợi cơ hội khó khăn và quá tốn kém để tổ chức một cuộc triển lãm cá nhân. Điều đáng nói là đấu giá online thường có kết quả rất nhanh. Có những cuộc đấu giá bán được quá nửa tranh chỉ trong vòng vài ngày. Dẫu vậy thì, tranh đấu giá thường được bán với giá vừa phải, ở phân khúc mà người sưu tập tranh không cảm thấy e ngại, vì sợ rủi ro” – Lệ Chi chia sẻ.

Bức tranh sơn mài “Trái cấm” của họa sĩ Lê Anh Cẩn được Chi Art Space đấu giá online trong triển lãm “Thưởng thức vẻ đẹp nude” tháng 12-2018.

Quay trở lại với câu chuyện của Chi Art Space, một “tân binh” trong lĩnh vực sàn đấu giá tranh online tại Việt Nam. Với một thời gian rất ngắn, Lệ Chi và các cộng sự của mình đã  đưa ra được rất nhiều ý tưởng tổ chức các cuộc triển lãm online cho các họa sỹ trẻ. 

Tốt nghiệp Học viện Điện  ảnh Bắc Kinh, với hơn 10 năm làm phóng viên theo dõi mảng mỹ thuật của tờ Thanh Niên nhật báo, Lệ Chi dần trở thành người sưu tầm tranh trước khi chính thức lập Chi Art Space vào tháng 11 năm 2018.  Ở thời điểm ban đầu, Lệ Chi nói chị không nhận tiền hoa hồng từ việc đấu giá tranh của các họa sĩ, vì “tôi đang muốn gây dựng uy tín của Chi Art Space”.

Ở không gian online này, Chi Art Space làm triển lãm, thẩm định tranh và truyền thông cho các tác phẩm của các họa sỹ đương đại. Dù trong thời gian rất ngắn, đơn vị của Lệ Chi đã thực hiện truyền thông thành công nhiều triển lãm như “Dải hẹp của bầu trời” của Nguyễn Ngọc Đan hay triển lãm tranh của nhóm “Hiện thực” với 70 tác phẩm sơn dầu, màu nước, acrylic của 14 họa sĩ  như Lê Thế Anh, Nguyễn Văn Bảy, Phạm Bình Chương, Phạm Minh Đức, Nguyễn Lê Tân…

Theo đánh giá của giới phê bình mỹ thuật, sự rủi ro của đấu giá tranh online là có, tuy nhiên cũng giống như tất cả các lĩnh vực khác, việc đưa tranh lên sàn trực tuyến là một xu hướng tất yếu. Ở không gian này, người xem và các nhà sưu tập sẽ có chủ kiến và quyết định của riêng mình trước khi tiến hành công đoạn cuối cùng là tới phòng trưng bày để xem tranh. 

Đồng thời, sàn hội họa trực tuyến sẽ giúp cho các họa sĩ có nhiều cơ hội tương tác với công chúng hơn. Đây chính là cánh cửa mở ra nhiều hướng đi cho không chỉ mỹ thuật đương đại Việt Nam…

Dương Thái Sơn
.
.
.