Gặp lại nguyên mẫu trong 2 bức ảnh "đốn tim" cộng đồng mạng

Thứ Ba, 31/01/2017, 22:26
Hình ảnh hai chiến sĩ Cảnh sát PCCC quả cảm mặt mũi nhem nhuốc ám khói đen, nhưng cặp mắt thì cương nghị, sáng rực bế trên tay cháu bé mới chỉ vài tháng tuổi vừa thoát khỏi bàn tay giặc lửa; 2 "chàng" Cảnh sát trẻ măng trở thành bà đỡ bất đắc dĩ trong đêm tuần tra đang nựng em bé, "hậu cảnh" là nụ cười tỏa nắng của người mẹ đã làm cộng đồng mạng xúc động. 


Đáng chú ý, hai bức ảnh này với cú bấm máy xuất thần đã chinh phục Ban giám khảo khó tính nhất và giành giải Nhất, Nhì cuộc thi ảnh "Vì bình yên cuộc sống năm 2016" do Báo điện tử CAND tổ chức...

Tôi hẹn gặp Nguyễn Tiến Anh Tuấn, phóng viên Báo điện tử zing.vn vào một ngày cuối đông trong quán cà phê nhỏ trên phố Nguyễn Du. Tuấn vẫn bận bịu với những chuyến đi tác nghiệp ở Quảng Ninh trở về. Anh là tác giả của bức ảnh "Những trái tim dũng cảm", giành giải Nhất cuộc thi ảnh "Vì bình yên cuộc sống năm 2016" của Báo điện tử CAND.

Nói như nghệ sĩ Bùi Hỏa Tiễn, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Trưởng Ban giám khảo cuộc thi: "Bức ảnh phác họa chân thực sự dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì cuộc sống bình yên của nhân dân của cán bộ chiến sĩ CAND qua lăng kính nghệ thuật".

Bức ảnh "Những trái tim dũng cảm" của tác giả Nguyễn Tiến Anh Tuấn đoạt giải Nhất. (Thiếu úy Lê Diên Anh người bế cháu bé và Trung sĩ Nguyễn Anh Tuấn).

Chia sẻ về bức ảnh này, Anh Tuấn cho biết, giữa tháng 10-2015, khi anh đang cùng gia đình ở nhà bà ngoại thì nhận được tin có vụ cháy tại chung cư Xa La, Hà Đông. "Tôi đã tác nghiệp rất nhiều vụ cháy lớn nhưng những khoảnh khắc cứu người của các chiến sĩ PCCC tối hôm đó đã khiến tôi ấn tượng mãi. Các anh lăn xả vào đám cháy để di chuyển những người dân đến nơi an toàn. Em bé nằm bình an trong tay 2 chiến sĩ Cảnh sát PCCC, khuôn mặt 2 chiến sĩ đen sạm vì khói lửa nhưng đôi mắt vẫn ánh lên niềm tin, sự cương nghị, quyết tâm, hy sinh vì bình yên cuộc sống của nhân dân... đó là những gì súc tích nhất, cô đọng nhất ở một người chiến sĩ CAND mà không lời văn câu chữ nào diễn tả được" - Nguyễn Tiến Anh Tuấn chia sẻ.

Tác giả giành giải Nhì cuộc thi ảnh "Vì bình yên cuộc sống năm 2016" là một phóng viên trẻ mang cái tên mềm như con gái của Báo An ninh Thủ đô: Phạm Thuận Thư. Thuận Thư là người may mắn cùng 2 chiến sĩ Công an huyện Quốc Oai (Hà Nội) quay lại thăm em bé mà hai anh đã trở thành bà đỡ bất đắc dĩ cách đó gần một tháng.

"Một điều ấn tượng với tôi là gia đình chị Hoàng Thị Phương và hai cán bộ Công an. Mọi người nói chuyện thân mật, đặc biệt bố mẹ chồng chị Phương rất vui và xúc động khi được đón 2 ân nhân về thăm cháu. Trong lúc Thiếu úy Tiệp và Thượng sĩ Tùng bế cháu nhỏ nựng yêu, mọi người xung quanh nói cười vui vẻ, ấm áp. Tôi chớp được khoảnh khắc nụ cười tươi tắn của các nhân vật trong ảnh. Một điều gì đó giản dị nhưng cũng rất đỗi thân thương, gần gũi giữa các chiến sĩ Công an với người dân" - tác giả Thuận Thư kể lại khoảng khắc chụp tấm ảnh "Niềm vui của hai "Cảnh sát bà đỡ".

Tác phẩm "Niềm vui của hai "Cảnh sát bà đỡ" của tác giả Phạm Thuận Thư.

Bức ảnh với giá trị nhân văn và nghệ thuật sâu sắc đã lay động trái tim, làm bao người xúc động bởi không cần nhiều lời bình, bức ảnh đã nói lên tình cảm của những cán bộ Công an mưu trí, dũng cảm nhưng cũng rất đỗi gần gũi, thân thương.

Hai chiến sĩ Cảnh sát PCCC trong bức ảnh "Những trái tim dũng cảm" của tác giả Nguyễn Tiến Anh Tuấn là Thiếu úy Lê Diên Anh (người bế cháu bé) và Trung sĩ Nguyễn Anh Tuấn, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC số 2 Đống Đa. Diên Anh tốt nghiệp Trung cấp Cảnh sát PCCC tháng 4-2014; Anh Tuấn nhập ngũ tháng 5-2014 và cùng biên chế vào Đội chữa cháy Phòng Cảnh sát PCCC số 2. Trong quá trình công tác hai người tham gia hàng chục vụ chữa cháy trên địa bàn và gặp nhiều nguy hiểm trong khi chiến đấu với giặc lửa.

Hỏi về bức ảnh mà anh là nguyên mẫu chính, Thiếu úy Diên Anh cho biết: "Hôm đó đang trực chiến tại đơn vị thì nhận còi báo động réo vang. Phòng Cảnh sát PCCC số 2 được lệnh xuất 2 xe chữa cháy chi viện chữa cháy tại chung cư Xa La. Sau khi xe đến nơi, tiểu đội chúng tôi được lệnh theo cầu thang bộ tiếp cận các tầng để sơ tán người còn đang mắc kẹt.

Khi chúng tôi lên đến tầng 11, thấy một gia đình gồm 2 phụ nữ và hai cháu nhỏ vẫn bị mắc kẹt trong phòng trong tâm trạng hoảng loạn. Anh em đã động viên mọi người bình tĩnh, sau đó dìu người phụ nữ lớn tuổi, bế 2 cháu bé theo cầu thang bộ xuống tầng 1".

"Lúc đó chỉ nghĩ sao cứu được người chứ không hề biết mình "được" chụp ảnh. Chỉ sau này thấy bạn bè gọi điện thông báo thấy hình ảnh trên báo mới biết" -Trung sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm.

Thiếu úy Lê Diên Anh và Trung sĩ Nguyễn Anh Tuấn (Phòng Cảnh sát PCCC số 2 Đống Đa, Hà Nội).

Gặp lại chúng tôi, Trung úy Nguyễn Văn Tiệp, cán bộ Đội Hình sự Công an huyện Quốc Oai và Thiếu úy Đoàn Thanh Tùng, cán bộ Đội Hình sự Công an huyện Đan Phượng (Thiếu úy Tùng mới được điều động về Công an huyện Đan Phượng từ tháng 10-2016; cả 2 mới được thăng cấp bậc hàm tháng 6-2016) vẫn ngượng ngập khi kể về chuyện phải trở thành "bà đỡ" bất đắc dĩ. Không ngượng ngập sao được khi hai chàng lính trẻ chưa có gia đình lại "rơi" vào một tình huống bất đắc dĩ...

Kể lại chuyện phải làm bà đỡ bất đắc dĩ ngày 22-6-2016, 2 "chàng" Cảnh sát trẻ cho biết: Rạng sáng hôm đó, trong ca tuần tra trên địa bàn tỉnh lộ 419, thuộc thị trấn Sài Sơn, hai anh phát hiện 2 người phụ nữ đi xe máy dừng xe trên triền đê.

Thấy một người phụ nữ ôm bụng quằn quại hai anh mới biết đó là chị Hoàng Thị Phương đang được chị dâu Nguyễn Thị Xuân đưa đi sinh nở. Trong khi hai anh đang gọi xe taxi đến giúp đỡ thì chị Phương đã trở dạ. Thiếu úy Tiệp và Thượng sĩ Tùng bất đắc dĩ trở thành 2 bà đỡ giúp sản phụ mẹ tròn con vuông. Đây là một ca sinh nở "vô tiền khoáng hậu", ánh sáng là chiếc đèn pha 2 xe máy, giữa lúc trời chuẩn bị đổ mưa giông, sấm chớp đì đùng.

Trung úy Nguyễn Văn Tiệp và Thiếu úy Đoàn Thanh Tùng đều là cựu học viên Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I. Trung úy Tiệp (26 tuổi), ra trường năm 2011, Thiếu úy Tùng (23 tuổi) ra trường năm 2013, và đều về đầu quân ở Công an huyện Quốc Oai.

Thiếu úy Đoàn Thanh Tùng (phải) trong Lễ kết nạp đảng.

Sau ca đỡ đẻ bất đắc dĩ, hai chàng Cảnh sát cũng "bất đắc dĩ" trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Lính hình sự Tết đến xuân về công việc bề bộn, nhưng mỗi khi có việc qua xóm Núi, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, Trung úy Tiệp và Thiếu úy Tùng vẫn dành thời gian rẽ qua thăm lại cậu bé Vương Sỹ Gia Lộc.

Công tác ở đội hình sự, hằng ngày các anh phải luôn căng mình đối mặt với bọn tội phạm nguy hiểm nhưng trong đời thường, trong tiếp xúc với nhân dân, các anh vẫn luôn thể hiện là những người chiến sĩ thân thiện, gắn bó, tin cậy; từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ...

Hoa Hạ
.
.
.