Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài (1920 – 2020):

Bóng đại thụ trăm năm vẫn tỏa

Thứ Sáu, 16/10/2020, 07:28
Ngày 15/10, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Tô Hoài (1920 – 2020) tại Hà Nội.  Gần 20 bài viết của các nhà văn, nhà nghiên cứu về nhà văn Tô Hoài được công bố trong dịp này không chỉ góp phần làm sáng tỏ thêm những đóng góp to lớn của ông với văn học nghệ thuật mà còn giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về bậc trưởng bối của “làng” văn Việt Nam.


Nhà văn Tô Hoài sinh năm 1920, mất năm 2014. Ông để lại một di sản đồ  sộ gồm gần 200 đầu sách, trong đó có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Nhà văn được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 1 năm 1996 cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O Chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.

Đánh giá về vị thế của nhà văn Tô Hoài trên văn đàn Việt Nam, GS Hà Minh Đức khẳng định: Tô Hoài là một tài năng, một phong cách văn xuôi nhiều màu sắc và là một cây đại thụ của làng văn, mãi mãi được ghi nhớ. Theo GS Hà Minh Đức, trong dòng văn học hiện thực thời kỳ 1939 – 1945, Tô Hoài là một cây bút tiêu biểu đa năng. Gia tài tác phẩm của ông có cả tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, truyện thiếu nhi…

Thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám, khối lượng tác phẩm lại được nhân lên với nhiều thể loại, nhiều màu vẻ. Trọng điểm của một đời văn là quê hương. Bộ ba tác phẩm “Quê hương”, “Quê người”, “Quê nhà” là dòng chảy qua nhiều thập kỷ, với nhiều tư liệu về quê hương Việt Nam.

Lễ Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn Tô Hoài tại Hội Nhà văn Việt Nam ngày 15/10.

Hơn thế nữa, sau Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, ông lại có một quê hương mới. “Truyện Tây Bắc”, “Miền Tây” là quê hương của nhiều dân tộc vùng cao. Ông tiếp tục truyền thống của những trang viết về làng quê của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng trong hoàn cảnh của thời kỳ mới khắc nghiệt và nặng nề của chế độ kiểm duyệt thực dân Pháp, phát xít Nhật.

Cũng theo GS Hà Minh Đức thì nhà văn Tô Hoài có một cách nhìn làng quê vừa chân thực vừa cởi mở. Nhà văn Vũ Ngọc Phan rất chính xác phân loại khi đã xem nhà văn Tô Hoài là nhà phong tục, miêu tả những tập quán lành mạnh cần lưu giữ. Tô Hoài là nhà văn viết giỏi, viết hay về các loài vật. Chỉ riêng một truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” cũng đã ghi một điểm son cho trang viết. Loài vật trong truyện của Tô Hoài gần gũi, trong mối liên hệ với con người, nhất là người nông dân ở làng quê.

Nhà văn Tô Hoài sớm có sáng tác về Hà Nội nhưng Hà Nội trong các tác phẩm của ông khác với Hà Nội trong các sáng tác của Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng. Đó là Hà Nội đời thường của các tầng lớp trung lưu và người nghèo khổ nơi phố phường. Văn chương của ông có không khí vui tươi của những lễ hội hội Tây, Tết Trung thu, lễ hội chùa, có không khí tấp nập mua bán quần áo, tơ lụa, vảo vóc, các quán ăn đường phố nhộn nhịp. Các thức ăn bánh cuốn, chả cá, phở, cơm đầu ghế, các quà rong của người Tàu như bánh rán, bánh chín tầng mây, báo bảo lường xà.

Tô Hoài miêu tả chân thực, không tô điểm nhưng luôn chứa đựng trong là ý thức, tình cảm tôn trọng cảnh và người của Hà Nội cũ. Với sở trường của một ngòi bút giỏi quan sát, Hà Nội cũ hiện ra những bức tranh sinh động…

Nhiều bài viết, nhiều kỷ niệm đặc biệt về nhà văn Tô Hoài cũng đã được các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ chuẩn bị công phu cho dịp này. Trong đó, PGS.TS Vân Thanh đi sâu nghiên cứu truyện viết cho thiếu nhi của Tô Hoài. Nhà văn Ngô Thảo chứng minh, nhà văn Tô Hoài không chỉ viết văn mà còn viết kịch. PGS.TS Lê Thị Bích Hồng khẳng định, nhà văn Tô Hoài đặc biệt có duyên với điện ảnh. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân lại “soi chiếu” nhà văn dưới một góc nhìn đặc biệt: “Tô Hoài, đứa con của người mẹ họ Lại làng Nghè”…

Tuy nhiên, nói theo cách của GS Phong Lê trong bài viết “Theo chân Tô Hoài” thì: Khó mà nói trong các nguồn mạch làm nên dòng sông chữ nghĩa nơi văn Tô Hoài mạch nào là chìm, mạch nào là nổi. Có chìm và có nổi, nhưng nổi hoặc chìm vẫn đều dồi dào trữ lượng và mang sự sống riêng, sự sống Tô Hoài. Có sự sống dường như ông đã phải nỗ lực để nắm bắt, như sự sống ở vùng cao. Có sự sống lại tự nhiên mà đến, tự nhiên mà có, dường như không cần đến một nỗ lực nào, như ngồn nước chảy ra là nước.

“94 năm tuổi đời, 70 năm tuổi nghề - tính cả trước và sau năm 1945, một hành trình thật là dài trong tương ứng với đời người, cho đến tuổi 80, rồi ngoài 90 – khi tôi viết bài này, với trước mặt, những tựa sách vừa in, cùng bao tựa sách đã và sẽ còn tái bản, kể từ “Dế mèn phiêu lưu ký”, tôi thấy Tô Hoài vẫn đang trong một hiện diện tròn đầy như chưa hề ngưng nghỉ. Chưa hề bỏ cuộc, càng không lúc nào thua cuộc, Tô Hoài vẫn là người cùng thời với bao thế hệ người viết và người đọc, trong hơn 2/3 thế kỷ”, GS Phong Lê khẳng định.

N.Nguyễn
.
.
.