Bỏ quy định cấp phép ca khúc trước năm 1975:

Nghệ sĩ, nhà tổ chức e ngại phát sinh thêm tiêu cực

Thứ Tư, 20/02/2019, 08:59
Chính phủ vừa đồng ý cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Nghị định mới quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu… nhằm giải tỏa nhiều “nút thắt” về quản lý các lĩnh vực này. 


Trong đó, chủ trương bãi bỏ cấp phép ca khúc trước năm 1975 – hoạt động từng là tâm điểm chỉ trích của dư luận trước đây được coi là một trong những nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nghệ sĩ, nhà tổ chức biểu diễn và công chúng trong thưởng thức nghệ thuật. Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày, giới nghệ sĩ, tổ chức biểu diễn lại tiếp tục bày tỏ lo lắng, nếu không cẩn trọng, rõ ràng, hoạt động này trong tương lai còn gặp khó khăn hơn. 

Nghị định mới sẽ thay thế Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định 15/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 79. 

“Con đường xưa em đi” từng khiến dư luận “dậy sóng” khi bị Cục Nghệ thuật biểu diễn dừng lưu hành.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chủ trương đề nghị xây dựng Nghị định mới này từ đầu năm 2018. Hồ sơ xây dựng dự thảo Nghị định này đã được công bố để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân và trình Chính phủ vào cuối năm 2018. Mới đây, chủ trương này đã được Chính phủ chấp nhận. 

Theo đó, Nghị định mới sẽ điều chỉnh khá nhiều quy định được cho là không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống của Nghị định 79 và Nghị định 15. Quy định từng gây tranh cãi, bị chỉ trích nhiều như cấp phép thi người đẹp, người mẫu; cấp phép ca khúc trước năm 1975 đều được thay đổi. 

Cụ thể, trừ các cuộc thi sắc đẹp quốc tế mà cá nhân dự thi với tư cách đại diện Việt Nam, thí sinh bắt buộc phải đạt danh hiệu của cuộc thi trong nước và phải xin phép thì các cuộc thi sắc đẹp khác, cá nhân sẽ không cần phải đáp ứng các điều kiện này. 

Lĩnh vực âm nhạc, chủ trương bãi bỏ các quy định cũ về việc cấp phép các ca khúc sáng tác trước  năm 1975 được giới nghệ sĩ, công chúng, nhà tổ chức đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, chỉ sau ít ngày vui mừng với những thông tin ban đầu, phần lớn những người từng ủng hộ chủ trương này lại bày tỏ e ngại, thậm chí lo lắng.

Nghệ sĩ Ánh Tuyết, một trong những ca sĩ kiêm nhà tổ chức gắn bó lâu năm với hoạt động biểu diễn ca khúc nhạc xưa cho hay, khi mới nghe qua thông tin, chị và các đồng nghiệp đều rất mừng, nghĩ là sẽ bớt thủ tục hành chính nhưng thực ra không phải thế. 

Bởi lẽ, lâu nay, bỏ quy định cấp phép ca khúc trước năm 1975 khiến nghệ sĩ biểu diễn và nhà tổ chức tốn khá nhiều công sức nhưng vẫn còn có danh mục ca khúc để dựa vào đấy mà chọn lựa. Nếu bỏ quy định này, không còn danh mục ca khúc. 

Quyền hạn và trách nhiệm thẩm định ca khúc được giao về các địa phương mà lực lượng cán bộ quản lý văn hóa các địa phương đang có nhiều vấn đề phải bàn. Nếu không cẩn thận sẽ giống như thay một giấy phép chung thành rất nhiều giấy phép con. 

Thực tế cho thấy, từ nhiều chục năm trước, khi đưa đoàn đi lưu diễn các tỉnh, cùng một chương trình nhưng tỉnh này đồng ý, tỉnh khác thì không. Khi giao quyền về cho địa phương, trình độ, quan điểm cán bộ mỗi nơi một  khác. Nếu không có các tiêu chí rõ ràng về ca khúc bị cấm, nghệ sĩ, nhà tổ chức biểu diễn có khi còn mệt hơn. 

Bên cạnh e ngại phát sinh tiêu cực trong quá trình thẩm định, cấp phép biểu diễn thì điều khiến nghệ sĩ, nhà tổ chức lo lắng hơn nữa là để đảm bảo an toàn, sẽ có nhiều cán bộ địa phương sẽ giới hạn ca khúc được cấp phép biểu diễn chặt hơn cả trung ương. Mặt khác, khi quan điểm, trình độ cán bộ giữa các địa phương “vênh” nhau, xảy ra tranh cãi, cán bộ bị cho là vi phạm quy định thì nghệ sĩ, nhà tổ chức biểu diễn cũng không tránh khỏi lo lắng bị liên quan.

Cũng theo ca sĩ Ánh Tuyết, quy định cấp phép biểu diễn trực tiếp cho cá nhân nghệ sĩ hải ngoại thay vì chỉ cấp phép cho tổ chức như trước đây là một bước tiến mới trong công tác quản lý. Tuy nhiên, cũng đã có tình trạng, nghệ sĩ này được địa phương này đồng ý cho biểu diễn nhưng địa phương khác thì không. 

Vì vậy, để tránh các vấn đề bất cập nói trên và thực sự thuận lợi hơn cho nghệ sĩ, nhà tổ chức và công chúng trong biểu diễn, tiếp nhận các giá trị nghệ thuật, cần có sự thống nhất và rõ ràng hơn về tiêu chí ca khúc được phép hay không được phép biểu diễn.

Về vấn đề này, “ông bầu” Hồng Sơn, một trong số những người có thâm niên cao trong tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật và cũng là một trong số các nhà báo gắn bó lâu năm với lĩnh vực hoạt động nghệ thuật giải trí thì chia sẻ rằng anh không mừng vội trước các thông tin nói trên. 

Theo chủ trương mới, các địa phương và các đơn vị, cá nhân tổ chức chương trình sử dụng ca khúc được trao quyền đồng thời chịu trách nhiệm khi sử dụng ca khúc. Nếu vi phạm, họ sẽ bị xử lý và có thể bị xử lý mạnh hơn lâu nay. Như thế, chắc chắn, cả nhà quản lý và nhà tổ chức sẽ chọn giải pháp an toàn nhất cho mình, tránh tối đa các ca khúc lâu nay chưa được phổ biến cấp phép. 

Chưa kể, lâu nay, hiện tượng “phép vua thua lệ làng” vẫn thường xảy ra. Đã có không ít trường hợp, ca khúc, nghệ sĩ đã được Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp phép, được nhiều tỉnh thành đồng ý và đã được tổ chức biểu diễn ở nhiều địa phương nhưng đến địa phương khác vẫn bị từ chối.

Cũng theo “ông bầu” Hồng Sơn, các ca khúc quen thuộc với số đông công chúng, dù chưa được cấp phép nhưng giá trị đã được thử thách qua thời gian thì không nên và không cần xin cấp phép biểu diễn, dù là cấp địa phương hay trung ương. 

Các ca khúc mang tính kích động, gây chia rẽ cộng đồng, xâm phạm quyền lợi quốc gia thì phải cấm và người cố tình vi phạm sẽ bị xử lý là đúng. Tuy nhiên, các tiêu chí quy định cũng cần rõ ràng và việc cấp phép, kiểm soát chất lượng ca khúc cũng cần những “màng lọc” hiệu quả. Tránh tình trạng, nhiều sản phẩm nghe thô tục, nhảm nhí, bị dư luận chỉ trích vẫn phát hành tràn lan như hiện nay.

Ngọc Nguyễn
.
.
.