“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75"sẽ được dịch ra tiếng Anh

Thứ Năm, 02/06/2016, 17:10
Hai năm sau khi xuất bản lần đầu, được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2014, Giải thưởng Văn học ASEAN 2015, cuốn tiểu thuyết tư liệu "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh mới chính thức có buổi ra mắt tại Hà Nội vào sáng 28-5. 


Theo tiết lộ của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" sẽ sớm được dịch ra tiếng Anh để giới thiệu với bạn đọc thế giới về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc Việt Nam.

Viên kim cương quý của văn học tư liệu

Bên lề buổi ra mắt "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" ấn bản đặc biệt, ông Trần Quốc Dân, Phó Giám đốc NXB Chính trị quốc gia - Sự thật cho biết, đến nay, cuốn sách đã được tái bản lần thứ 3, với tổng cộng 9.000 cuốn. Riêng lần tái bản này, sách được in 5.000 cuốn (trong đó có 1.000 cuốn bìa cứng), có sự phối hợp với Công ty sách Thái Hà.

Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty sách Thái Hà, ông đã đọc một mạch thâu đêm, đến khoảng 4h sáng thì xong: "Cuốn sách đã giúp tôi thấy rõ cuộc chiến để thống nhất đất nước những tháng ngày cuối cùng của chiến tranh. Đối với tôi, cuốn sách là cơ may của lịch sử vì nhiều tư liệu quý lần đầu được công bố".

Nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh (giữa) ký tặng sách cho bạn đọc.

TS Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định thêm: "Tôi tìm thấy trong cuốn sách 550 trang này rất nhiều điều mới lạ và quý giá. Nói thật rằng nhờ cuốn sách này mà tôi biết và hiểu hơn về hàng chục tướng lĩnh của quân đội Việt Nam Cộng hòa…".

Còn nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ: "Khi bắt đầu viết cuốn sách, rất nhiều tai họa ập đến với tôi. Năm 1981, nhà tôi bị cháy hết cả nhà. Lúc này lại phải đi tìm lại những tư liệu đó". Tiếp đó, từ năm 2002 đến 2012, trong suốt 10 năm đó có nhiều biến cố xảy ra trong cuộc đời khiến ông không viết được một chữ nào. "Cứ mở ra rồi đóng lại, nhiều lúc tôi muốn đốt những tài liệu đó. Có tới hàng nghìn trang tài liệu bày bộn ra khắp nhà cửa...".

Tác giả tiết lộ thêm, đến khoảng năm 2012, ông chuyển nhà về phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), nên thi thoảng có gặp Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh. Vì trước đó, khi còn làm Tổng Biên tập Báo Văn nghệ, nhà thơ Hữu Thỉnh đã trích đăng 2 chương trong bản thảo cuốn sách nên vẫn nhớ và đã tiếp tục thúc giục nhà báo Trần Mai Hạnh hoàn thành cuốn sách. Thế là nhà báo Trần Mai Hạnh có thêm "lửa" để ngồi lại vào bàn viết, và ông đã hoàn thành cuốn sách sau khi đã viết lại một số chương, bằng một tâm thế mà trước đó ông chưa hề có.

Chính điều này khiến cho cuốn sách trở nên khách quan, và bằng cái nhìn "sang trọng" như chữ của nhà thơ Hữu Thỉnh nói. Chính vì thế, khi cuốn sách "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh ra mắt lần đầu tiên, nhà thơ Hữu Thỉnh đã đánh giá, "sức mạnh của sự thật là không gì có thể chống lại được, vượt qua sự hoen gỉ của thời gian. Sự thật trong cuốn sách là thứ kim cương của văn học tư liệu".

Khách quan, không phán xét

Với "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", nhà báo Trần Mai Hạnh cho rằng, ông không có bất cứ nhận xét hay đánh giá nào, cũng không biểu lộ bất cứ tình cảm nào của mình trong tất cả những vấn đề được trình bày trong cuốn sách. Ông dành việc đó cho độc giả và xã hội.

Tác giả chia sẻ, để viết được cuốn sách với hệ thống 273 nhân vật là người thật - việc thật, không đơn giản một chút nào. Riêng việc chính xác từng cái tên (cả họ và tên đệm) của gần 300 nhân vật ấy cũng đã là sự kỳ công. Ông đã tập hợp, truy tìm, phân tích, đối chiếu, so sánh hàng vạn trang tài liệu trong suốt một thời gian dài. Nói về nguồn tài liệu, tác giả tiết lộ: Có tài liệu do đi tìm mà thấy, nhưng cũng có tài liệu "tự tìm đến với mình".

"Không có gì cuốn hút người ta bằng sự thật", từ quan niệm đó, nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh đã xử lý một kho tư liệu đồ sộ, là những tài sản quốc gia vô cùng quý giá, để hoàn thành cuốn sách. Ông đã cố gắng viết chính xác không chỉ các sự kiện, mà còn "chính xác đến cả những cơn mưa". Điều đó làm nên sức hấp dẫn của cuốn sách, giúp "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2014 và giải thưởng văn học ASEAN 2015.

Theo tác giả, khó nhất trong lúc viết là giữ được sự điềm tĩnh, để không có bất cứ nhận xét, đánh giá nào. Nếu đưa tình cảm của mình vào thì cuốn sách sẽ không còn là "Biên bản" nữa mà sẽ rẽ sang hướng khác, na ná với những cuốn sách khác.

Cuốn "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" đã được tái bản tới lần thứ 3.

Bên cạnh đó, một điều ít người biết, bản thảo cuốn sách đã từng mang nhiều cái tên khác nhau. Khi nhà xuất bản đề nghị đổi tên, tác giả cũng bí không biết đặt tên là gì. Cuối cùng, "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" xuất hiện, tên sách ấy do con gái nhà báo Trần Mai Hạnh đặt. "Khi quyết định đặt tên cuốn sách là "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75"  tức là tôi đã sẵn sàng mang cả sinh mệnh chính trị của mình vào đó. Và rất may, sau hai năm cuốn sách đã ra đời, chưa có ai phản ứng, hay chỉ ra những sai sót lớn nào", nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ.

Sẽ dịch ra tiếng Anh

Có mặt tại buổi ra mắt phiên bản đặc biệt "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam dành nhiều tâm sự quanh cuốn sách đặc biệt này.

Ông không giấu giếm sự nhìn nhận chân tình: "Hội Nhà văn Việt Nam có hơn 1.000 hội viên, nhưng số tác phẩm viết về chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch 30-4-1975 không nhiều, nếu không muốn nói là rất ít. "Chúng ta còn mắc nợ lớn với bạn đọc, với lịch sử!", nhà thơ Hữu Thỉnh nói.

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, với "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", nhà báo Trần Mai Hạnh đã lấp một khoảng trống vô giá về văn học tư liệu, về "Chiến dịch Mùa Xuân 1975", giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tác phẩm được viết với một góc nhìn điềm tĩnh, khách quan và đầy nhân văn về một thời điểm lịch sử đặc biệt của dân tộc. Ông cho rằng, trước đây chúng ta có cụm từ "văn - sử - địa bất phân" thì cuốn sách của nhà báo Trần Mai Hạnh là "văn - sử - báo bất phân".

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho biết, Hội đã quyết định dịch "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" sang tiếng Anh để giới thiệu, quảng bá về sự nghiệp đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc và khát vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam tới bạn đọc trên thế giới. Công việc này bắt đầu được tiến hành, dự kiến bản tiếng Anh sẽ hoàn thành và ra mắt vào cuối năm nay. "Đây sẽ là cuốn sách đầu tiên trong số những tác phẩm nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam được dịch ra tiếng nước nước ngoài", nhà thơ Hữu Thỉnh nói.

Trong 19 chương, gần 558 trang của "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75", nhà báo Trần Mai Hạnh đã phác họa sinh động sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, cùng chân dung của hầu hết tướng lĩnh quân đội và số phận những người cầm đầu chính quyền tay sai trong bốn tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam (từ tháng 1 đến tháng 4-1975). Bên cạnh việc đó, cuốn sách còn có hơn 100 trang in toàn văn 21 tài liệu tham khảo nguyên bản về cuộc chiến mà ở thời điểm 40 năm trước là tài liệu tuyệt mật của phía chính quyền Sài Gòn và phía Hoa Kỳ.

Ở bản in mới nhất này, cuốn sách có thêm phần phụ lục với những bản tư liệu quý, giúp độc giả tiếp cận với những bài phát biểu ít được biết đến. Ngoài ra cũng có in một số ý kiến nhận xét của Hội đồng Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam; nhận xét của nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhận xét của ông M.R. Sukhumbhand Paribatra, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Văn học ASEAN 2015 về cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" tại Lễ trao giải; hai bài phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng Văn học năm 2014 và Lễ trao Giải thưởng Văn học ASEAN 2015, bài tham luận "Văn chương vì phẩm giá hiện tại và tương lai" của nhà báo Trần Mai Hạnh tại Diễn đàn Văn học Đông Nam Á tổ chức tại Bangkok, Thái Lan ngày 16-12-2015. Vì thế, có thể nói "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" là một cuốn sách đầy công phu và có giá trị lớn về mặt sử liệu, đặc biệt là khi nó được dịch ra phiên bản tiếng Anh.

Hà Anh
.
.
.