Âm nhạc đang bị “vẩn đục vì… rác” (!)

Thứ Hai, 03/10/2016, 09:04
Chỉ cần trong tích tắc, “sợt” (search) Google, có đến hàng trăm nghìn lượt kết quả hiện lên danh sách các bài hát của các ca sĩ trẻ Yb, B, SL,… mà ca từ thì vô cùng khủng khiếp. Âm nhạc một loại hình nghệ thuật thanh tao đang bị chính những bài hát với những tựa đề, những ca từ dễ dãi, “vớ vẩn” làm mất đi tính nghệ thuật cũng như giá trị chân chính mà âm nhạc đích thực vốn có!

Mới đây nhất, nhạc hot rap Việt tháng 7-2016 của K, D, M có những đoạn bài hát như “Ở dưới quê lên thành phố đi học gọi anh là sinh viên. Như con nai vàng ngơ ngác ai nói cái gì cũng tin liền. Từ trên xuống dưới mọi thứ trung bình được cái là hơi điên. Không nhiều tiền, ít điều kiện nên ai bao gì sẽ chơi liền”. 

Một số nhạc sĩ trẻ còn “câu khách” bằng cách đặt những tựa đề bài hát theo tiêu chí “sốc, độc, lạ” cho các sáng tác của mình. Một số tên ca khúc như: Mượn xe nhớ đổ xăng, Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu, Oh my chuối, Nắng cực… đã khiến cộng đồng yêu nhạc nhiều phen dậy sóng phê phán.

Khán giả lo ngại, nếu tựa bài hát và nội dung ca khúc mà không được chính tác giả trân trọng, trau chuốt thì những nhạc phẩm kém chất lượng cứ nhan nhản ra đời, và những “thảm họa” ấy liệu tồn tại bao lâu, khi nó thiếu cơ bản giá trị nghệ thuật và tư duy sáng tác?

Hình ảnh một số ca khúc nhạc trẻ trên trang mạng xã hội.

Chị N.T.T.H ngụ tại đường Phạm Văn Bạch, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, chị cảm thấy rất “sốc” khi đi ngang qua một số cửa hàng quần áo trên các tuyến đường của Sài Gòn, mà đâu đâu cũng là những bài hát có những lời lẽ rất nhảm nhí của giới trẻ hiện nay. Chị không thể hiểu nổi tại sao nhiều bạn trẻ lại có thể thích nghe những thể loại nhạc đó…

Còn chị N.T.T.G, tại Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, chị thật sự cảm thấy lo sợ vì con em chúng ta nghe những ca khúc dễ dãi như thế sẽ sống hời hợt hơn, theo chị những bài hát đó "quá nhảm nhí".

“Tôi không hiểu các "tác giả" của chúng ta có biết cảm thụ âm nhạc thực sự không mà lại sáng tác ra những câu khó nghe đến thế. Và tôi nghĩ các ngành chức năng có thẩm quyền nên kiểm soát chặt chẽ hơn nữa để các ca khúc này không trôi nổi ngoài thị trường”, chị G nói.

Chị L.T.N, ở quận 7, TP Hồ Chí Minh bức xúc cho rằng cần có một sự thống nhất trong quan điểm về việc cho ra đời một tác phẩm âm nhạc, như thế nào thì được gọi là một sáng tác âm nhạc đúng nghĩa, và việc phải kiểm định để cho những tác phẩm thật sự có ý nghĩa mới được ra đời, đó là cả một quy trình chặt chẽ mà chúng ta đang buông lỏng.

Thế nên mới tạo ra nghịch cảnh dở khóc, dở cười như ngày hôm nay. Nếu chúng ta không kiểm định chặt chẽ lại thì chính những tác phẩm “rởm” này sẽ làm hỏng nặng một thế hệ trẻ.

Những lo lắng cũng như những bức xúc của người nghe nhạc hoàn toàn chính đáng. Việc những sáng tác ca nhạc ra đời với những ca từ chứa nhiều “rác” như thế chúng ta biết đổ lỗi cho ai đây vì rằng quan hệ giữa hai bên người sáng tác và người nghe là quan hệ qua lại, là sự tương tác, có người viết, có người nghe và ngược lại.

Chúng ta có nên đổ lỗi cho tại “thị trường” hay không khi mà nghệ thuật là “cái đẹp” của sự kết hợp từ “vị nhân sinh” chứ không phải sự bán buôn? Nếu chúng ta hiểu đúng được bản chất nghệ thuật là gì thì chúng ta mới có thể hướng được cả sáng tác và người nghe tìm đến tiếng nói chung. Nói vậy nghe có vẻ to tát, song ở trong phạm vi hẹp hơn với các ca khúc, mỗi người một thị hiếu, một quan niệm, một suy nghĩ riêng.

Nhưng, như tất cả mọi thứ, nghệ thuật nói chung hay âm nhạc nói riêng cũng có những giá trị chung, những thẩm mỹ không mang tính cá biệt. Vì thế, cả hai bên - tác giả và người thưởng thức, đều nên định hướng lẫn cho nhau, để tìm thấy một sự cân bằng nhất định.

Khi nghĩ đến một nhạc sĩ hoặc một ca sĩ chúng ta liền nghĩ đến những tác phẩm, những tình khúc vượt thời gian. Khi nghĩ về các bài hát của các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Thanh Tùng, Phú Quang, Trần Tiến, Từ Huy… chúng ta luôn cảm nhận được những cảm xúc sâu lắng, những triết lý sống thật đẹp, làm cho con người khát khao và muốn làm những gì tốt đẹp cho bản thân cũng như cuộc sống.

Hãy để cho nghệ thuật chân chính làm cầu nối giữa tác giả và người cảm thụ. Vì chỉ có như thế thì dù đi qua hàng thế kỷ, nhưng những cảm xúc thi vị, đánh thức mọi giác quan, chạm vào tận trái tim và hướng con người vươn tới những suy nghĩ tốt đẹp, mong muốn làm nhiều điều tốt cho bản thân cho gia đình và xã hội. 

Âm nhạc như thế là một nền âm nhạc chân chính, những bài hát như thế mới được gọi là những bài hát hay - vượt thời gian.

Hải Âu
.
.
.