Bén duyên cùng phim hình sự

Thứ Năm, 29/10/2020, 10:36
Có khéo tưởng tượng đến mấy, tôi cũng không nghĩ sẽ có một ngày mình “dấn sâu” vào điện ảnh, với vai trò biên kịch, phó đạo diễn, kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm của dự án phim Cảnh sát hình sự “Bão ngầm” hơn 70 tập.

Mong ước tạo ra được những thước phim hấp dẫn, kể về sự hy sinh thầm lặng của đồng đội trên tuyến đầu chống tội phạm, đã giúp tôi vượt qua những giới hạn của bản thân, để hoàn thành công việc hoàn toàn xa lạ với mình.

“Ẩn ức” xưa

Đêm ấy ở ngôi nhà số 7 Thiền Quang, chúng tôi theo dõi bộ phim Cảnh sát hình sự (CSHS) chiếu trên truyền hình. Xem xong, Đại úy Tăng Thanh Bình phấn khích, đứng lên ghế “chốt hạ” một câu xanh rờn: “Các bạn vừa xem xong bộ phim Cảnh sát hình như là sự!” - (“sự” là tiếng lóng của giang hồ chỉ lực lượng CSHS).

Cả bọn cười ồ lên bởi suy nghĩ ngộ nghĩnh của cậu trinh sát lém lỉnh ấy. Nhưng nghĩ lại, điều Bình nói không phải là không có lý. Cảm giác không thoả mãn khi xem “người ta” kể chuyện về mình trên phim… là điều có thật. Nói như Đại úy Bình là “Phim nói về CSHS ở đâu đó, chứ không phải chúng mình”.

Nhìn chung, bên cạnh những thành công nhất định thì dòng phim hình sự Việt còn khá nhiều “sạn”. Điều này đã được các chuyên gia phê bình điện ảnh và những người làm nghề khẳng định. Chẳng hạn như cốt truyện còn khá đơn giản, dễ dãi theo mô-tuyp “có hậu” như “ta thắng, địch thua”, “đã đánh là thắng” quen thuộc, hoặc tôn vinh, ngợi ca, tô hồng một chiều. Trên thực tế, hoạt động đấu tranh chống tội phạm vô cùng phức tạp, không hề giản đơn như thế. Một số kịch bản lỏng lẻo về kết cấu, với nhiều tình tiết phi lý, thậm chí ngô nghê, lời thoại nhạt nhẽo, mưu kế hời hợt, hoặc sự phát triển của tâm lý nhân vật được “đẩy” lên quá logic câu chuyện, khiến người “có nghề” khó chấp nhận. 

Đồng thời khiến khán giả dễ đoán về kết cục của phim, xem tập đầu có thể đoán biết được tập cuối. Có thể nhận thấy sự thiếu vắng những kịch bản có cấu trúc phức tạp, với khả năng “giấu mối”, “giăng bẫy”, “cài ý”… thông qua các tuyến đan bện nhau, các tình huống đột xuất, khó đoán để tạo ra sự đa tầng, đa biến trong câu chuyện. Bên cạnh đó, điều mà lính trận cảm thấy “dị ứng” nhất, chính là việc họ được mô tả như những “cỗ máy”, chỉ biết có công việc và pháp luật. Những yếu tố đắt giá mang tính đời, tính người, tâm lý nội tâm của họ không được phản ánh, hoặc được kể chưa tới và còn nhiều gượng gạo. Người lính dường như bị “robot hoá”. Diễn viên vào vai Công an chưa nhuyễn, gượng gạo, cứng nhắc, tạo ra “độ vênh” khá lớn giữa nhân vật trong phim với những người lính ngoài đời thực.

Điều này có nguyên nhân khách quan là vì hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm mang tính chất khu biệt, nghĩa là không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận, hiểu sâu kỹ để có thể phản ánh chân thực trên màn ảnh đời sống trong lĩnh vực này. Vì phải hình dung, tưởng tượng từ việc viết kịch bản, đạo diễn đến diễn xuất… nên sự “chưa tới” là đương nhiên. Khác biệt giữa điện ảnh và đời sống hiện thực là điều khó tránh khỏi.

 Trở lại với câu bình luận ngắn nhất về phim hình sự tối hôm ấy, chẳng hiểu sao điều Đại úy Bình nói đã hằn vào óc tôi, và làm bật lên một ước ao: nếu có thể làm phim hình sự, mình sẽ kể chân thực về cuộc sống, chiến đấu của những người lính. Thầm ước vậy, chứ tôi chẳng thể ngờ rồi sẽ có một ngày như thế…

Các Diễn viên trong phim “Bão ngầm”.

Tình cờ bén duyên

Sau “cú rẽ” đột ngột của số phận, chuyển từ nghề điều tra hình sự sang lĩnh vực truyền thông, tôi có cơ hội để kể lại bằng ngôn ngữ văn chương, báo chí những trải nghiệm không quên sau bao tháng năm trận mạc. Sau khi đoạt giải A với tiểu thuyết "Bão ngầm", đồng đội cũ ở ngôi nhà số 7 (Trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hà  Nội) liền “xui” tôi viết kịch bản phim hình sự, để kể về bạn cũ, chuyện xưa. Lúc đó, những “ẩn ức” ngày nào khi xem phim hình sự, cùng mong ước sẽ tái hiện cuộc chiến đấu của những người lính một cách chân thực nhất bỗng trỗi dậy, thúc giục tôi cầm bút. 

Sau gần 2 năm ròng, kịch bản phim truyền hình “Bão ngầm” đã hoàn thành với dung lượng khi ra phim khoảng 75 tập. Phim có chủ đề tôn vinh hình tượng người chiến sĩ CAND trong cuộc đấu tranh chống tội phạm hình sự nói chung, tội phạm về ma túy nói riêng. Nhưng cuộc chiến đấu ấy được kể khá… phức tạp, khó đoán, với nhiều tuyến chuyện đan xen, móc xích, kết nối với nhau, chứ không chỉ có một tuyến địch – ta. Trên “nền” cuộc chiến đấu cam go, khốc liệt với tội phạm, có những cuộc sàng lọc để làm trong sạch đội ngũ, cùng những xung đột ở đáy sâu nội tâm người lính khi đứng trước những sự lựa chọn đúng - sai. Những điều này được ví như những cơn bão không nhìn thấy bằng mắt thường. Phim còn phản ánh nhiều vấn đề đương đại đang nhận được sự quan tâm của công luận.

Với lợi thế gần 20 năm trực tiếp chiến đấu trong lực lượng điều tra hình sự, tôi đã đảm nhận vai trò Phó đạo diễn phim, trực tiếp chỉ đạo diễn xuất ở những đại cảnh liên quan đến các hoạt động nghiệp vụ của Ngành có đông người tham gia, như đánh bắt tội phạm, khám xét vũ trường… Bên cạnh đó, tôi đã kiêm nhiệm công tác chủ nhiệm phim, “kích hoạt” các kênh quan hệ tại nhiều địa phương trong toàn quốc, để xin bối cảnh, xin hỗ trợ, giúp đỡ từ cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng tại những nơi đoàn làm phim tác nghiệp.

Kết quả là sau hơn 1 năm sản xuất tiền kỳ ở 10 tỉnh, thành phố, từ miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ… Đoàn phim Bão ngầm đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của chính quyền các địa phương, đặc biệt là sự hỗ trợ của các lực lượng Công an và Quân đội. Nếu không có sự giúp đỡ về lực lượng, phương tiện, khí tài, sẽ không thể thực hiện được những cảnh quay trong phim theo đúng nội dung kịch bản. Trong nhiều đại cảnh, Công an các tỉnh đã cử hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia diễn xuất trong phim để tái hiện chân thực và hấp dẫn những chiến công hào hùng trong đấu tranh phòng chống tội phạm của Lực lượng CAND, coi đó là nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền của cơ quan, đơn vị. 

Một số cảnh quay trong phim “Bão ngầm”.

Những tình huống... nhớ đời

Hôm ấy, Công an tỉnh Yên Bái cử lực lượng CSGT, CSCĐ với đầy đủ trang bị vũ khí, khí tài, tàu thuyền, ca nô cao tốc để thực hiện đại cảnh đánh bắt băng nhóm tội phạm trên hồ Thác Bà. Thời tiết đẹp, các cảnh rượt đuổi, bắn nhau giữa lực lượng Cảnh sát và băng nhóm tội phạm trên hồ nước mênh mang đã diễn ra khá hoàn hảo, trơn tru. Chiều muộn, đạo diễn cho thu quân về nghỉ, chợt nhận ra một sơ suất “chết người” của họa sĩ thiết kế. Đó là dòng chữ YB trên những chiếc ca nô cao tốc đã không được dán kín, trong khi bối cảnh diễn ra tình huống tấn công tội phạm tại tỉnh Hưng Hòa (không có thật). Công sức của hàng trăm con người trong một ngày trời thế là đi… tong.

Cau có, quát mắng nhau chán chê rồi đạo diễn Đinh Thái Thuỵ quyết định phải quay lại cảnh đó. Buổi sáng hôm sau, ê-kíp làm phim cùng gần trăm Cảnh sát đã tề tựu đông đủ trên các tàu, thuyền, ca nô đặc chủng, đỗ kín bến cảng trước cửa một khu sinh thái. Đến giờ xuất phát ra khơi thực hiện cảnh quay, bất ngờ từ thinh không mưa ập xuống như trút. Mưa dai dẳng cho đến cuối buổi chiều mới tạnh. Bao nhiêu sắp đặt công việc tan theo bóng nước mặt hồ. Có mặt trên tàu chỉ huy lúc ấy, tôi bảo Đạo diễn Đinh Thái Thụy hay là cứ ra khơi quay cảnh đánh bắt tội phạm trong mưa. Anh cười buồn rồi giải thích nếu “cố đấm ăn xôi” sẽ bị sai rắc - co, tức là không đảm bảo sự tương thích trong cùng một phân đoạn giữa cảnh quay hôm trước (trời nắng) với cảnh quay sau...

Có dấn thân mới biết nghề phim cũng đầy nhọc nhằn, vất vả cùng rủi ro. Có khi cả trăm con người chuẩn bị sẵn sàng vào cảnh, thì diễn viên chính lên cơn sốt, lại đóng máy. Mỗi ngày chi phí cho cả đoàn phim cũng gần trăm triệu đồng. Thời tiết xấu hay sự cố diễn viên, trục trặc bối cảnh… là những thứ mà nhà sản xuất sợ nhất.

Trong hành trình làm phim “Bão ngầm”, ê-kip sáng tạo và diễn viên đã đối diện với nhiều trở ngại. Còn nhớ khi quay cảnh đánh bắt tên trùm tội phạm trốn trong hang đá, lúc đó vào mùa đông, nhiệt độ tại Thẩm Hang (xã Sơn A, Văn Chấn, Yên Bái) xuống dưới 5 độ C, cái lạnh thấu xương đã khiến mọi người run rẩy, đờ đẫn. Hay khi phim quay trong Tây Nguyên, những cơn mưa đại ngàn xối xả như chôn vùi vài trăm con người trong chốn thâm sơn cùng cốc... 

Sau bao vất vả, cuối cùng thì phim cũng đã đóng máy. Hiện ê-kíp hậu kỳ đang gấp rút hoàn thiện những công việc cuối cùng để bộ phim kịp ra mắt khán giả trên sóng truyền hình quốc gia vào cuối năm nay.
Đào Trung Hiếu
.
.
.