Trò lố những kẻ bấu ‘phao’ nhân quyền

Thứ Hai, 20/07/2015, 09:18
Trước chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, những kẻ chống đối ở xứ cờ hoa đã lên kế hoạch gây cản trở bằng những hành động tiêu cực.

Cũng như thường lệ, trong “kế hoạch” chống phá này có nội dung đã được nhào nặn mang tính thường niên: lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền, không bảo đảm tự do tôn giáo, tự do báo chí, lập hội…

Chúng muốn tác động, gây sức ép để chính quyền Hoa Kỳ tăng áp lực và các biện pháp trừng phạt dưới chiêu bài dân chủ, nhân quyền; các đối tượng hy vọng đây là rào cản ngăn trở quan hệ hai nước, ngăn trở thành công của chuyến thăm người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam. 

Tuy nhiên, sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, trước những kết quả tích cực của hội đàm, Tuyên bố chung và các văn kiện khác khẳng định thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, trong đó nhấn mạnh các vấn đề về nhân quyền, tôn giáo, từng bước thu hẹp các khác biệt thì những kẻ chống phá rơi vào trạng thái hụt hẫng, thấy rõ ý đồ dựa vào “phao” nhân quyền, dân chủ đang bị lung lay mạnh. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi mấy ngày qua, trên nhiều trang mạng từ nước ngoài lại gia tăng các bài viết dưới mũ nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do báo chí, lập hội, cố tình lái kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư sang hướng khác và bóp méo sự thực.

Chúng ngụy biện những khác biệt về nhân quyền giữa hai nước là không thể thu hẹp, không thể đối thoại, tiếp tục đưa ra các viện dẫn sai sự thật về việc một số người bị bắt, giam giữ, chụp mũ cái gọi là “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm”, kèm những hình “minh họa” mà thực chất là được lắp ghép kiểu râu ông cắm cằm bà, lấy ảnh người bị tai nạn giao thông chỗ này ghép vào hình có cảnh sát tuần tra chỗ kia, rồi những vụ việc mà đối tượng bị xử lý vì phạm pháp lại được chú thích là bằng chứng tố cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền…

Thực tế, nhìn lại chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ, vấn đề dân chủ, nhân quyền được hai bên quan tâm và đã có những trao đổi thẳng thắn ở nhiều cấp độ. Tại cuộc nói chuyện ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Hoa Kỳ (CSIS), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, nhân quyền là vấn đề mà chính giới và dư luận Hoa Kỳ rất quan tâm, cũng là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ hai nước. 

“Tôi khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề quyền con người. Đất nước chúng tôi tuy còn không ít vấn đề cần tiếp tục phải giải quyết, trong đó có vấn đề quyền con người, nhưng chúng tôi đang nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Tôi hiểu trong vấn đề này, hai bên còn có những khác biệt về nhận thức và cần tiếp tục thông qua đối thoại thẳng thắn, xây dựng để có cách nhìn tổng thể về những thay đổi cơ bản mang tính hệ thống, từ đó có đánh giá khách quan hơn về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, không để vấn đề này cản trở đà tiến triển tốt đẹp của quan hệ, cũng như ảnh hưởng tới việc xây dựng lòng tin giữa hai nước” – Tổng Bí thư chỉ rõ.

Theo Tổng Bí thư, người dân Việt Nam chưa bao giờ được sống trong bầu không khí dân chủ như hiện nay. Hiến pháp Việt Nam có chương riêng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân và đang dần được luật hóa.

“Nhưng cũng cần phải thấy rằng quyền cá nhân phải đặt trong bối cảnh quyền lợi chung của cộng đồng, mỗi người có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền của người khác và của cộng đồng. Tôi nghĩ quốc gia nào cũng phải quản lý đất nước bằng luật pháp, các vụ việc người bị bắt ở Việt Nam không phải do vấn đề dân tộc hay tôn giáo mà là họ vi phạm pháp luật” – Tổng Bí thư phân tích.

Trong Tuyên bố chung Việt Nam – Hoa Kỳ cũng ghi rõ: Hai nước hứa hẹn tiếp tục ủng hộ việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và ủng hộ việc duy trì đối thoại tích cực, thẳng thắn và xây dựng về quyền con người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp khác biệt. 

Hai nước khuyến khích sự hợp tác hơn nữa nhằm bảo đảm rằng mọi người, bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương, không phân biệt giới, chủng tộc, tôn giáo hoặc khuynh hướng giới tính, và bao gồm cả người tàn tật, được hưởng đầy đủ các quyền con người. 

Hoa Kỳ hoan nghênh những nỗ lực hiện nay của Việt Nam hài hòa hóa luật với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế mà Việt Nam thực hiện nhằm phát triển toàn diện đất nước, kể cả trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản...

Hiện nay, trước những khác biệt trong vấn đề nhân quyền, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có đối thoại, nay đã nâng lên cấp Thứ trưởng, phối hợp cả phía quốc phòng và ngoại giao để hai bên hiểu nhau hơn. Trong các cuộc đối thoại, chúng ta cũng nói rõ cách nhìn nhận, lập trường của chúng ta về vấn đề nhân quyền. Hoa Kỳ muốn chúng ta thực hiện nhân quyền theo ý và kiểu của họ, nhưng Việt Nam khẳng định, mỗi nước, mỗi quốc gia có cách xử lý vấn đề nhân quyền theo truyền thống của mình, theo trình độ phát triển kinh tế, dựa trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế. 

Việt Nam thực hiện cách thức dân chủ, nhân quyền theo đại đa số. Khác biệt này là khách quan và hai bên đang từng bước thu hẹp thông qua đối thoại. Trong thời gian tới, việc đối thoại tiếp tục được thực hiện và với những khác biệt cũng sẽ được thu hẹp từng bước, đồng thời không để những khác biệt làm cản trở quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Như vậy, vấn đề nhân quyền đã được hai nước quan tâm và trao đổi thẳng thắn, được ghi rõ trong Tuyên bố chung. Với kết quả đó, trên cơ sở đặt niềm tin Đối tác toàn diện thì dù còn những vấn đề cần giải quyết song thu hẹp khác biệt là điều dễ hiểu. Khi Việt – Mỹ đạt được những kết quả tích cực như vậy thì những kẻ chống đối lâu nay vẫn bấu víu vào chuyện dân chủ, nhân quyền lại cảm thấy hoang mang, lo lắng. Bị tuột “phao”, trò lố chống phá càng trở nên khôi hài…

Đăng Trường
.
.
.