Tôi thấy ‘cáo vàng trên cỏ xanh’

Thứ Hai, 02/11/2015, 08:13
Dạo này, nhiều người kéo nhau đến rạp và kháo bàn về bộ phim đang hot ngay từ cái tên của đạo diễn Victor Vũ “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Bộ phim này chẳng có liên quan gì đến vấn đề mà tôi đề cập ở đây, chỉ là việc đảo một phần cái tên để nói ý bài khi thấy sự khôi hài trong những bài viết dưới dạng “góp ý” về một số dự án luật mà nếu gọi đó là “cáo vàng trên cỏ xanh” cũng không sai.
Bởi góp ý dự án luật là quyền của mọi người, nếu đúng mục đích, ý nghĩa thì cũng như người làm cỏ, muốn đóng góp điều gì đó cho thảo nguyên xanh. Nhưng lợi dụng góp ý để lên diễn đàn chọc đằng này, vấy đằng nọ nhằm phục vụ cho dụng ý tiêu cực thì khác gì những cáo vàng giả nai trên cỏ xanh, chỉ là sự ngụy trang đội lốt. Trong số đó, dự án Luật về hội đang được nhiều trường hợp lấy danh nghĩa “góp ý”.

Cách đây gần 60 năm, Sắc lệnh số 102/SL/004 ngày 20/5/1957 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Luật quy định về quyền lập hội và luật này vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay. Tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Tới nay, bản dự thảo dự án Luật về hội do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo đã được công bố trên Internet và cơ quan soạn thảo đang chủ trì lấy ý kiến người dân.                     

Dự luật này cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 10 – Quốc hội khóa XIII.

Tất nhiên, một dự luật khi đưa ra lấy ý kiến thì việc có những ý kiến khác nhau là điều bình thường. Ngay cả những điều khoản quy định trong dự luật, từ nội dung đến hình thức, tên gọi cũng có những vấn đề phải làm rõ, phải được xem xét kỹ trước khi quyết định phương án tối ưu. Do đó, người dân, cơ quan, tổ chức có quyền đóng góp ý kiến, nêu quan điểm về phương án theo chủ ý của mình, trình bày những vấn đề theo cách lập luận của mỗi người. Tuy nhiên, việc góp ý, kiến nghị dù theo hình thức, phương án nào cũng phải tuân thủ những quan điểm, nguyên tắc trong xây dựng luật. Trong đó, một trong các quan điểm được xác định là “Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò, vị trí của hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao tính tự nguyện, tự chủ, tự quản của hội, thực hiện hỗ trợ kinh phí theo nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện để hội hoạt động đúng hướng, có hiệu quả, góp phần phát triển đất nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.

Lấy lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc là cơ sở cho việc hoạch định chính sách pháp luật, đó là phương châm xuyên suốt đối với việc xây dựng luật pháp, với mọi đạo luật chứ không riêng gì dự án luật này. Thế nhưng, nhìn lại nhiều hình thức “góp ý”, “kiến nghị” về dự luật này cho thấy những động cơ sai lệch vì các mục đích không tích cực. Với khẩu hiệu “tự do lập hội”, những ý kiến đi theo khuynh hướng này cho rằng, việc lập hội là quyền của mọi người, không phải xin phép ai, đăng ký với cơ quan nào và cũng không phải tuân theo quy trình, quy định nào cả. Tức là hội theo kiểu tự do, thích làm gì thì làm, không có luật pháp. Từ việc tuyên truyền khuynh hướng “tự do, phóng túng” như vậy, một số quan điểm sớm quy chụp kiểu như “dự luật lạc hậu hơn cả 10 năm trước”, “luật bóp hội”, “siết hội”…, từ đó cổ súy việc bài trừ dự luật.

Chưa cần phân tích gì nhiều, nếu hiểu theo nghĩa trên đầu là trời, là vũ trụ để đưa quyền lập hội, hoạt động hội tự do theo kiểu “thích thì làm” thì người ta còn đề cập đến “Luật về hội” làm gì. Quy phạm nào đưa vào sự điều chỉnh của luật, nghĩa là nó phải tuân theo khuôn khổ nhất định và khuôn khổ đó do Nhà nước sở tại quy định trên cơ sở phù hợp các văn bản pháp lý quốc tế mà Nhà nước đó đã tham gia hoặc ký kết. Tôi lấy làm lạ khi nhiều ý kiến rao giảng sự tự do như phương Tây hay ở nước tiên tiến nào đó nhưng không đưa ra được viện dẫn, ví dụ nào cả. Trong khi đó, quyền tự do hội họp hòa bình và lập hội cũng đã được đề cập trong các phán quyết của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (HRC). Gần đây, vào ngày 30-9-2010, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã ban hànhNghị quyết số 15/21 về hai quyền này. Đọc kỹ những nội dung này thì thấy, quyền tự do hội họp hòa bình và lập hội không phải là các quyền tuyệt đối. Nghị quyết 15/21 tái xác định nội dung này tại Điều 21 và 22, khẳng định rõ, các quyền này có thể “phải chịu những giới hạn được luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ vì lợi ích của an ninh quốc gia hoặc an toàn, trật tự công cộng, bảo vệ sức khỏe và đạo đức công cộng, hoặc bảo vệ các quyền và tự do của người khác”. Như vậy, văn bản của cơ quan cao nhất về vấn đề nhân quyền quốc tế cũng xác định rõ giới hạn của vấn đề lập hội và giới hạn đó được đặt ra là “vì lợi ích của an ninh quốc gia hoặc an toàn, trật tự công cộng, bảo vệ sức khỏe và đạo đức công cộng, hoặc bảo vệ các quyền và tự do của người khác”. Điều này đặt ra những tôn chỉ, mục đích trong lập và hoạt động hội. Nếu hội vì những mục đích giải trí, gặp gỡ thăm hỏi lẫn nhau như hội đồng hương, hội nuôi chim, hội cây cảnh… thì hẳn cả người lập, người tham gia và cơ quan Nhà nước cũng không bận tâm về phạm vi điều chỉnh. Những hội thiện nguyện mà tuân thủ các lợi ích chung, lợi ích quốc gia, cộng đồng hiển nhiên luôn được ủng hộ. Duy chỉ có lập hội dưới các danh nghĩa, tên gọi khác nhau nhưng thể hiện rõ mục đích, động cơ gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, cộng đồng hoặc mục đích đó ẩn dưới các “áo ngụy trang” thì không thể nói “tự do”. Đây thực chất là hành vi mượn cớ lập hội để chống phá đất nước thì dù tồn tại ở đâu cũng đều trái với luật pháp nước đó. Bởi thế, các quốc gia một mặt tôn trọng quyền tự do lập hội, một mặt phải duy trì trật tự, kiểm soát các tổ chức, nhóm hội gây nguy hại cho xã hội (các băng nhóm tội phạm, chống phá đất nước, các đảng phái, tổ chức phản động). Một số quốc gia có luật về hội khá sớm như Anh quốc (Luật về sự liên kết 1825, Luật Công đoàn 1871…) hay Pháp (Luật về hội 1901) cũng quy định rõ vấn đề này.

Như vậy, dù có ẩn danh dưới lớp áo nào thì cái mục đích, động cơ lập hội cũng phải được làm rõ, khi đó không chỉ “tôi thấy” mà nhiều người thấy rõ những “cáo vàng trên cỏ xanh”!

Đăng Trường
.
.
.