Thực tiễn sinh động phủ nhận các “học thuyết” chống đối

Thứ Hai, 14/12/2015, 08:58
Kể từ khi thành trì CNXH Liên Xô và Đông Âu tan rã tới nay, nhân loại đã chứng kiến nhiều sự thay đổi ngay trong lòng các nước TBCN và có những đánh giá sát thực hơn về mô hình, xu hướng đi lên CNXH của nhiều quốc gia trên thế giới.

Đối với các nước đã lựa chọn con đường đi lên CNXH như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba…, đây là giai đoạn hết sức khó khăn, phức tạp nhưng thực tiễn lịch sử cũng khẳng định ý chí, bản lĩnh, lập trường, sự kiên định mục tiêu, mô hình phát triển đi lên CNXH. Hơn hai thập kỷ qua, các thế lực thù địch tiếp tục tấn công vào hệ lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm cách khoét sâu vào cơ sở lý luận “thời kỳ quá độ”, cổ súy hệ tư tưởng TBCN và vội vàng kết luận rằng, các nước XHCN “đã đến hồi cáo chung”.

Không những không bị lay chuyển trước sự đả phá, tấn công của các thế lực thù địch, các quốc gia nói trên từng bước làm sáng tỏ mô hình CNXH một cách khoa học, sáng tạo phù hợp điều kiện thực tiễn mỗi nước. Thực tiễn này đã phủ nhận luận điệu mang danh “học thuyết” tuyên truyền của các thế lực chống CNXH, cho rằng “CNXH đã lỗi thời”, “CNXH không tưởng” hay những quan điểm phê phán mô hình “kinh tế thị trường định hướng XHCN”, về lý luận lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất ở các nước XHCN… 

Khi Trung ương Đảng công bố dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tiếp tục xuất hiện những bài viết công kích, đả phá nhằm vào hệ thức luận của Đảng, cho rằng điều kiện thực tiễn ở Việt Nam không thể vận dụng mô hình CNXH và con đường mà Việt Nam đang thực hiện cũng không phải là con đường đi lên CNXH. Chúng cho rằng, mô hình phát triển ở Việt Nam là “mơ hồ, không giống ai”. Sự phán xét có tính quy chụp, đả phá nói trên trái với thực tiễn sinh động ở Việt Nam cũng như việc bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý luận về mô hình phát triển của đất nước ta.

Đi lên CNXH từ một nền sản xuất còn nhiều yếu kém và trong bối cảnh thế giới thay đổi phức tạp, các thế lực thù địch ra sức chống phá, đó là thách thức lớn đối với Việt Nam nhưng chúng ta khẳng định rõ sự kiên định trong mọi hoàn cảnh. Sau 30 năm đổi mới, Đảng ta đã xây dựng một hệ thống quan điểm lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam làm cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển đất nước.

Trên cơ sở khái quát, tổng kết thực tiễn đổi mới, tư duy, nhận thức lý luận của Đảng ta về các đặc trưng của xã hội XHCN được phát triển qua các nhiệm kỳ Đại hội, nhất là trong Cương lĩnh năm 1991 và Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011. Từ những đặc trưng của xã hội XHCN được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh năm 1991), đến năm 2011, Cương lĩnh bổ sung, phát triển đã khái quát thành 8 đặc trưng XHCN ở Việt Nam là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Tám đặc trưng này vừa phản ánh quan niệm tổng quát về CNXH, vừa làm rõ nội dung từng bước hình thành, bảo đảm yêu cầu phát triển hài hòa, bền vững của CNXH ở Việt Nam chứ không phải “mô hình mơ hồ, viển vông” như luận điệu các thế lực thù địch. Trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, Đảng ta xác định 8 phương hướng bao quát các mặt, các lĩnh vực của mô hình CNXH  ở Việt Nam. Đến dự thảo văn kiện Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo, con đường đi lên CNXH phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Từ cuối thế kỷ XX đến nay, các nước XHCN trên thế giới tích cực đổi mới tư duy và cải cách chính sách phát triển trên mọi lĩnh vực. Những nguyên lý và các giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin được nhận thức khách quan hơn, những kinh nghiệm thành công và những hạn chế, vấp váp của CNXH được xác định một cách chân thực hơn, những xu thế vận động của thế giới hiện đại được lĩnh hội kịp thời, toàn diện hơn. Không thể có một khuôn mẫu máy móc áp dụng mà sự vận dụng là tùy điều kiện cụ thể mỗi nước, quá trình đó đòi hỏi sự sáng tạo và không ngừng hoàn thiện lý luận. Chính vì vậy, bài học được Đảng ta đúc kết là “không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”.

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng CNXH ở Việt Nam trong chuyến thăm chính thức Cuba, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và đứng vững trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”. 

Tổng Bí thư khẳng định, đi lên CNXH là công việc vô cùng phức tạp, là công việc chưa có tiền lệ, phải vừa làm vừa mò mẫm, rút kinh nghiệm. Vả lại, mục tiêu của CNXH có thể giống nhau nhưng biện pháp, cách đi đến các mục tiêu đó có thể rất đa dạng, phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi nước. Đó là cả một không gian sáng tạo to lớn, đầy sức sống.

Đăng Trường
.
.
.