Sự thật về đại hội giới trẻ thế giới vì nhân quyền Việt Nam

Thứ Hai, 09/09/2019, 07:03
Cuối tháng 8-2019, nhiều trang mạng xã hội, blog hải ngoại cùng sự “hà hơi tiếp sức” của nhiều trang truyền thông của các tổ chức, cá nhân thù địch với Việt Nam truyền đi thông tin cái gọi là thông cáo báo chí về “Đại hội giới trẻ thế giới vì nhân quyền Việt Nam lần 2” được tổ chức vào tháng 4-2020 tại Nhật Bản. Vậy, thực chất đây là tổ chức gì và sự thật đằng sau Đại hội giới trẻ thế giới vì nhân quyền là gì?



Người đứng đầu phong trào Giới trẻ vì nhân quyền - luật sư Trần Kiều Ngọc là ai?

Trần Kiều Ngọc hay Teresa Trần Kiều Ngọc là người gốc Việt, hiện đang sinh sống và hành nghề luật sư tại Tiểu bang Nam Australia. Theo thông tin trên trang Đại hội giới trẻ thế giới vì nhân quyền, Trần Kiều Ngọc có cha là trưởng toán biệt kích chế độ cũ, sau năm 1975 vượt biên và định cư tại Australia. 

Sau khi tốt nghiệp tại đây, Trần Kiều Ngọc về nước và kết hợp với nhiều chức sắc tôn giáo tổ chức các hoạt động xã hội, nhất là những người bị bệnh phong đang điều trị tại các trung tâm, làng phong, cùi ở Việt Nam. Lưu giữ và mang trong mình tâm lý hằn học của gia đình vượt biên để tháo chạy khỏi quê hương, xứ sở; mang trong mình thái độ chống phá với chế độ XHCN, “tế thủy trường lưu” cùng năm tháng về Việt Nam kết nối với một số linh mục dòng Chúa cứu thế đã hình thành tư tưởng chống đối quyết liệt hơn. 

Sau này quay trở lại Australia, tháng 5-2016, Trần Kiều Ngọc sáng lập ra phong trào Giới trẻ thế giới vì nhân quyền (có văn phòng đại diện tại Sydney – Australia) và hiện nay là người đứng đầu của phong trào này. Tại Đại hội giới trẻ thế giới vì nhân quyền lần 1 với chủ đề “Việt Nam con đường nhân bản”, Trần Kiều Ngọc ngông nghênh ra cái gọi là “tuyên cáo” để xuyên tạc, vu cáo thể chế chính trị và tình hình Việt Nam. 

Thật trơ tráo và nực cười hết mức, sau khi viết những lời hằn học, cô ta quy kết và kêu gọi giới trẻ: “Còn Cộng sản thì nhân quyền bị mất, đất nước, biển đảo ngày càng bị mất và rơi vào tay của ngoại bang; vì thế chúng tôi đại diện cho các bạn trẻ Việt Nam từ Úc châu, Mỹ châu, Âu châu và Á châu không chấp nhận sự độc tài cộng sản và đòi hỏi cộng sản phải trả lại ngay toàn quyền lãnh đạo”…?

Có thể thấy, với mưu đồ đê hèn, thái độ trơ trẽn, thô thiển từ lời nói đến bài viết của Trần Kiều Ngọc đủ thấy bản chất xấu xa, phản động của Ngọc và những việc làm đen tối của cô ta.

Đại hội giới trẻ thế giới vì nhân quyền: “Đồng bạc đâm toạc tờ giấy”?

Sáng 7-9-2017, cái gọi là Đại hội giới trẻ thế giới vì nhân quyền năm 2017 được tổ chức tại Fairmont Resort Blue Mountains – ngoại ô Sydney - Australia. Đại hội này đã tập hợp được các hội đoàn chống cộng, hội người Việt Nam tị nạn, có sự tham gia của các thành viên tích cực chống Nhà nước từ nhiều nơi. Điều buồn cười đó là việc ban tổ chức đã kêu gọi đóng tiền từ 500 đến 2.000 đô-la Úc cho mỗi người tham dự. Ban tổ chức đại hội cũng “tha thiết” kêu gọi các bạn trẻ từ 18-45 tuổi tích cực tham gia. 

Các cá nhân tham gia đại hội có 2 giá vé tham dự khác nhau, loại bình thường 1.100 đô-la, loại thứ hai là 1.500 đô-la Úc. Đại hội còn sử dụng chiêu bài “kinh doanh đại hội” khi khuyến mại: 50 người ghi danh đầu tiên được bớt 100 đô-la Úc, kêu gọi các em học sinh đang học lớp 12 và những bạn đang học toàn thời, các tu sĩ tôn giáo và những người có quốc tịch Việt Nam sẽ được giảm 20%, được bớt thêm 100 đô-la Úc nếu ghi danh trước đó hai tháng.

Số tiền được ban tổ chức thu do Trần Kiều Ngọc phối hợp với số nhân vật chống Nhà nước Việt Nam như linh mục Nguyễn Văn Khải, Michael Kirby - Chu Văn Cương, Nancy Nguyễn, Đinh Kim Phúc, Trịnh Hội, Nguyễn Văn Long, một số cựu thẩm phán Australia có quan điểm chống Nhà nước Việt Nam. 

Với phương thức như vậy, nhiều người và ngay cả nhiều bà con cộng đồng người Việt hải ngoại đặt ra câu hỏi phải chăng đây là hoạt động núp bóng của các phần tử chống đối tụ tập vu cáo, xuyên tạc tình hình trong nước và tìm cách chống phá cách mạng Việt Nam?  Nhiều người thẳng thừng vạch mặt, thực chất “Đại hội giới trẻ thế giới vì nhân quyền” cờ dong trống mở là chiêu thức rẻ tiền, bản chất là “đồng bạc đâm toạc tờ giấy”, đồng thời cố tình “đâm bị thóc, chọc bị gạo” của những kẻ “không biết quay đầu là bờ” mà đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, nhân dân.

Và âm mưu thủ đoạn cần nhận diện

Đại hội do phong trào này tổ chức quy tụ những thành viên chống đối tại các quốc gia và tiến hành hội luận về tình hình Việt Nam. Thực chất đây là nơi tập hợp số người chống đối và bàn luận, xuyên tạc về Việt Nam, nhất là xuyên tạc, vu cáo tình hình nhân quyền ở nước ta. 

Điểm danh qua danh sách tham dự chúng ta có thể thấy nhiều đối tượng đã từng về Việt Nam, bị bắt giữ xử lý; một số đối tượng trong các hội đoàn chống cộng, nhiều đối tượng bị bọn phản động Việt Tân mua chuộc để tiến hành các hoạt động chống phá. 

Qua nắm bắt thông tin cho thấy, Đại hội giới trẻ là nơi nuôi dưỡng các thành viên Việt Tân (Tổ chức đã được Bộ Công an xếp vào tổ chức khủng bố) trong và ngoài nước tìm cách chống đối Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Chủ trương của phong trào giới trẻ vì nhân quyền là làm sao gieo rắc ý thức, nhận thức sai lệch tình hình thực tiễn Việt Nam trong những người trẻ khắp nơi trên thế giới, từ đó lợi dụng vấn đề nhân quyền để “đấu tranh”, cơ hội chính trị. 

Để thu hút sự quan tâm của giới trẻ, sau những mỹ từ chúng đưa ra là “đánh động lên trên những tâm hồn thờ ơ và quy tụ những bạn trẻ Việt Nam còn tha thiết với tiền đồ của dân tộc đến với nhau để cùng chia sẻ, tìm ra con đường nhân bản cho Việt Nam, đồng thời góp một bàn tay trong những dự án giúp cho Việt Nam sớm có được tự do, dân chủ và nhân quyền". Từ đó, chúng kích động những người nhẹ dạ cả tin trở thành phần tử chống đối, thúc đẩy phong trào chống phá Việt Nam, với cái đích cuối cùng là lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng; thúc đẩy, lèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam chệch hướng XHCN.

Với bản chất, âm ưu, phương thức, thủ đoạn của phong trào Giới trẻ thế giới vì nhân quyền như đã phân tích ở trên, người dân, nhất là các bạn trẻ, người Việt ở nước ngoài cần tỉnh táo, không để những phần tử này lôi kéo, lợi dụng.

Lê Vĩnh Bình (Học viện chính trị CAND)
.
.
.