Quản lý việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có cần thiết và hợp hiến?

Thứ Hai, 27/03/2017, 09:17
Cũng giống như một số văn bản pháp luật, điều luật, nghị định, thông tư trước đây quy định liên quan đến việc quản lý, kiểm soát, xử lý thông tin “độc hại” trên Internet như: Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) các điều 88, 258; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng…


Lần này, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và triển khai thực hiện rộng rãi Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT ngày 26-12-2016 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới đã và đang khiến nhiều “nhà dân chủ có tật” phải “giật mình thon thót” mặc dù đối tượng, phạm vi điều chỉnh của thông tư chủ yếu liên quan đến các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới, trực tiếp là các nhà truyền thông, mạng xã hội có hoạt động tại Việt Nam như: Facebook, Youtube...  

Một số đối tượng đã lên tiếng cho rằng Thông tư số 38 là “vi hiến”, “phi lý không kém điều 88, 258” (Bộ luật Hình sự), “tạo cơ sở cho các hoạt động bắt bớ, kiểm soát, đàn áp nhân quyền”…

Vậy vì sao “nhà dân chủ” lại tỏ ra “bất bình”, “căng thẳng” như vậy? Thông tư số 38 có thực sự cần thiết và “vi hiến” hay không? Theo quy định tại Điều 3, Thông tư số 38, trong trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới vi phạm quy định tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP; tổ chức, cá nhân nước ngoài không hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc phối hợp và xử lý thông tin vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP thì các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện chính sách phát triển, quản lý thông tin trên mạng theo quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.

Có lẽ đây là lý do khiến các “nhà dân chủ” nhảy ngược lên như vậy, bởi theo tinh thần Thông tư này thì các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới bên cạnh việc “tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam khi cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng tại Việt Nam”, còn có trách nhiệm “phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý thông tin vi phạm theo quy trình được quy định tại Điều 5 Thông tư này”.

Điều này liên quan trực tiếp đến công tác phòng ngừa, ngăn chặn, truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với một số người từ trước tới nay luôn tự xưng là “nhà dân chủ”, “nhà hoạt động xã hội”… hoặc nhân danh các tổ chức “xã hội dân sự”, tổ chức đấu tranh trong lĩnh vực “dân chủ”, “nhân quyền”… lợi dụng Internet, mạng xã hội để tiến hành các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, chống phá cách mạng nước ta thời gian vừa qua.

Trên thực tế, xuất phát từ việc các đối tượng, phần tử xấu trong và ngoài nước lợi dụng Internet, mạng xã hội lập ra nhiều trang web, blog để đăng tải, tán phát thông tin độc hại, sai lệch gây phương hại đến sự ổn định chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội cũng như đối ngoại, an ninh, quốc phòng nước ta; trong đó có nhiều trang web, blog đặt tại nước ngoài gây khó khăn cho công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn của cơ quan chức năng. 

Do đó, việc các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ và nhận được sự phối hợp, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới theo tinh thần Thông tư số 38, nhất là những nhà mạng xã hội lớn như: Facebook, Youtube, Twitter... trong việc ngăn chặn, kiểm soát, vô hiệu hóa từ xa những trang mạng đăng tải thông tin gây phương hại đến an ninh, trật tự Việt Nam sẽ trở nên triệt để hơn. 

Điều này đồng nghĩa với việc góp phần làm cho môi trường mạng trong sạch hơn; các đối tượng, phần tử xấu cũng không còn đất “dụng võ”, “tác oai tác quái” nữa. Đây chính là điều khiến họ lo sợ, bất bình.

Một số ý kiến viện dẫn Điều 25 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để suy diễn, quy chụp cho rằng việc ban hành Thông tư số 38 là “vi hiến”, “tạo cơ sở cho các hoạt động bắt bớ, kiểm soát, đàn áp nhân quyền”… thể hiện rõ sự thiếu hiểu biết, ấu trí và hồ đồ. 

Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ hai nội dung: “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” và “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, hiểu một cách đầy đủ là bao gồm cả quyền lợi và nghĩa vụ đi kèm. 

Các quyền, nghĩa vụ này được thể chế hóa, nội luật hóa dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế tại Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1976); Điều 29 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (năm 1948)… và thừa nhận, tôn trọng, bảo đảm các quyền cơ bản của công dân.

Không chỉ ở Việt Nam, mà chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã bày tỏ quan ngại và có những động thái cứng rắn nhằm tác động, quy định trách nhiệm của các nhà mạng trong việc phối hợp với cơ quan chức năng phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý phát thông tin sai sự thật, chống đối, cực đoan trên Internet, mạng xã hội. 

Như tại Anh, chính phủ và một số hãng như: báo The Guardian, kênh truyền hình Channel 4 và hãng truyền thông BBC đã ngừng các hoạt động quảng cáo trên Youtube vì quan ngại những quảng cáo của họ xuất hiện trong những video có nội dung “không phù hợp” trên kênh này. Trong một diễn biến khác, các nghị sĩ Anh cũng đã từng lên tiếng chỉ trích hãng Google là không cố gắng ngăn chặn nội dung kích động hận thù trên mạng. 

Hay tại Pakistan, chính phủ nước này đã yêu cầu Facebook phối hợp điều tra những "nội dung có tính phỉ báng" do người Pakistan đưa lên mạng xã hội này; đồng thời, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif cũng đã lên tiếng ủng hộ việc trấn áp trên diện rộng những nội dung mang tính phỉ báng trên mạng xã hội.

Như vậy có thể thấy rằng, việc ban hành Thông tư số 38 trong tình hình hiện nay là cần thiết, xét trên cả phương diện bảo đảm an ninh, trật tự cũng như bảo đảm các quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước liên quan đến hoạt động cung cấp, chia sẻ, sử dụng thông tin công cộng qua biên giới và phù hợp với luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam. 

Vấn đề đặt ra là triển khai thực hiện như thế nào cho hiệu quả và rất cần sự hợp tác, thiện chí của các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới trong việc kiểm soát, ngăn chặn thông tin độc hại, sai lệch, cực đoan xâm hại đến quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia, tổ chức, cá nhân trên Internet, mạng xã hội.

Tân Sơn
.
.
.