Phòng, chống ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong Đảng

Thứ Hai, 07/09/2015, 09:01
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XI“Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”đã chỉ rõ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ, đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Đó thật sự là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đó cũng là điều kiện, là “mảnh đất tốt” để các thế lực thù địch tăng cường hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hòng xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Để cho Đảng thật sự mạnh mẽ, trong sạch, kinh nghiệm của lịch sử Đảng ta cho thấy cần chú trọng xây dựng tổ chức đảng và giáo dục, rèn luyện đảng viên theo những nguyên tắc, yêu cầu và chuẩn mực nghiêm ngặt của Đảng. Phải luôn luôn ghi nhớ điều Bác Hồ đặt lên hàng đầu về tư cách của Đảng chân chính cách mạng. “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Theo đó, cần phải chú trọng những vấn đề cơ bản và bức thiết hiện nay.

Một là, đề cao lý tưởng, mục tiêu cách mạng, nắm vững ngọn cờ tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phát triển lý luận cách mạng Việt Nam, nâng cao trình độ trí tuệ của Đảng. Cần thấy rõ một thực tế là hiện nay không ít cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, quản lý đã không chỉ phai nhạt lý tưởng, mà còn thiếu niềm tin vào con đường xã hội chủ nghĩa.

Quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bắt đầu từ mất niềm tin, mất phương hướng, từ bỏ lý tưởng, mục tiêu cách mạng, vứt bỏ vũ khí tư tưởng, lý luận, sẵn sàng “trở cờ” phản bội, đưa đất nước đi theo hướng khác. Nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa vẫn tồn tại trong cả nhận thức và hành động. Những vấn đề còn chưa rõ về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và sự điều chỉnh, những thế mạnh của chủ nghĩa tư bản hiện đại trong quá trình toàn cầu hóa có ảnh hưởng thường xuyên tới nhận thức của cán bộ, đảng viên.

Thực tiễn đổi mới đã không ngừng làm sáng tỏ nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Điều đó cần được quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng, ở tất cả các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhằm củng cố niềm tin vào con đường đúng đắn mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Hai là, không ngừng bổ sung, phát triển, bảo đảm tính khoa học, hiện thực của Cương lĩnh, đường lối, nâng cao bản lĩnh chính trị, chú trọng bảo vệ chính trị nội bộ. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để phá hoại Cương lĩnh, đường lối của Đảng, đòi Đảng phải thay đổi Cương lĩnh, đường lối, đòi phải thay đổi Hiến pháp, phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, cổ vũ cho đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập, đòi “phi chính trị hóa các lực lượng vũ trang”.

Đó là những âm mưu, thủ đoạn mà kẻ địch đã thực hiện trong suốt nhiều năm qua, nhất là từ khi diễn ra công cuộc đổi mới và hiện nay diễn ra quyết liệt, tinh vi hơn nhằm thúc đẩy nhanh quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đó chính là quá trình tha hóa trong nội bộ Đảng và hệ thống chính trị, là sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Sự “tự chuyển hóa” đó làm cho Đảng và bản thân người cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức quyền, không còn giữ được bản chất cách mạng, lý tưởng và phẩm chất. Tình trạng đó kéo dài và nghiêm trọng sẽ làm mất đi uy tín, danh dự của Đảng, mất đi niềm tin của nhân dân, dẫn đến tình trạng Đảng bị suy yếu, mất vai trò lãnh đạo và tan rã.

Thực tế đã cho thấy có đảng cộng sản thật kiên cường đánh bại mọi thế lực đế quốc, phát-xít, nhưng lại tự tan rã nhanh chóng khi sự tha hóa trong nội bộ đã làm mất khả năng đề kháng. Có những cán bộ, đảng viên là anh hùng, là tấm gương trong đấu tranh cách mạng, kháng chiến chống thực dân, đế quốc, nhưng lại trở thành tội phạm khi lợi dụng chức quyền để tham nhũng, xâm hại đến lợi ích của đất nước, của dân tộc.

Hiện nay, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, một trong những việc cần làm ngay là nhận rõ những kẻ cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, chuyên quyền, độc đoán, phe cánh, “lợi ích nhóm”, mị dân và kiên quyết loại trừ những đối tượng này ra khỏi hàng ngũ của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XI (ngày 7/5/2015): “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm, như bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng, có biểu hiện cơ hội chính trị, nói và làm trái Cương lĩnh, đường lối, nguyên tắc của Đảng, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, “lợi ích nhóm”, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình, để xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ nghiêm trọng, tham nhũng, tiêu cực lớn ở địa phương, đơn vị, không chịu nghiên cứu học hỏi, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm, ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc, bản thân và vợ (chồng), con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính, có vấn đề về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay”.

Ba là, chú trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng đối với mọi cán bộ, đảng viên, nhất là với những cán bộ lãnh đạo, quản lý. Để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái trong đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên cần đến những chủ trương, giải pháp hành động mạnh mẽ, đồng bộ. Cần kết hợp chặt chẽ giữa tăng cường giáo dục đạo đức trong Đảng và trong xã hội với tinh thần tự tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Phải bắt đầu “tu thân”, phải học làm người rồi mới làm cán bộ như Bác Hồ đã dạy.

Tăng cường kỷ luật, pháp luật, sự công khai, minh bạch, dân chủ trong quy hoạch, đào tạo, bố trí và quản lý cán bộ, bảo đảm lựa chọn đúng được người có đức, có tài vào bộ máy và cơ quan lãnh đạo các cấp; tạo môi trường xã hội, thể chế kinh tế lành mạnh, văn minh, khoa học, để cán bộ, công chức không có điều kiện sa vào những tiêu cực, vi phạm đạo đức.

Bốn là, giữ gìn, củng cố đoàn kết, thống nhất vững chắc trong Đảng, chống những biểu hiện cục bộ, địa phương, phe cánh, “lợi ích nhóm”. Phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình như Bác Hồ đã căn dặn. V.I. Lê-nin cho rằng, nếu Đảng không đoàn kết, dẫn đến chia rẽ, phe phái thì sẽ sụp đổ. Người nhấn mạnh: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta. Toàn bộ vấn đề là ở chữ “nếu” này. Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ”.

Sự phá hoại của thế lực thù địch bên ngoài là một thực tế cần hết sức cảnh giác. Nhưng, điều đáng lo ngại hơn là sự tha hóa, suy thoái từ trong nội bộ. Đó là đòn đánh từ trong ra bởi những phần tử hư hỏng, hủ bại làm suy yếu Đảng, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.  Do đó, một trong những nhiệm vụ bức thiết hiện nay là ngăn chặn và đẩy lùi suy thoái, tự bảo vệ để hoàn thành vai trò lãnh đạo và trách nhiệm cầm quyền của Đảng.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc
.
.
.