Nhận diện mưu đồ đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch:

Phần cuối: Những giải pháp phòng chống

Thứ Ba, 11/04/2017, 08:22
Đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn phi chính trị hóa lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch hiện nay cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội và Công an.

Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội, Công an là một nguyên tắc đã được Đảng ta khẳng định nhất quán trong các văn kiện của Đảng. Trước tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ mới, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục xác định: “phải tiếp tục giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”.

Do đó, cần phải có sự tổng kết và nghiên cứu thấu đáo, trên cơ sở đó đổi mới cơ chế tổ chức thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội và Công an, nhất là đối với công tác đảng và công tác chính trị. Đồng thời quan tâm xây dựng đảng trong Quân đội và Công an vững mạnh về mọi mặt theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt.

Đổi mới mô hình tổ chức, bộ máy đơn vị chuyên trách công tác chính trị và đơn vị chuyên trách công tác đảng trong Công an theo hướng gắn kết chặt chẽ công tác đảng với công tác chính trị. Đặc biệt phải chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội, Công an vững mạnh về mọi mặt, chính quy, chuyên nghiệp, chuyên sâu, là người đại diện trung thành, tin cậy của Đảng trong Công an. Đội ngũ này phải được đào tạo bài bản, có hệ thống để đủ sức thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị ở Công an các đơn vị, địa phương.

Trong CAND, thực sự quan tâm xây dựng Học viện Chính trị CAND - cơ sở đào tạo hàng đầu, duy nhất của lực lượng Công an về công tác đảng, công tác chính trị theo đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng, lại có hại”.

Hai là, xây dựng lực lượng QĐND, CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Để lực lương Quân đội, Công an có thể miễn dịch trước sự tấn công của các thế lực thù địch, trước hết bản thân Quân đội, Công an phải thực sự vững mạnh. Do vậy, phải thường xuyên chăm lo làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an, cốt lõi là giáo dục bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo trong bất luận hoàn cảnh nào, Công an, Quân đội cũng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, chỉ biết còn Đảng là còn mình.

Đặc biệt chú trọng đấu tranh ngăn chặn, kiên quyết không để xảy ra tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Quân đội, Công an. Không ai có thể chống phá được nếu chính chúng ta vững mạnh, như Lênin đã từng khẳng định: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta, nếu chúng ta không mắc sai lầm, tự đánh đổ mình”.

Ba là, đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, vạch trần âm mưu, bản chất, sự phi lý trong quan điểm đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, tách Công an, Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng.

Đây là một bộ phận của cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, phải được tiến hành một cách thường xuyên và phải huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, của Quân đội, Công an các đơn vị, địa phương và của mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an. Đặc biệt phải huy động và phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình tham gia vào cuộc đấu tranh này.

Trong đó phải tập trung đa dạng hóa các loại hình thông tin, tuyên truyền phục vụ cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, triệt để khai thác lợi thế của báo điện tử. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, phẩm chất đạo đức tốt, đặc biệt là có dũng khí dám đấu tranh. Cùng với đó cần quan tâm phát triển đội ngũ cộng tác viên là những nhà khoa học, lý luận nổi tiếng, có uy tín tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh này nhằm tạo sức mạnh tổng hợp làm thất bại âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch.

Bốn là, lực lượng Quân đội, Công an phải làm tốt công tác nắm, nghiên cứu, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình, âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang để chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh này.

Đồng thời tập trung thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang. Nhất là đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động thu thập tình báo, gián điệp, thâm nhập, tác động chuyển hóa, cài cắm nội gián trong nội bộ lực lượng vũ trang.

Năm là, chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội, hậu phương Công an để cán bộ, chiến sĩ vững vàng, yên tâm công tác, chiến đấu.

Thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước đã quan tâm nhiều đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, hiện nay đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an nhìn chung vẫn còn khó khăn, thiếu thốn.

Trước hết cần có chính sách tiền lương phù hợp với đặc thù môi trường công tác, chiến đấu của lực lượng vũ trang, đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu của cán bộ, chiến sĩ. Cùng với đó thực hiện tốt chế độ đãi ngộ đối với những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để họ yên tâm công tác, bám dân, bám địa bàn và đặc biệt có đủ sức để miễn dịch được trước sự tác động của các thế lực thù địch. Đồng thời có nhiều hình thức phong phú, phù hợp để nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là đối với những cán bộ, chiến sĩ công tác trong những điều kiện, địa bàn khó khăn, ít có điều kiện được tiếp cận với văn minh, văn hóa.

Cần thay đổi tư duy, phải coi việc đầu tư nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ là đầu tư cho phát triển, chứ không phải là sự tiêu hao tài sản, ngân sách của nhà nước.

Phi chính trị hóa lực lượng vũ trang thực chất là nhằm tách Công an, Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, làm cho Quân đội, Công an không còn mang bản chất của giai cấp công nhân, không còn là lực lượng vũ trang kiểu mới của giai cấp công nhân, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân nữa. Do đó, đấu tranh phòng, chống mưu đồ đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của lực lượng vũ trang nhân dân và mỗi cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an.

Trong đó xây dựng Quân đội, Công an có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, chế độ, Nhà nước và nhân dân là vấn đề cốt lõi, đảm bảo luôn thực sự là lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng, GS, TS Trương Giang Long

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Giám đốc Học viện Chính trị CAND
GS,TS T.G.L.
.
.
.