Phòng, chống “diễn biến hoà bình”

Những tiếng nói lạc lõng và lỗi thời

Thứ Hai, 20/06/2016, 09:22
Lợi dụng kỳ bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, thông qua internet và mạng xã hội, một số kẻ đã cố tình phát đi những thông tin sai lệch, xuyên tạc nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với cơ quan đại diện, đại biểu cao nhất của mình trong việc tham gia quản lý, giám sát, điều hành xã hội, nhất là nhằm vào chống phá kỳ họp sắp tới...


Vừa qua, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thành công tốt đẹp trong sự kỳ vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và cử tri cả nước. Với 496 đại biểu được cử tri tin tưởng, sáng suốt bầu ra trong tổng số 870 người ứng cử, Quốc hội khóa XIV được cho là “đang dần được trẻ hóa” và hội tụ những điều kiện cần và đủ để hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Trong bối cảnh kỳ họp lần thứ nhất (dự kiến diễn ra từ ngày 20 – 31-7) của Quốc hội khóa XIV đang đến gần, Quốc hội khóa mới đã và đang gấp rút chuẩn bị những công việc cần thiết cho kỳ họp đầu tiên họp bàn, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước liên quan đến tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước, nhất là thông qua kỳ họp này sẽ bầu những vị trí chủ chốt như: Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ… 

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017; Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; nghe báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2016…

Đây là một trong những sự kiện quan trọng của Quốc hội khóa XIV được dư luận quần chúng trong và ngoài nước quan tâm, mong đợi. Kết quả và sự thành công của Quốc hội khóa mới tại kỳ họp thứ nhất sẽ một lần nữa khẳng định niềm tin của nhân dân, cử tri qua mỗi lá phiếu bầu.

Tuy nhiên, lợi dụng sự kiện này, thông qua internet và mạng xã hội, một số kẻ đã cố tình phát đi những thông tin sai lệch, xuyên tạc nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với cơ quan đại diện, đại biểu cao nhất của mình trong việc tham gia quản lý, giám sát, điều hành xã hội, nhất là nhằm vào chống phá kỳ họp sắp tới.

Thực tế cho thấy rằng, sau hàng loạt thất bại từ những hoạt động tuyên truyền chống phá bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, các thế lực thù địch, phản động không đạt được mục đích kêu gọi cử tri và nhân dân tẩy chay bầu cử bằng những lý lẽ, luận điệu tinh vi, nham hiểm.

Trước việc Quốc hội khóa XIV nhận được sự tín nhiệm cao của cử tri cả nước, một số kẻ vẫn không chịu từ bỏ ý đồ xấu, tiếp tục tuyên truyền những lý lẽ hết sức chủ quan, phiến diện, cho rằng “đại biểu Quốc hội toàn đảng viên, do Đảng cử, Đảng bầu”, trong khi “Quốc hội các quốc gia khác đa phần là luật sư”… nên “không mong đợi gì, trông chờ được gì ở đại biểu Quốc hội lần này”.

Chung quy lại, những lời lẽ trên dù nói thế nào cũng chỉ nhằm tuyên truyền cho cái luận điệu cũ rích, “khổ lắm nói mãi” rằng “bầu cử không dân chủ”, “không khách quan”, “thiếu công bằng do còn ít người ngoài đảng”… Rõ ràng, những tiếng nói đó trở nên lạc lõng, khiên cưỡng.

Cách đây không lâu, chính những người này, có kẻ mạnh dạn tự ứng cử, tham gia vào việc kêu gọi, kích động cái gọi là “phong trào tự ứng cử đại biểu Quốc hội” với những mục đích không mấy tốt đẹp mà theo họ là “chỉ để phát động một phong trào học tập, thức tỉnh trong quần chúng” chứ cũng chả mong trở thành đại biểu của nhân dân gách vác việc quốc gia, đại sự.

Tuy nhiên, đến khi bị loại khỏi danh sách ứng cử, những con người này tỏ rõ thái độ hằn học, quay sang đả phá, hạ bệ uy tín Quốc hội khóa mới. Rõ ràng là những hành động, lời lẽ trước sau bất nhất như vậy càng làm lộ rõ thêm bản chất đen tối, chống phá, cố tình phủ nhận vai trò của Quốc hội như những lý lẽ, luận điệu mà một số người đã tuyên truyền xuyên tạc trong thời gian qua.

Trên thực tế, nhân dân và cử tri cả nước có cơ sở để kỳ vọng, tin tưởng vào sự lựa chọn, tín nhiệm của mình đối với đại biểu và Quốc hội. Bởi lẽ, xét theo cơ cấu thành phần đại biểu, Quốc hội khóa XIV hội tụ đại biểu ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, là đại diện của mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội.

Đáng chú ý, trong đó có nhiều đại biểu “đồng thời cùng lúc đóng nhiều vai trò” vừa là đảng viên, nhà khoa học, thực tiễn hàng đầu trên nhiều lĩnh vực, là luật sư, trí thức… chứ không chỉ đơn thuần là chỉ là đảng viên như những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc trên mạng thời gian qua.

Trong đó, nhiều đại biểu Quốc hội có uy tín, được nhân dân tin tưởng tín nhiệm bầu trúng cử nhiều khóa liền đều tâm huyết, tận tụy với công việc, đóng góp công sức, trí tuệ vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được nhân dân tin tưởng.

Công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện đã và đang tạo ra những thời cơ, thuận lợi hết sức to lớn, đồng thời cũng mang đến nhiều khó khăn, thách thức mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải đối mặt, giải quyết. Điều này đã và đang đặt ra những nhiệm vụ, trọng trách mới hết sức nặng nề đối với Quốc hội, những đại biểu được cử tri và nhân dân tin tưởng, bầu chọn.

Thiết nghĩ trong bộn bề công việc cần phải giải quyết, cần hơn nữa sự tin tưởng, ủng hộ, giúp đỡ của mỗi người dân để đại biểu Quốc hội làm tròn vai của mình, xứng đáng với niềm trông đợi của nhân dân. Hiển nhiên, những lý lẽ, luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động trở nên lạc lõng, yếu ớt và lỗi thời.

Tân Sơn
.
.
.