Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), phòng chống "tự diễn biến, tự chuyển hóa"

Những chuyển hướng trong nhận thức về xây dựng Đảng về chính trị và đạo đức từ Đại hội VI đến nay (kỳ 2)

Thứ Ba, 08/08/2017, 09:01
Đảng ta yêu cầu: cùng với việc đổi mới tư duy, công tác tư tưởng phải hướng vào việc bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức mới, nâng cao tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần quốc tế vô sản và tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa, khơi dậy ý chí cách mạng của quần chúng. Vấn đề đạo đức xã hội đang được đặt ra một cách cấp bách.


Xây dựng Đảng về đạo đức - một trong 4 trụ cột

Đạo đức là cách ứng xử giữa con người với con người và với xã hội theo những quy tắc, những chuẩn mực, những giá trị truyền thống tốt đẹp được nuôi dưỡng, giữ gìn và phát triển qua hàng ngàn đời nay mới có được. Những chuẩn mực giá trị của đạo đức chi phối mỗi hành vi của con người trong cả cuộc đời. Vì thế, đạo đức được coi là tài sản vô hình của con người, thậm chí còn có giá trị hơn cả tài năng (đức nhưng đức là gốc).

Đạo đức cách mạng là đạo đức của người cán bộ, đảng viên với những chuẩn mực đạo đức mới,“tận trung với nước, tận hiếu với dân”,“gồm có năm điều: Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”.

Những chuẩn mực về đạo đức cách mạng không tách rời những giá trị, chuẩn mực đạo đức nói chung. Đạo đức trong Đảng là đạo đức cách mạng, đạo đức của người đảng viên xoay quanh những chuẩn mực giá trị: Cần, kiệm, liêm, chính và những nguyên tắc sống: Chí công vô tư. Đạo đức cách mạng đối lập với chủ nghĩa cá nhân, cho nên muốn xây dựng đạo đức cách mạng thì phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chủ nghĩa cá nhân là “căn bệnh gốc, bệnh mẹ đẻ ra trăm thứ bệnh con, xấu xa, hư hỏng, lỗi thời”, đòi hỏi phải “đánh bại giặc nội xâm”.

Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng và thực hiện những chuẩn mực giá trị đạo đức cách mạng của đội ngũ đảng viên, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Mặc dù từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đến trước Đại hội lần thứ XII, Đảng ta chỉ nhắc đến 3 mặt cơ bản trong công tác xây dựng Đảng: Chính trị, tư tưởng và tổ chức nhưng vấn đề đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến nhiều nhất, xuyên suốt trong cuộc đời cách mạng của Người. Đầu tiên trong “giáo trình chính trị” dành cho đào tạo cán bộ trước khi thành lập Đảng (Đường Cách mệnh 1927).

Hay tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-1960) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự hào khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đặc biệt trong Di chúc, Người chỉ rõ: “Đảng ta là Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Mặc dù chưa nhắc đến xây dựng Đảng về đạo đức với tư cách như “mặt thứ tư” của xây dựng Đảng thì vấn đề đạo đức vẫn luôn được đề cập đến cùng với xây dựng Đảng về tư tưởng, thể hiện qua các văn kiện Đảng như sau:

Đại hội VI, Đảng ta yêu cầu: cùng với việc đổi mới tư duy, công tác tư tưởng phải hướng vào việc bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức mới, nâng cao tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần quốc tế vô sản và tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa, khơi dậy ý chí cách mạng của quần chúng. Vấn đề đạo đức xã hội đang được đặt ra một cách cấp bách. 

Trong xã hội ta đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai lối sống: Lối sống có lý tưởng, lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo lợi ích của tập thể và của đất nước, với lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền. Các lực lượng làm công tác tư tưởng phải tích cực tham gia cuộc đấu tranh này, lên án, vạch trần bản chất thối nát của lối sống cũ, khẳng định mạnh mẽ và truyền bá rộng rãi những giá trị đạo đức mới, thúc đẩy quá trình hình thành lối sống mới.

Đại hội VII, Đảng ta yêu cầu khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất đạo đức. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu tự rèn luyện, tự phấn đấu nâng cao đạo đức cách mạng "cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư", khắc phục chủ nghĩa cá nhân. Không được lợi dụng việc luật pháp chưa đồng bộ hoặc cơ chế, chính sách còn những chỗ sơ hở để làm ăn bất chính, đục khoét của công. Quy định trách nhiệm của những cán bộ, đảng viên có vợ, chồng và con làm ăn phi pháp; định rõ những hoạt động kinh doanh mà vợ chồng, con của cán bộ lãnh đạo chủ chốt đương chức ở trung ương và địa phương không được phép làm.

Một mặt, phải bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lối sống lành mạnh cho cán bộ, đảng viên, mặt khác phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong Đảng và trong xã hội, chống sự tha hoá về phẩm chất chính trị, xa rời quần chúng, tham nhũng, làm ăn bất chính, chạy theo tiền tài, danh vị, chia rẽ bè phái, chống việc phục hồi các hủ tục, mê tín, dị đoan.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã yêu cầu cần phải khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút phẩm chất đạo đức. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu tự rèn luyện, tự phấn đấu nâng cao đạo đức cách mạng “cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”, khắc phục chủ nghĩa cá nhân. Không được lợi dụng việc pháp luật chưa đồng bộ hoặc cơ chế, chính sách còn những chỗ sơ hở để làm ăn bất chính, đục khoét của công.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu (lần 2) khoá VIII, Đảng ta đã quyết định mở Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với quyết tâm chính trị “ngăn chặn và đẩy lùi một bước quan trọng tình trạng suy thoái, trước hết về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên... Đây là vấn đề sống còn của Đảng, của chế độ ta”.

Đại hội XI tiếp tục đánh giá: Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hoá giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước.

Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư khoá XI đã nhận định: Trong Đảng vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...

Đại hội đề ra quyết tâm chính trị, xác định nhiệm vụ trọng tâm, xuyết suốt và cấp bách nhất là “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và quần chúng nhân dân đối với Đảng”.

Đại hội XII tiếp tục nhận định: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp nghiêm trọng.

Có thể nói, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đến nay đã 20 năm với 4 nhiệm kỳ liên tiếp, các cụm từ “nhưng đến nay, tình trạng trên vẫn “chưa bị đẩy lùi” hay “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên…” đã trở thành điệp khúc trong các văn kiện Đảng (Đại hội VII và trước đó dùng từ “không ít cán bộ đảng viên”). Chính vì thế mà cũng hiếm khi Đại hội lần này không chỉ nhắc lại nhiệm vụ của nhiệm kỳ trước mà còn coi đó là nhiệm vụ trọng tâm: “Trọng tâm là kiên quyết, kiên trì tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI”.

Đặc biệt, Đại hội đã nhấn mạnh một trong quả sáu nhiệm vụ trọng tâm của cả nhiệm kỳ là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Và cũng chính vì vậy, vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức lần đầu tiên được nhắc đến với tư cách là “mặt thứ tư” trong công tác xây dựng Đảng: "Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.

Điều đáng lưu ý là xây dựng Đảng về đạo đức phải gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị góp phần phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Xây dựng đảng về đạo đức không chỉ là một trong 4 trụ cột của công tác xây dựng Đảng nói chung, có mối quan hệ qua lại giữa các mặt trong nội dung xây dựng Đảng mà còn là sở bảo đảm cho xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại, là cơ sở, tiền đề và là hệ quả của nhau, thúc đẩy nhau, bảo đảm cho Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là đội tiên phong lãnh đạo toàn xã hội.

PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
.
.
.