Nhận diện chủ nghĩa cơ hội ở nước ta hiện nay

Thứ Hai, 15/06/2015, 08:16
Chủ nghĩa cơ hội là một trào lưu tư tưởng chính trị hình thành trong phong trào công nhân, thể hiện sự thích nghi với lợi ích của tầng lớp tiểu tư sản và bộ phận giai cấp công nhân đã bị tư sản hóa.

Chủ nghĩa cơ hội thể hiện ở quan điểm tư tưởng chính trị mơ hồ, không nhất quán, lu mờ tính giai cấp, tính đảng và tính nguyên tắc về phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, về cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, về chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc...

Theo mô tả của C. Mác, những kẻ cơ hội chủ nghĩa “dốt nát về mặt lý luận nhưng lại giàu có về các thủ đoạn”. Bởi vậy, cần sáng suốt nhận diện, chỉ rõ chân tướng để có các giải pháp phòng, chống, đẩy lùi và khắc phục ảnh hưởng của nó đối với các tổ chức đảng và sự nghiệp cách mạng… Đến nay, chủ nghĩa cơ hội không còn biểu hiện đơn thuần là mâu thuẫn giữa hai luồng tư tưởng nữa, mà đã hóa thân thành “muôn hình vạn trạng”, hòa vào xã hội như một “căn bệnh” quái ác, ăn dần ăn mòn lập trường, tư tưởng của người bị tiêm nhiễm nó. Kẻ cơ hội, xét lại chỉ khoác áo Mác-xít, “trung thành” với chủ nghĩa Mác - Lê-nin trên lời nói, còn về thực chất, từ lâu họ đã phản bội lại chủ nghĩa Mác - Lê-nin.

Trong bối cảnh mới, sự biến động chính trị ở Đông Âu và Liên Xô những năm cuối thập niên 80, đầu 90 của thế kỷ XX dẫn tới sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực, hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào. Chủ nghĩa đế quốc coi đây là thời cơ lớn, đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình” để nhanh chóng xóa bỏ các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó có Việt Nam với tham vọng đạt mục tiêu “không đánh mà thắng”, “chiến thắng không cần chiến tranh”.

Chúng chú trọng thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lấy đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bộ máy Nhà nước làm trọng điểm. Bằng nhiều phương thức, thủ đoạn thâm độc, chủ nghĩa đế quốc tìm mọi cách tác động, móc nối, câu kết với các phần tử thoái hóa, biến chất chống đối, cơ hội chủ nghĩa ở trong nước để tập hợp lực lượng, lập mặt trận thống nhất chống phá cách mạng Việt Nam từ cả hai hướng ngoài đánh vào, trong phá ra - “nội công, ngoại kích”. 

Thực tiễn 30 năm đổi mới đã cho thấy, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đất nước đã có những đổi thay rõ rệt, từ một nước chậm phát triển trở thành nước phát triển trung bình với nhiều tiềm năng đang được đánh thức, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, vị thế quốc tế không ngừng được nâng cao. Dẫu những kẻ cơ hội chủ nghĩa có cố tình xuyên tạc thực tế lịch sử, thì chúng vẫn không thể làm thay đổi được lòng tin của quần chúng nhân dân vào sự biến chuyển theo hướng tích cực ấy.

Để tăng cường hiệu quả của cuộc đấu tranh này, đòi hỏi sự đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp, triển khai đồng bộ các giải pháp:

Thứ nhất, thường xuyên chăm lo tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân vào sự lãnh đạo của Đảng, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ cả đức và tài, trong đó lấy đức là “gốc”. Qua đó, không ngừng nâng cao lòng yêu nước, biến quyết tâm chung của toàn Đảng, toàn dân thành tinh thần cống hiến hy sinh, phấn đấu của mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân vì thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, vì hạnh phúc của nhân dân.

Cần kết hợp chặt chẽ giáo dục, rèn luyện toàn diện với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên là then chốt, gắn tư tưởng với tổ chức. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”; “Vì chưa gột rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, cho nên có đảng viên còn “kể công” với Đảng".

Thứ hai, tiếp tục thực hành và nâng cao dân chủ trong điều kiện một Đảng cầm quyền. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã nghiên cứu, chỉ rõ tính tất yếu ra đời của nền dân chủ vô sản thay thế nền dân chủ tư sản. Trong mỗi cuộc cách mạng vô sản thắng lợi, giai cấp vô sản nhất thiết phải đoạt lấy dân chủ từ tay giai cấp tư sản: “Dân chủ tức là chính quyền của nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên quan niệm “dân chủ” trong mối quan hệ không tách rời với các quan niệm “dân là gốc”, “dân là chủ”, “dân làm chủ”… Thực hành dân chủ trong Đảng, phát huy sức mạnh lãnh đạo của Đảng làm mẫu mực để phát huy cao nhất sức mạnh làm chủ của nhân dân. Mở rộng dân chủ trong Đảng làm cơ sở tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo lập và định hướng hoạt động của xã hội theo hướng ngày càng mở rộng các quyền và quy chế thực thi dân chủ. Sự thống nhất về tư tưởng và hành động của Đảng, giai cấp công nhân và dân tộc là cơ sở để thực hành, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội.

Thứ ba, dân chủ gắn liền với kỷ cương, có khuôn khổ, trật tự; chỉ có thể thực hiện dân chủ đi đôi với kiên quyết chống các biểu hiện đối lập với dân chủ. Hơn nữa, không thể có dân chủ mà lại thiếu hệ thống pháp luật, trật tự, kỷ cương để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Những yêu cầu dân chủ của nhân dân phải được thể chế hóa thành các chuẩn mực mang tính nhà nước và pháp quyền, thành nguyên tắc tổ chức và vận hành của Nhà nước cũng như các tổ chức xã hội khác.

Thực hành dân chủ trong Đảng là làm cho tính dân chủ trong Đảng được mở rộng, phát huy cao độ trí tuệ tập thể xây dựng nghị quyết lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo để đưa sự nghiệp cách mạng đi đúng mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dân chủ trong Đảng xa lạ với những tư tưởng thủ cựu, độc đoán, chuyên quyền, độc quyền chân lý, cũng như thói quen tự do vô kỷ luật, không chấp hành nghị quyết, không phục tùng chân lý. Như vậy, dân chủ gắn với tập trung, chấp hành kỷ luật nghiêm minh, tự giác. Đây là nguyên tắc tổ chức cơ bản của chính đảng kiểu mới của giai cấp công nhân, yếu tố cơ bản để phân biệt một Đảng cách mạng chân chính với các đảng phái cơ hội, hữu khuynh trong phong trào công nhân, mảnh đất dung dưỡng các phần tử cơ hội, xét lại hoạt động phá hoại. Phủ nhận nguyên tắc này là phủ nhận Đảng Cộng sản từ bản chất. Đảng chống tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, song triệt để tuân theo nguyên tắc tập trung dân chủ. “Chỉ có thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ mới bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng, chỉ có như vậy Đảng mới có sức mạnh và sức chiến đấu”.

Trong công tác tư tưởng, sinh hoạt chính trị: khuyến khích tự do tư tưởng, không áp đặt khi có các ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau; cần biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến đa số, đồng thời có cơ chế bảo lưu ý kiến của thiểu số; tôn trọng ý kiến cấp trên nhưng cũng có cơ chế bảo lưu ý kiến cấp dưới; định rõ thời hạn xem xét, kết luận, thông báo về các ý kiến thiểu số. Nghiêm cấm việc lạm dụng quyền tự do, dân chủ tuyên truyền quan điểm cá nhân đối lập với đường lối, nghị quyết của Đảng. Khắc phục tình trạng thiếu trật tự, kỷ cương, kỷ luật, mất đoàn kết kéo dài ở không ít cấp ủy, tổ chức đảng các cấp là góp phần phòng ngừa, đấu tranh với chủ nghĩa cơ hội ngay từ mầm mống phát sinh. 

PGS, TS Phạm Văn Nhuận, (Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng)
.
.
.