Minh bạch để hoá giải những ngờ vực

Thứ Hai, 04/07/2016, 09:18
Nhìn lại 3 tháng kể từ khi xảy ra thảm họa môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, “bão” dư luận với sự ngờ vực và nhiều luồng thông tin trái chiều đã làm ảnh hưởng lớn tới tư tưởng, tâm lý người dân.



Đáng nói, bên cạnh những thông tin mang tính kích động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, trực tiếp là của tổ chức khủng bố, phản động Việt Tân thì luồng tư tưởng a dua, cổ suý cho những quan điểm này cũng hình thành trên mạng xã hội với tốc độ lan truyền chóng mặt. 

Trong khi các nhà khoa học thật đang làm việc cật lực để tìm ra giải đáp thì hàng vạn “nhà khoa học mạng” đã đưa ra các quan điểm mang tính suy diễn cá nhân chủ quan, nhận định, phê phán quy chụp làm rối loạn thông tin.

Một số luồng ý kiến viện dẫn, ngay từ khi xảy ra thảm họa cá chết, dư luận đã nghi vấn thủ phạm là Công ty Formosa Hà Tĩnh, trong đó chính người dân địa phương dò tìm ở bờ biển, phát hiện ống xả thải của công ty này chôn dưới lòng đất, xả ngay ra biển. 

Dân thường còn dễ dàng phát hiện, còn biết đó là thủ phạm làm cá chết, vì sao nhà khoa học lại phải “dây dưa” nhiều tháng? Khi đó, có quan điểm đưa ra so sánh: Nước ta có hơn 24 nghìn tiến sĩ, tức ít nhất có 24 nghìn luận án khoa học đã bảo vệ thành công nhưng lại bó tay với thảm họa cá chết, trong khi người dân không luận án, không khoa học nhưng chỉ cần lặn ít phút dưới biển là biết được thủ phạm xả thải! 

Sang tháng 5, đầu tháng 6, khi kết luận vụ việc vẫn chưa được đưa ra, các ý kiến theo luồng này tiếp tục suy diễn, cho rằng Đảng, Nhà nước cố tình bưng bít thông tin, “thoả hiệp” với Formosa, từ đó rêu rao rằng “đã đến lúc người dân phải tự đi tìm kết luận, bảo vệ lấy mình”. 

Được sự hậu thuẫn, dẫn dắt của Việt Tân, không ít người còn tự huyễn hoặc mình thành nhà “khoa học”, kích động người dân xuống đường. 

Nếu xét về cảm quan, việc sau 3 tháng Nhà nước mới đưa ra kết luận mà thủ phạm vẫn chính là Formosa như dư luận đã nói lâu nay thì có vẻ thời gian đó là quá dài, là chậm chạp, cũng như nghi ngờ kiểu dân thường biết từ lâu, sao đến giờ Nhà nước mới... biết. 

Tuy nhiên, khoa học không phải là việc làm cảm quan, cảm tính. Người dân có thể nghi ngờ, có thể xác định theo những gì họ biết, họ thu nhận được và nghi ngờ của người dân về Formosa xả thải ngay từ đầu cũng là điều dễ hiểu. Còn khoa học là phải dựa trên chứng lý, cơ sở hết sức chặt chẽ, khách quan. Kết luận khoa học không phải là việc nghi ngờ ai thì đưa vài lý do rồi quy kết cho họ. 

Trước vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đời sống của hàng triệu người dân, đến vấn đề chính trị, kinh tế, tư tưởng, tâm lý và an ninh xã hội, đến vấn đề đầu tư nước ngoài thì việc đưa ra kết luận để công bố trước toàn dân càng phải đảm bảo tính chặt chẽ, đầy đủ cơ sở vững chắc. Cho nên, để kết luận được vụ việc, các bộ ngành liên quan đã huy động trên 100 chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành từ 30 cơ quan trong và ngoài nước đã tổ chức thu thập, phân tích dữ liệu, có sự phản biện độc lập của các chuyên gia quốc tế. 

Từ các căn cứ cụ thể, các bộ ngành, cơ quan chức năng có liên quan đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học trong, ngoài nước và kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ô nhiêm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế trong tháng 4 vừa qua.

Rõ ràng, có được kết quả cuối cùng về việc công bố nguyên nhân gây ra sự cố cá chết miền Trung là nhờ một quá trình đấu tranh kiên quyết của các cơ quan chức năng với một thái độ bình tĩnh, khách quan, khoa học, được thảo luận và xem xét rất kỹ lưỡng. Không vì sức ép dư luận, không vì những thông tin quy chụp, làm nhiễu loạn tình hình mà vội vàng đưa ra kết luận. 

Điều đó cũng thể hiện bản lĩnh vì yêu cầu cao nhất: Tính chính xác trong kết luận khoa học. “Chính phủ không quyết liệt, không bản lĩnh thì không đạt được kết quả như thế” - Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, ngày 1-7-2016.

Từ vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này đặt ra những vấn đề lớn trong quản lý Nhà nước về các dự án đầu tư, đó là không thể vì bất kỳ lý do gì mà xem nhẹ tác động tới môi trường. An ninh môi trường biện chứng với an ninh chính trị, xã hội, từ sự cố vừa qua cho thấy hậu quả của nó rất ghê gớm và tác động dây chuyền. 

Do đó, như Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã yêu cầu, vấn đề tới đây là cần thanh tra, kiểm tra xem trong quá trình thẩm định, cấp phép, phê duyệt cho Formosa có tiêu cực không, nếu có phải xử lý nghiêm. 

Thực tế, sau khi Chính phủ có kết luận, hiện đang nảy sinh những luồng dư luận như: Việc cấp phép xây đường ống xả thải ra biển, Bộ Tài nguyên Môi trường có lường trước được hay không những tác hại có thể xảy ra? Chúng ta đã duyệt quy trình xử lý nước thải và quy trình súc rửa đường ống chưa, trách nhiệm cá nhân, tổ chức nào? Cơ quan chức trách có biết hay không một số lượng lớn hoá chất được nhập về gần đây và liệu đã dùng hết bao nhiêu để phục vụ cho việc súc rửa đường ống? Có tiêu cực trong vấn đề cấp phép và giám sát xử lý hay không? Trách nhiệm của UBND tỉnh Hà Tĩnh trong vấn đề này? 

Những vấn đề đó cần phải làm rõ và trên cơ sở tính chất, mức độ để xử lý trách nhiệm cá nhân, đó là vấn đề nhân dân mong mỏi và cũng để xoá đi những nghi ngờ, những luận điệu chống phá đất nước. Minh bạch và xử lý nghiêm, đó là cách tốt nhất để loại bỏ sự ngờ vực về việc bao che, dung túng sai phạm.

Đăng Minh
.
.
.