Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Kỳ 1: Kết hợp tính giáo dục và xử lý, răn đe

Thứ Hai, 03/04/2017, 08:08
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã xác định 4 nhóm giải pháp nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.


Trong đó, nhóm biện pháp về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng với 9 giải pháp cụ thể, là nội dung quan trọng nhằm góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp và góp phần rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên trước những tác động của bối cảnh tình hình trong nước và thế giới đang có những diễn biến khó lường hiện nay.

Qua đó, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng có tác dụng quan trọng trong phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ đảng viên nói chung và cán bộ, đảng viên trong CAND nói riêng.   

Trước bối cảnh mới, vấn đề nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên trong lực lượng CAND nhằm chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. 

Do vậy, đòi hỏi cấp ủy Đảng các cấp phải tiến hành nhiều nội dung, biện pháp và phải tiến hành đồng bộ, quyết liệt, lâu dài. Trong đó, coi trọng thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng là giải pháp có ý nghĩa quan trọng và có tác dụng mạnh mẽ đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng, những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương đã có những chỉ đạo sát sao, kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức mạnh của công tác này. Do vậy, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng trong CAND nói chung và trong Đảng bộ Công an Trung ương nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng và hiệu quả được nâng lên rõ rệt. 

Chỉ tính riêng trong Đảng bộ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2010-2015, cấp ủy, ban thường vụ và ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra chuyên đề 1199 tổ chức Đảng và 1182 đảng viên; giám sát chuyên đề 713 tổ chức Đảng và 975 đảng viên. Kết quả các cuộc kiểm tra, đã phát hiện những khuyết điểm, sai phạm của tổ chức Đảng và đảng viên, thi hành kỷ luật đối với một số tổ chức, cá nhân vi phạm.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương đã phối hợp với ủy ban kiểm tra các Tỉnh, Thành ủy trực thuộc Trung ương tổ chức hàng trăm cuộc làm việc trực tiếp để nắm tình hình thực hiện quy chế phối hợp, nhất là những đơn, thư khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ Công an thuộc diện Tỉnh, Thành ủy và Đảng ủy Công an Trung ương quản lý; phối hợp thực hiện hàng chục cuộc kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo có liên quan đến ban thường vụ, các đồng chí Giám đốc, Phó Giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố.

Thực tiễn đã khẳng định vị trí, vai trò, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng trong quá trình thực hiện chức năng lãnh đạo của Đảng, trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cụ thể là:

Thứ nhất, công tác kiểm tra, giám sát không ngừng khẳng định và nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu tổ chức Đảng các cấp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị; đồng thời giúp cho việc nắm bắt diễn biến tư tưởng và quản lý đội ngũ cán bộ đảng viên của cấp mình được sâu sát hơn. Chủ động nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc về tâm tư, nguyện vọng và tư tưởng của cán bộ đảng viên; chủ động uốn nắn những suy nghĩ, hành động, việc làm lệch lạc. Qua đó củng cố và nâng cao bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên do mình quản lý.

Thứ hai, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng giúp cho việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định của cấp trên và các quy chế, quy trình công tác được thực thi nghiêm túc. Đồng thời thông qua thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát giúp ngày càng hoàn thiện hơn các chỉ thị, nghị quyết và quy chế, quy trình công tác đó; giúp cho việc tổ chức thực hiện được chặt chẽ hơn, sâu rộng hơn; tạo thành một hành lang pháp lý, cơ sở vững chắc và không thể thiếu đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, góp phần nêu cao ý thức, thái độ, tinh thần trách nhiệm và tính quân phong, quân kỷ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong CAND.

Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng một mặt nhắc nhở, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, uốn nắn những thiếu sót, khuyết điểm và xử lý những vi phạm của tổ chức Đảng và đảng viên. Mặt khác động viên, biểu dương những tổ chức Đảng và đảng viên tích cực, những việc làm hay, có chất lượng. Qua đó, công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng vừa mang tính giáo dục, vừa phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với những tổ chức, cá nhân có sai phạm, góp phần rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ đảng viên.

Thứ tư, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng góp phần thiết thực xây dựng đảng bộ, chi bộ và đơn vị trong sạch, vững mạnh; phát huy tinh thần nêu gương, tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình; phát huy hiệu quả nguyên tắc tập trung dân chủ... từ đó giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ lãnh đạo chỉ huy các cấp luôn xây dựng cho mình lối sống trong sạch, lành mạnh, kỷ cương, kỷ luật, tự giác và nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.

Thứ năm, qua công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng là một trong những phương thức phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng hiệu quả; giúp cho cấp ủy, thủ trưởng đơn vị nắm vững tình hình, uốn nắn kịp thời những biểu hiện lệch lạc, sai phạm; giải quyết kịp thời các vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập về công tác xây dựng Đảng.

Qua kiểm tra, giám sát, ngoài việc tìm ra những ưu điểm, cách làm hay để phát huy, đồng thời chỉ rõ những khuyết điểm, hạn chế của cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, của cán bộ, đảng viên trong lực lượng CAND để kịp thời sửa chữa, khắc phục.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra rằng công tác xây dựng Đảng còn không ít hạn chế, khuyết điểm; nội dung sinh hoạt Đảng ở nhiều nơi còn đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức Đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu; công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém; nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiền phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở; tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao…

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Ngư, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương
.
.
.