Không thể xuyên tạc bản chất cuộc bầu cử

Thứ Hai, 30/05/2016, 08:34
Cuộc bầu cử Quốc hội khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã diễn ra thành công tốt đẹp trên cả nước với sự tham gia tích cực của đông đảo cử tri, thế nhưng những thế lực xấu vẫn nhai lại điệp khúc đả phá, ngụy biện rằng bầu cử chỉ là hình thức, là sân chơi “độc diễn” của Đảng.

Thực tế cho thấy, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa qua, tiến trình bầu cử được tuân thủ một quy trình chặt chẽ, dân chủ, bình đẳng, khách quan, với tinh thần thượng tôn pháp luật. Mỗi khâu trong tiến trình đó, các tổ chức và cá nhân có liên quan phải hoàn thành trách nhiệm theo luật định. Quyền ứng cử, bầu cử được quy định rõ ràng trong Hiến pháp, pháp luật và luôn được tôn trọng.

Việc ứng cử, đề cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được thực hiện một cách chặt chẽ theo Quy chế bầu cử, tiêu chí về phẩm chất, năng lực của đại biểu, được tiến hành dân chủ từ cơ sở thông qua các hội nghị cử tri, hội nghị hiệp thương. Nhân dân có toàn quyền lựa chọn những người xứng đáng, đủ đức, đủ tài đại biểu cho mình trong các cơ quan quyền lực nhà nước.

Lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và tự ứng cử được thực hiện theo một quy trình thống nhất, trong đó việc tổ chức hiệp thương giữa các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Đây là một sự biểu hiện cụ thể tính chất ưu việt của chế độ dân chủ nước ta trong bầu cử; phản ánh trình độ dân chủ của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trường hợp tự ứng cử không có trong danh sách bầu cử là do không đủ các tiêu chí theo quy định sau khi đã thực hiện đầy đủ các bước thẩm định, hiệp thương theo Quy chế bầu cử, chứ ở đây không hề có biểu hiện “mất dân chủ”. Cũng không phải vì không tự ứng cử được mà cho rằng bầu cử là sân chơi “độc diễn” của Đảng.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tổ chức bộ máy Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 mới được ban hành.

Chỉ thị 51-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo tốt việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác bầu cử; bảo đảm các điều kiện thuận lợi để mọi công dân thực hiện đầy đủ quyền ứng cử, bầu cử theo quy định của pháp luật. Người dân trực tiếp hoặc thông qua tổ chức đại diện của mình, giám sát chặt chẽ mọi quy trình bầu cử. Đồng thời, tại nơi bỏ phiếu, bằng lá phiếu của mình, cử tri sẽ quyết định ai là người xứng đáng để bầu.

Những luận điệu cho rằng, bầu cử ở Việt Nam là áp đặt, mất dân chủ, người dân phải “ăn một mâm cơm cỗ” do Đảng Cộng sản “dọn sẵn” là xuyên tạc, bịa đặt với dụng ý xấu, hòng phủ nhận bản chất tốt đẹp của chế độ ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong thời gian qua, các tầng lớp nhân dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước đang nỗ lực thi đua lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cho sự thành công của cuộc bầu cử với niềm tin tưởng và tự hào chính đáng. Đó thực sự là ngày hội của toàn dân, chứ không phải là sân chơi “độc diễn” của Đảng như sự xuyên tạc xằng bậy của một số người.

PGS. TS Nguyễn Mạnh Hưởng
.
.
.