Phòng, chống “Diễn biến hòa bình”

Đừng để u ám phủ mờ thế giới quan

Thứ Hai, 01/08/2016, 09:14
Những ngày cuối tháng bảy, trong khi phong trào đền ơn đáp nghĩa được tiến hành rộng khắp thì trên diễn đàn mạng xuất hiện một số bài viết đưa ra cách nhìn tiêu cực về chính sách hậu chiến, cho rằng chúng ta đã không đối xử tốt, thậm chí “phụ bạc” với những bậc tiền bối đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc.

Bằng những dẫn chứng về nghịch lý trong cuộc sống hiện tại, từ các vụ vi phạm, tiêu cực trong thực hiện chính sách đền ơn, đáp nghĩa, những bài viết này quy kết thành “sự vô ơn” của chế độ, của Đảng, Nhà nước bằng những lời lẽ miệt thị, từ đó kêu gọi làn sóng tẩy chay, đứng lên đòi quyền lợi, cổ suý “phong trào dân chủ”...

Trên facebook của một cá nhân có khá đông lượng truy cập kể lại câu chuyện bi thương: Năm 1972, một người đàn ông cùng làng bị bom vùi lấp khi đang vận tải hàng hoá lên thị trấn phục vụ chiến đấu.

Ông mất đi khi người vợ đang mang thai sắp đến ngày sinh. Hồ sơ liệt sĩ được lập từ ngày đó nhưng bẵng đi mấy chục năm, khi con gái ông sắp lấy chồng thì chế độ liệt sĩ cho bố mình vẫn chưa được giải quyết.

Đến hỏi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì bảo lên bộ, đến bộ lại bảo hồ sơ đã chuyển xuống sở. Cuối cùng, sau rất nhiều vất vả, vòng vèo, hồ sơ mới được giải quyết.

Từ câu chuyện đó, người viết bài kết luận: Hệ thống quan chức ngày nay vô cảm, vô ơn, sống trên xương máu của các liệt sĩ, thương binh mà không mảy may rung cảm. Rốt cuộc, từ quan chức, từ cán bộ vô ơn, người viết quy kết thành sự vô ơn của... chế độ, của Nhà nước. 

Thực sự, đọc những bài viết trên, những người hậu bối như chúng tôi không khỏi day dứt. Trong thực tiễn, còn khá nhiều trường hợp những người hy sinh hay tổn thất một  phần xương máu cho cuộc chiến vệ quốc, đến nay vẫn chưa được công nhận thương binh, liệt sĩ.

Nguyên nhân có nhiều, trong đó có những lý do như về hồ sơ, sổ sách bị thất lạc, mất mát, song cũng phải nói rằng có nguyên nhân từ một số cán bộ có thẩm quyền tắc trách, thiếu trách nhiệm. Trong khi đó, hiện tượng làm hồ sơ thương binh giả để hưởng chế độ lại xuất hiện không ít nơi.

Trước đây, tôi có viết phóng sự điều tra “Bán bò đổi thẻ thương binh”, nêu hiện tượng oái oăm xảy ra tại Hà Tĩnh: Nhiều người bị thương không dính dáng gì đến chiến đấu, thậm chí là trèo cây bị ngã nhưng vẫn được cấp... sổ thương binh.

Đó là do một số tay “cò” móc nối cán bộ ngành Lao động, Thương binh và Xã hội làm thẻ giả, có gia đình tìm cách bán bò để dùng tiền mua thẻ thương binh giả. Vụ án chấn động, sau đó nhiều cán bộ “ăn bò, đổi thẻ” bị xử lý...

Trong khi nhiều người hy sinh xương máu cho Tổ quốc, vì các lý do khác nhau trong củng cố hồ sơ mà đến nay họ hoặc thân nhân của họ chưa được nhận chế độ thì những kẻ tiếp tay cho nạn thương binh giả để trục lợi tiền Nhà nước, đó là nghịch cảnh oái oăm, đòi hỏi phải đấu tranh, xử lý nghiêm.

Nhưng không thể nhìn những sự việc đó để quy kết “sự vô ơn của chế độ”. Những sự việc tiêu cực như kể trên là hiện tượng xảy ra do sự biến thái, sự hám lợi của cán bộ thừa hành chức trách đã đổi trắng thành đen, đổi đen thành trắng.

Cùng với đó còn là sự vô cảm của một số cán bộ, sự cứng nhắc của một số cơ quan khi xét hồ sơ phải đòi hỏi đủ (trong khi điều kiện chiến tranh khiến nhiều gia đình mất mát, không thể có đủ hồ sơ).

Nhưng đó là hiện tượng, những hiện tượng tiêu cực mà chính chúng ta cần phải lên tiếng, phải đấu tranh loại bỏ để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong thực hiện chính sách. Không thể từ hiện tượng đánh đồng thành bản chất.

Quy kết từ những hiện tượng tiêu cực trong đời sống rồi kết luận đó là bản chất của một chế độ, một Nhà nước, một chính đảng rồi đả kích là sự nhìn ngược, hết sức phiến diện, trái với nguyên lý, quy luật vận động.

Điều này không khác kiểu “thầy bói xem voi”, từ những góc nhìn đơn lẻ rồi phán con voi như con đỉa, như cột nhà, như cây chổi.

Nhìn toàn cục, chúng ta đều thấy rõ truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là đạo lý, là cội rễ dân tộc cả nghìn đời nay. Việc tri ân các bậc tiền bối đã xả thân cho Tổ quốc và tri ân thân nhân, gia đình họ xuất phát từ đạo lý đó, được thể hiện rõ trong Hiến pháp và các đạo luật, nghị định, văn bản hướng dẫn khác.

Thực tiễn sau 41 năm đất nước thống nhất, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cả khi ngân sách Nhà nước còn túng hẹp nhất thì chính sách tri ân người có công với cách mạng cũng được chú trọng hàng đầu.

Cuối tháng 7 vừa rồi, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm, tặng quà tại trung tâm điều dưỡng thương, bệnh binh đóng trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

“Việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, chăm lo cho các gia đình liệt sỹ và người có công với nước là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. Thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức và nhân dân cả nước đã có nhiều việc làm thiết thực, thể hiện đạo lý, quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước trong công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, quan tâm chế độ, chính sách đối với gia đình liệt sỹ, người có công với nước.

Những việc làm này đã càng tô đậm thêm truyền thống tốt đẹp, hết sức nhân văn của dân tộc Việt Nam” - Chủ tịch nước khẳng định. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, dù rất nỗ lực nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào đền ơn, đáp nghĩa, có nhiều hoạt động thiết thực hơn trong công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước, giúp các đối tượng chính sách có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Rõ ràng, trước bất kỳ điều gì, chúng ta cũng cần có cách nhìn đúng bản chất sự việc. Không thể đánh đồng hiện tượng sang bản chất. Đặc biệt, đừng để sự u ám lòng mình che mờ thế giới quan. 

Đăng Trường
.
.
.