Vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo:

Bài cuối: Không ai có quyền đứng trên luật pháp

Thứ Ba, 18/04/2017, 08:59
Sự bắt tay của các đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo để kích động người dân đã được thể hiện rõ trong một số vụ án vừa được các cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can.


Xâu chuỗi tất cả các vụ gây rối vừa qua ở một số vùng giáo trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, ngoài sự kích động của một số linh mục trên địa bàn thì thường xuất hiện các đối tượng phản động, chống phá quyết liệt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phá vỡ cuộc sống bình yên của nhân dân ở các địa phương khác đến như các đối tượng: Trương Minh Tam, Chu Mạnh Sơn, Bạch Hồng Quyền, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Hóa…

Sự bắt tay của các đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo để kích động người dân đã được thể hiện rõ trong một số vụ án vừa được các cơ quan chức năng khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Ngày 9-4, tại cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh, đối tượng Nguyễn Văn Hóa (22 tuổi, trú tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) đã khai nhận rõ toàn bộ những hành vi vi phạm pháp luật, thành khẩn khai báo và khuyên những ai đã, đang có ý định thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật như Hóa sớm tỉnh ngộ...

Theo hồ sơ, sau sự cố ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung, một số đối tượng phản động trong tổ chức Việt Tân đã tìm về Hà Tĩnh để tìm cách chống phá Đảng, Nhà nước, cuộc sống bình yên của nhân dân trên địa bàn.

Biết được Nguyễn Văn Hóa là người giỏi về các phần mềm tin học, cũng như viết lách, các đối tượng phản động trong tổ chức Việt Tân đã móc ngoặc, biến Hóa thành con rối trong tay chúng. Mỗi tháng chúng cung cấp cho Nguyễn Văn Hóa 1.500 USD và buộc Hóa cùng một số đối tượng khác phải tìm cách kích động, gây rối, biểu tình, đập phá tài sản… gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời, mỗi tháng Hóa phải viết, quay 16 clip, phóng sự mang nội dung xuyên tạc, sai sự thật để chia sẻ, gửi hình ảnh, bài viết cho các cá nhân thuộc các tổ chức phản động và một số đài, trang mạng nước ngoài.

Khi trở thành con rối trong tay Việt Tân, ngày 2-10-2016, Nguyễn Văn Hóa đã trực tiếp tham gia cùng một số người dân tụ tập biểu tình tại khu vực cổng chính của Công ty Formosa, sử dụng thiết bị flycam quay và truyền trực tiếp lên mạng xã hội, đồng thời trực tiếp hô hào, kích động người dân theo sự chỉ đạo của một số đối tượng cực đoan đập phá tài sản của công ty này.

Sau khi tiến hành điều tra, củng cố hồ sơ tài liệu, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Văn Hóa về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân theo điều 258, Bộ luật Hình sự.

Đối tượng Nguyễn Văn Hóa vừa bị Công an Hà Tĩnh khởi tố, bắt giam, khai đã nhận tiền của các tổ chức phản động để kích động, chống phá trên địa bàn.

Ngoài một số đối tượng được các tổ chức phản động ngoài nước chi tiền để chống phá, thì chính một số linh mục như Đặng Hữu Nam, Nguyễn Đình Thục… cũng để các đối tượng trên trà trộn vào nhà thờ kích động giáo dân xuống đường gây rối. Sau vụ việc linh mục câu kết cùng một số đối tượng phản động trong và ngoài nước kích động một số người dân xuống đường tuần hành, lấy cớ đi kiện Công ty Formosa để gây bạo loạn, chống đối cơ quan chức năng, gây ách tắc quốc lộ 1A làm tổn hại đến kinh tế của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và gây chia rẽ mối đoàn kết Lương-Giáo trên địa bàn, dư luận xã hội đã cực lực lên án những việc làm của các linh mục cố tình vi phạm pháp luật, coi thường đạo đức, giáo huấn Kitô và làm đảo lộn cuộc sống bình yên của nhân dân trên địa bàn.

Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi toàn thể linh mục, tu sĩ và giáo dân cả nước Việt Nam đã ghi rõ: “Là Hội thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hòa mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc”. Việc lấy cớ khởi kiện sự việc xảy ra ở một địa phương khác để kích động, xúi bẩy một số người dân nhẹ dạ cả tin gây mất an ninh trật tự trên địa bàn của các linh mục và một số đối tượng phản động là hành vi tự cho mình đứng trên luật pháp cần được xử lý nghiêm.

Chia sẻ trên Báo Nghệ An, Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Trọng Hải cho rằng: “Nếu không tỉnh táo, lựa chọn cách hành xử như diễu hành, tụ tập, gây rối hoặc có những hành vi khác gây ảnh hưởng đến trật tự chung thì những người tham gia dễ rơi vào những hệ lụy pháp lý như cấu thành “Tội gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại Điều 245 Bộ luật Hình sự (1999) hoặc “Tội chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 257 Bộ luật Hình sự (1999) cũng như những tội danh khác được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Với động cơ đòi công lý, nhưng thông qua hình ảnh ghi lại được, việc linh mục Nguyễn Đình Thục kêu gọi giáo dân di chuyển vào Kỳ Anh để khởi kiện Formosa không những rất chướng về mặt xã hội mà theo chúng tôi không phù hợp về mặt pháp lý. Không hợp lý ở chỗ, người dân dù là theo tôn giáo hay không theo tôn giáo đều có quyền bình đẳng trước pháp luật và được bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình một cách đàng hoàng, hợp pháp.

Mặt khác, việc vận dụng các cơ chế như khởi kiện… thuộc về chủ thể là những người bị thiệt hại trực tiếp. Vì vậy, việc kêu gọi di chuyển, cả việc tham gia giao thông trái luật (đi xe chở ba) là những hành vi rất phản cảm, khó chấp nhận. Vì vậy, hoạt động này có dấu hiệu của “Tội phá hoại chính sách đoàn kết” được quy định tại Điều 87 hoặc “Tội phá rối an ninh” được quy định tại Điều 89 Bộ luật Hình sự (1999).

Bên cạnh đó, hành vi cản trở giao thông, đập phá xe của lực lượng chức năng có thể sẽ bị xử lý về “Tội gây rối trật tự công cộng” được quy định tại Điều 245 và “Tội chống người thi hành công vụ” được quy định tại Điều 257 Bộ luật Hình sự (1999)”.

Sáng 10-4, trong cuộc họp với lãnh đạo Công an một số đơn vị, địa phương để bàn các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) và Ngày quốc tế lao động (1-5), Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã khẳng định: Kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với các đối tượng tham gia hoạt động tuần hành, biểu tình trái phép, như xúc phạm Quốc kỳ, gây rối trật tự công cộng, cản trở giao thông công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, huỷ hoại tài sản…

Được biết, các cơ quan chức năng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình cùng các địa phương khác đã có căn cứ xác định rõ các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng. Hiện, các cơ quan chức năng đang hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng đã có phương án kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, đi ngược lại lợi ích của dân tộc, phá hoại cuộc sống bình yên của nhân dân.

Nhóm PV thời sự
.
.
.