Sao lại toàn 1-0?

Thứ Năm, 21/06/2018, 10:20
Ba trận đấu vừa qua tại World Cup nơi những đội bóng được đánh giá cao hơn đều thắng trong hú vía với tỷ số chêch lệch chỉ có 1 bàn. Tại sao lại như vậy


Nếu xem Bồ Đào Nha và Uruguay đá hôm qua rất nhiều fan của bóng đá tấn công chắc chắn không khỏi chán nản. Những "đại gia của làng bóng" chơi mà không hề có sự lấn lượt nào với các đội được xem là "chiếu dưới".

Cả hai đội bóng đều cần tới những phút lóe sáng của những ngôi sao hàng đầu là CR7 và Suarez để kết liễu đối thủ. Sau có khi có bàn thắng gần như cả trận họ lui về phòng thủ và gần như chỉ chăm chăm làm việc đó đến khi trọng tài nổ hồi còi kết thúc trận đấu.
Uruguay có trận thắng thứ 2 nhờ một pha lập công duy nhất của Suarez. Ảnh: FIFA.

Bồ Đào Nha gây thất vọng lớn sau cách họ vượt qua Maroc. Khác với sự tưng bừng của trận gặp Tây Ban Nha, đương kim vô địch Euro chơi như một đội bóng thường thường bậc trung trong trận đấu tối qua.

Thậm chí đội bóng của CR7 còn nhiều phen hú phía trước các đợt tấn công của đại diện Bắc Phi chỉ đang tiếc là các chân sút Maroc không đủ tinh tế để có thể tận dụng được các cơ hội tạo ra. Trong khi đó Uruguay thể hiện lối chơi mà theo bình luận của báo giới quốc tế là "đặc sệt" phong cách Aletico, ghi  một bàn rồi lui về thủ.

Một đại gia khác là Tây Ban Nha cũng vất vả vượt qua Iran cũng với chỉ một bàn thắng duy nhất nhờ công của Costa. Và cũng phải có sự trợ giúp của công nghệ VAR mới giúp cựu vương World Cup có được trọn vẹn 3 điểm. Iran thể hiện một cách chơi đầy quả cảm trước đội bóng được đánh giá mạnh hơn, suýt chút nữa đại diện châu Á có thể tạo thêm một cơn địa chấn tại giải này.
Bồ Đào Nha cũng có chiến thắng tối thiểu 1-0 nhờ công Ronaldo. Ảnh: EPA.

Tại sao ba đội bóng lớn lại thể hiện một bộ mặt như thế trước những đối thủ được xem là yếu hơn? Có lẽ có nhiều nguyên nhân.

Sân chơi World Cup giờ đây khác  xa với những năm 80-90 của thế kỷ trước khi trình độ bóng đá tại các khu vực trên thế giới không còn là một khoảng cách quá lớn. Các đại diện châu Á, Bắc Phi được tới sân chơi lớn nhất thế giới không còn quá choáng ngợp trước các đội bóng lớn. Thậm chí nhiều đội còn có những ngôi sao đẳng cấp thế giới như Salah của Ai Cập.

Thế nên để những Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha và  Uruguay lấn lướt hoàn toàn trước những đối thủ vừa qua của họ cũng không là điều dễ dàng.

Một nguyên nhân khác chính là ở mục tiêu của những đội bóng này. Cả hai đội bóng bán đảo Iberia và đại diện Nam Mỹ đều không chỉ muốn mình vượt qua vòng bảng, mục tiêu của họ là tứ kết, bán kết thậm chí là trận chung kết.

Họ sẽ không đời nào phô diễn hết khả năng trong một trận đấu mà mục tiêu chỉ là 3 điểm. Với 1 bàn thắng họ cũng sẽ có được điều mình cần thì sao phải cố sức nhiều hơn. World Cup là một chặng đường dài mà tất cả những ai muốn đi hết con đường đó cần tiết kiệm sức lực hết mức có thể để bung ra khi trong trận đấu cuối cùng.

Chẳng phải Man Utd dưới thời Sir Alex một đội bóng được yêu mến vì lối đá tấn công đẹp mắt và công hiến cũng có những giai đoạn chỉ toàn giành các chiến thắng tối thiểu hay sao. Thắng 1-0 hay nhiều hơn thì cũng chỉ có 3 điểm vậy tại sao phải phí sức đến thế, hơn nữa còn có nguy cơ  "lộ bài". Chính Bồ Đào Nha trên con đường vô địch Euro cũng không thắng nổi một trận trong vòng bảng tại Pháp đấy thôi.

Những toan tính trên có thể làm các trận đấu của những đội bóng này bớt đi sự cuốn hút nhưng điều đó không quan trọng bằng thành công. Người ta sẽ rất ít khi nhớ bạn thành công bằng cách nào mà chỉ nhớ bạn là người thành công.

Vậy nên thắng 1-0 là đủ, xấu xí cũng được miễn sao là thắng.
Đoàn Dự
.
.
.