Đảng Lao động Triều Tiên thúc đẩy chính sách hạt nhân “song tiến”

Thứ Ba, 10/05/2016, 08:11
Ngày 9-5, trong ngày làm việc thứ 3, Đại hội lần thứ 7 của đảng Lao động Triều Tiên đã thông qua chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời với tăng cường năng lực vũ khí hạt nhân tự vệ “cả về chất lẫn về lượng”. CHDCND Triều Tiên cũng khẳng định chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp chủ quyền của nước này bị xâm phạm trước bởi các quốc gia sử dụng vũ khí hạt nhân.


Trong báo cáo công tác của Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên trình bày tại Đại hội đảng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố, với tư cách là một quốc gia sở hữu hạt nhân có trách nhiệm, nước này sẽ nỗ lực vì một thế giới phi hạt nhân và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ không phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh đảng Lao động Triều Tiên đã và sẽ tiếp tục nỗ lực để thực hiện chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song song với phát triển vũ khí hạt nhân, thường được biết đến với tên gọi “Chính sách Song hành” (Byungjin), vốn được đề ra tại phiên họp toàn thể của Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 3-2013. 

Một số nước đã ngay lập tức có phản ứng trước quyết định của Bình Nhưỡng. Ngay trong ngày 9-5, tờ Thời báo Hoàn Cầu, một ấn bản của tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – đã cho đăng tải một bài xã luận, trong đó nhận định rằng, tuyên bố nhà lãnh đạo Kim Jong-un (về việc Bình Nhưỡng không dùng các vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền quốc gia không bị đe doạ - PV) “được đưa ra dưới góc độ (CHDCND) Triều Tiên hiện là một quốc gia hạt nhân”. 

Từ đó, Thời báo Hoàn Cầu cho rằng, “thái độ của (CHDCND) Triều Tiên không hề thay đổi, mâu thuẫn lớn nhất với thế giới bên ngoài vẫn chưa được giải quyết”. Tờ báo này cũng khẳng định “các nước lớn sẽ không thay đổi lập trường và sẽ không công nhận (CHDCND) Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân. Nếu Bình Nhưỡng không từ bỏ các vũ khí hạt nhân, việc bình thường hoá quan hệ với thế giới bên ngoài sẽ rất khó diễn ra”. 

Đồng quan điểm, Hàn Quốc cũng bác bỏ tuyên bố của CHDCND Triều Tiên về việc theo đuổi chính sách hạt nhân song hành với phát triển kinh tế. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố, Seoul và cộng đồng quốc tế sẽ không bao giờ công nhận CHDCND Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời cảnh báo sẽ gia tăng những biện pháp trừng phạt và cô lập nếu Bình Nhưỡng tiếp tục theo đuổi chính sách trên. 

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng các hành động mang tính khiêu khích và có những bước tiến hướng tới việc phi hạt nhân hóa nước này. 

Khoảng 130 nhà báo nước ngoài đã được mời đến đưa tin về Đại hội lần thứ 7 của đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Cũng tại châu Á, Nhật Bản ngày 9-5 cũng lên tiếng chỉ trích CHDCND Triều Tiên liên quan về những tuyên bố về vũ khí hạt nhân, đồng thời cáo buộc Bình Nhưỡng đang tìm cách biện minh cho chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, một quan chức ngoại giao cao cấp của Hàn Quốc phủ nhận thông tin trên tờ Nhật báo JoongAng Ilbo của nước này cho rằng, Trung Quốc đã đề xuất đàm phán về một hiệp ước hòa bình giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên để đổi lấy việc Bình Nhưỡng ngừng chương trình hạt nhân và tham gia trở lại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Đề cập đến tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Đại hội lần thứ 7 của đảng Lao động Triều Tiên đang diễn ra, vị quan chức trên nhấn mạnh, Bình Nhưỡng “đã không chỉ cho thấy họ không có ý định phi hạt nhân hóa khi tự cho rằng, họ đã là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có trách nhiệm và một cường quốc hạt nhân trên thế giới mà họ còn thể hiện rõ quyết tâm tiếp tục chính sách “song tiến”, phát triển kinh tế đi liền với việc tăng cường tiềm lực hạt nhân”. 

Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách việc tuân thủ, thanh sát và kiểm soát vũ khí Frank Rose mới đây tuyên bố Washington và các đồng minh “sẽ không làm ngơ” trước các hành động khiêu khích liên quan tới hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình vũ khí. Mỹ và Hàn Quốc cũng đã nhất trí tiếp tục tăng cường gây sức ép đối với CHDCND Triều Tiên.

Một phóng viên BBC bị trục xuất

Ngày 9-5, phóng viên Rupert Wingfield-Hayes Tập đoàn truyền thông Anh BBC đã bị trục xuất khỏi CHDCND Triều Tiên sau khi bị bắt hôm 6-5 cùng hai đồng nghiệp khi những người này đang đưa tin về Đại hội lần thứ 7 của đảng Lao động Triều Tiên. 

Nhà chức trách CHDCND Triều Tiên cho hay, phóng viên BBC bị trục xuất với cáo buộc công kích chính quyền CHDCND Triều Tiên và đưa tin không khách quan trong thời gian nhóm phóng viên này hoạt động ở CHDCND Triều Tiên. Theo thông báo, phóng viên Wingfield-Hayes sẽ bị cấm quay lại CHDCND Triều Tiên.

Kim Linh (theo Reuters)

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.