Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ cho các quốc gia hậu xung đột ở châu Phi

Thứ Bảy, 05/12/2020, 07:05
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 3/12 đã tổ chức buổi thảo luận cấp Bộ trưởng về Quản lý và cải cách ngành an ninh.

Tại cuộc họp do Nam Phi - nước Chủ tịch HĐBA tháng 12/2020 - chủ trì này, Việt Nam đã khẳng định sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ các quốc gia hậu xung đột ở châu Phi tiến hành cải cách bộ máy an ninh thông qua các cơ chế phù hợp của LHQ cũng như các phái bộ gìn giữ hòa bình ở châu Phi.

Tại phiên thảo luận, trợ lý Tổng thư ký LHQ về pháp quyền và thể chế an ninh, ông Alexandre Zouev, khẳng định LHQ luôn ưu tiên hỗ trợ các nước xây dựng ngành an ninh hiệu quả và có trách nhiệm.

Hiện LHQ đang hỗ trợ hơn 15 quốc gia, nổi bật là Burkina Faso, Gambia, Libya, Yemen và Somalia nhằm triển khai các sáng kiến cải cách ngành an ninh thông qua hoạt động của các phái bộ gìn giữ hòa bình và các phái bộ chính trị đặc biệt, dựa trên yêu cầu của các nước thành viên và các tổ chức khu vực.

Theo trợ lý Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề châu Phi Bintou Keita, quản lý và cải cách ngành an ninh là một tiến trình phức tạp, kéo dài, đòi hỏi ý chí chính trị mạnh mẽ, sự hợp tác giữa các đối tác trên thực địa và sự tham gia của phụ nữ. Cao ủy Liên minh châu phi về hòa bình và an ninh Smail Chergui cũng nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của quản trị và cải cách ngành an ninh đối với các nước thành viên Liên minh châu Phi trong xây dựng và duy trì hòa bình.

Tham gia thảo luận, các nước thành viên HĐBA cho rằng cải cách ngành an ninh có vai trò quan trọng với các quốc gia hậu xung đột, góp phần củng cố hòa bình, ngăn ngừa tái diễn xung đột và thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên tiến trình cải cách ngành an ninh phải do các quốc gia tự làm chủ và triển khai theo yêu cầu của các quốc gia liên quan, với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế mà đặc biệt là LHQ và các tổ chức khu vực, trong đó đảm bảo có sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ. Các nước cũng nhấn mạnh cần bảo đảm nguồn tài chính dành cho nỗ lực xây dựng hòa bình, trong đó có cải cách ngành an ninh.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, ghi nhận những khó khăn mà nhiều quốc gia phải đối mặt trong giai đoạn hậu xung đột như giải giáp vũ khí, giải ngũ, tái hòa nhập các nhóm vũ trang và hòa giải. Theo Đại sứ, điều này đòi hỏi các nước cần cải cách bộ máy an ninh để củng cố hòa bình hậu xung đột, thúc đẩy hòa giải quốc gia và tái thiết đất nước, giảm nguy cơ tái diễn xung đột, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của xung đột đối với các nhóm yếu thế trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Đại sứ cũng nhấn mạnh tiến trình cải cách bộ máy an ninh cần bảo đảm nguyên tắc độc lâp, chủ quyền, trách nhiệm chủ đạo của quốc gia trên cơ sở phù hợp với bối cảnh, ưu tiên cụ thể của từng nước, có sự tham gia của các thành phần xã hội đa dạng, đặc biệt là phụ nữ.

Các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tham dự buổi thảo luận.

Sau cuộc họp, các nước thành viên HĐBA đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2553 về Cải cách ngành an ninh. Đây là nghị quyết thứ hai của HĐBA về chủ đề này. Nghị quyết nhấn mạnh vai trò quan trọng của cải cách ngành an ninh đối với củng cố hòa bình, ổn định tại các quốc gia hậu xung đột, ngăn ngừa tái diễn xung đột, thúc đẩy phát triển bền vững; ghi nhận chủ quyền và trách nhiệm chủ đạo của quốc gia liên quan đối với tiến trình cải cách, sự cần thiết  phải bảo đảm phù hợp với ưu tiên, nhu cầu và trên cơ sở tham vấn, yêu cầu của quốc gia với sự tham dự của các bên liên quan, trong đó cần chú trọng thúc đẩy vai trò và sự tham gia của phụ nữ.

Nghị quyết cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế, trong đó có LHQ, các đối tác song phương, tổ chức khu vực, bảo đảm hỗ trợ và dành nguồn lực cho các nỗ lực cải cách. Cải cách bộ máy an ninh được xem là một phần trong tiến trình xây dựng hòa bình và duy trì hòa bình tại các quốc gia hậu xung đột, thông qua việc thực hiện chính sách cải cách và củng cố các cơ quan, thể chế an ninh. Năm 2014, HĐBA LHQ đã thông qua nghị quyết 2151 - nghị quyết đầu tiên về chủ đề này.

Đối với châu Phi, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn châu lục, sự phục hồi do chính châu Phi thiết kế và tài trợ phần lớn là hoàn toàn có thể, thông qua các chiến lược như chuyển đổi mục đích sử dụng/chủ sở hữu tài sản, tiếp tục số hóa và hội nhập khu vực mạnh mẽ hơn.

Một giải pháp khả thi là chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn được tài trợ một phần bằng cách huy động các nguồn lực trong nước thông qua chuyển đổi mục đích sử dụng/chủ sở hữu tài sản, cho phép các chính phủ mở khóa nguồn vốn hiện có. Bằng cách chuyển những tài sản này thông qua các chương trình nhượng quyền cho các nhà đầu tư khu vực tư nhân đáng tin cậy, các chính phủ có thể giải phóng nguồn vốn cho các dự án mới quan trọng.

Đầu tư hạ tầng quy mô lớn có thể đồng bộ với sự tập trung vào số hóa vốn được kỳ vọng có thể giảm chi phí của các tác nhân nhà nước và tư nhân, nâng cao hiệu quả, khắc phục các trở ngại vật lý và cải thiện chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng và người dân.

Quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của châu Phi đang phát triển theo chiều hướng tốt: Số lượng kết nối băng thông rộng mới đang tăng vọt, việc sử dụng điện thoại di động tiếp tục có xu hướng tăng và lục địa này đang dẫn đầu toàn cầu về sử dụng các nền tảng trên điện thoại thông minh cho mục đích chuyển dịch tài chính. Hiện trạng “bình thường mới” của làm việc từ xa và những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng do COVID-19 tạo ra, mang đến cơ hội để châu Phi đẩy nhanh quá trình này.

Các chiến lược rõ ràng về chuyển đổi mục đích sử dụng/chủ sở hữu tài sản là một phương pháp khả thi để các chính phủ châu Phi có thể góp phần đáng kể vào việc tự tài trợ cho các khoản đầu tư mà các nước ở lục địa đang rất cần. Trong khi phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số quy mô lớn là ưu tiên đúng đắn của các nước châu Phi, các chính phủ ở lục địa cũng phải tập trung hỗ trợ các doanh nhân với các hệ sinh thái cho phép đổi mới kỹ thuật số.

Cuối cùng, các chính phủ châu Phi phải nhấn mạnh sự hội nhập khu vực hơn nữa thông qua Khu vực Thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA). Cơ sở hạ tầng chia sẻ sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển năng lực sản xuất, nhưng nhiều cộng đồng kinh tế châu Phi đang tụt hậu trong vấn đề này. Đặc biệt, tích hợp cơ sở hạ tầng năng lượng sẽ góp phần ổn định nguồn cung và giảm chi phí, mang lại hiệu quả đối với toàn bộ nền kinh tế khu vực và châu lục.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.