Vì một thế giới an toàn hạt nhân

Thứ Sáu, 01/04/2016, 09:11
Ngày 31-3, Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần thứ 4 đã khai mạc tại thủ đô Washington (Mỹ) dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama. Mục đích của Hội nghị năm nay chính là kéo cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau để cùng đối phó với mối đe dọa từ nguy cơ khủng bố hạt nhân trên toàn cầu.

Với sự tham gia của lãnh đạo từ hơn 50 quốc gia, Hội nghị là diễn đàn để các nhà lãnh đạo thế giới tái khẳng định các cam kết từ Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần thứ ba, tổ chức tại La Hay (Hà Lan) hồi tháng 3-2014, ở mức cao nhất, về tăng cường an ninh hạt nhân, vật liệu phóng xạ và chống lại chủ nghĩa khủng bố hạt nhân. 

Bên cạnh các biện pháp tăng cường an ninh và kiểm soát các nguyên liệu phân hạch, gồm uranium và plutonium được làm giàu ở cấp độ cao, Hội nghị năm nay cũng thảo luận các sáng kiến nhằm tăng cường bảo đảm an toàn hạt nhân và các chất phóng xạ, cùng các kế hoạch hành động đối với 5 tổ chức quốc tế chính, gồm Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Liên hợp quốc, Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol), Sáng kiến Toàn cầu chống khủng bố hạt nhân (GICNT), Hợp tác Toàn cầu về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Global Parnership). 

Phiên họp Hội nghị An ninh Hạt nhân năm 2014 tại Hà Lan.

Một nội dung khác bao trùm Hội nghị năm nay là mối hiểm họa từ việc các lực lượng thánh chiến, đặc biệt là cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), sở hữu bom bẩn phóng xạ. Giới chuyên gia cho rằng, IS khó có khả năng phát triển bom hạt nhân, song lo ngại lực lượng này có thể chế tạo bom bẩn phóng xạ, loại vũ khí có thể gây ô nhiễm phóng xạ trên diện rộng, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, sức khỏe và sinh lý. 

Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes nhận định các tổ chức khủng bố như IS vẫn luôn có tham vọng với vật liệu hạt nhân. Do đó, Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân lần này là rất quan trọng để các nước tham gia cùng xem xét và đánh giá mức độ đảm bảo an ninh hạt nhân của mình.

Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm trên mọi mặt của cộng đồng quốc tế, Đoàn Việt Nam, do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dẫn đầu, tham dự Hội nghị nhằm triển khai đường lối đối ngoại theo hướng độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm lợi ích cao của quốc gia, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp, bình đẳng và cùng có lợi. 

Ngoài ra, tham dự hội nghị, Việt Nam cũng đồng thời khẳng định và đề cao chính sách nhất quán của mình về không phổ biến, tiến tới giải trừ quân bị hoàn toàn và triệt để vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân, lên án mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng hạt nhân nhằm đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới. 

Kể từ sau các Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân các năm 2010 (tại Washington), 2012 (tại Seoul, Hàn Quốc) và 2014 (tại Amsterdam, Hà Lan), Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực thực hiện các cam kết chính trị, trong đó có việc gia nhập Công ước về Bảo vệ thực thể Vật liệu hạt nhân và Phần sửa đổi (2012), phê chuẩn Nghị định thư bổ sung Hiệp định về việc áp dụng thanh sát hạt nhân của IAEA (2012), gia nhập Công ước chung về An toàn quản lý chất thải phóng xạ (2013), ký với Mỹ Hiệp định về việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân (2014), tham gia Sáng kiến An ninh Chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (2014) và tích cực hợp tác với IAEA và các nước trong sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Những nỗ lực này được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và coi Việt Nam là một điển hình tốt.

Nga không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần thứ 4

Trước khi diễn ra Hội nghị, Điện Kremlin đã thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự hội nghị vì “Sự kiện này không nằm trong lịch trình của Tổng thống”. Trước đó, Nga cũng không tham dự cuộc họp trù bị cho Hội nghị này. Tuy nhiên, Moskva khẳng định quyết định của mình không liên quan đến tình hình quan hệ Nga – Mỹ. “Quyết định không tham gia công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân trong bất cứ hoàn cảnh nào không liên quan tới những việc đang diễn ra đối với mối quan hệ với Mỹ hay những sự kiện ở Ukraine, hay bất cứ lý do nào khác”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết. Theo Bộ Ngoại giao Nga, Hội nghị Thượng đỉnh lần này có rất nhiều khiếm khuyết, trong đó có việc phân biệt đối xử với tất cả thành viên tham dự, ngoại trừ người từ các nước tổ chức hội nghị trước đó và sắp tới, như Mỹ. Thay vào đó, Nga cam kết tham dự một hội nghị hạt nhân tương tự, cũng diễn ra vào năm 2016, do IAEA tổ chức.

Kim Linh

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.