Vaccine AstraZeneca và cuộc đối đầu gay cấn

Thứ Ba, 20/04/2021, 07:59
Việc AstraZeneca không cung cấp đủ lượng vaccine ngừa COVID-19 cho châu Âu như cam kết đang đẩy hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển này và Liên minh châu Âu (EU) vào một cuộc đối đầu gay cấn. Truyền thông châu Âu trong những ngày gần đây liên tục có nhiều chỉ trích nhằm vào AstraZeneca.

Từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19 gây ra, Đại học Oxford hứa hẹn sẽ cung cấp số tiền thu được từ nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 của mình dưới dạng giấy phép không độc quyền cho các hãng dược phẩm để hỗ trợ việc triển khai sản xuất với giá gốc hoặc với một biên độ hẹp trong thời gian đại dịch.

 Tuy nhiên, như tờ New York Times đưa tin theo lời khuyên của Quỹ Bill Gates, các nhà nghiên cứu lựa chọn quay vòng và tìm kiếm đối tác để tiến hành các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn và sản xuất vaccine. Và sự lựa chọn ban đầu thuộc về phòng thí nghiệm Merck của Mỹ. Nhưng cuối cùng, AstraZeneca lại là người chiến thắng. 

Một quyết định gây ngạc nhiên cho ngành công nghiệp vì hãng dược phẩm này chưa bao giờ sản xuất vaccine và chỉ chuyên sâu vào liệu pháp miễn dịch. Tại sao lại như vậy? Có phải vì AstraZeneca cung cấp các điều kiện hợp tác tốt hơn (về vấn đề tiền bản quyền)? Việc Vương quốc Anh loại bỏ nhân tố Mỹ có phải là một sự can thiệp? 

Đúng là London đang trên đường khởi động vì Brexit chính trị đã kết thúc và Brexit kinh tế đang cận kề. Giấc mơ của người Anh là lấy lại quyền lực trước đây của họ là “nước Anh toàn cầu”. Điều này đòi hỏi London đóng vai trò hàng đầu trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. 

Dù sao chăng nữa, AstraZeneca buộc phải thực hiện cam kết cung cấp vaccine với giá gốc. Đây là điều điên rồ trong mắt các nhà sản xuất trong ngành vì công ty không có lợi nhuận để tái đầu tư vào năng lực sản xuất. Thỏa thuận của họ với Oxford (và từ ngữ được bao gồm trong hợp đồng với EU) quy định rằng AstraZeneca có thể tăng giá để thu lợi nhuận khi đại dịch kết thúc. 

Một vài ngày trước khi Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) bật đèn xanh, hồi tháng 1/2021 vừa qua, AstraZeneca thông báo không thể cung cấp đủ số lượng thuốc theo kế hoạch cho EU trong quý I. Trước đó, hãng này thông báo sẽ cung cấp 30 đến 40 triệu liều vào cuối năm 2020, sau đó là 80 đến 100 triệu liều vào quý I năm 2021. Còn giờ thì họ “chia năm xẻ bảy” lời hứa của mình.

Trước sự giận dữ của các thành viên Ủy ban châu Âu (EC), Giám đốc điều hành của AstraZeneca, ông Pascal Soriot nói rằng không có cam kết theo hợp đồng để cung cấp một số liều lượng nhất định, mà chỉ đơn giản hứa sẽ thực hiện bằng “nỗ lực hết sức mình (điều khoản 'nỗ lực tốt nhất')”. 

Quan chức này cũng nói thêm là hợp đồng với châu Âu đã được ký ba tháng sau hợp đồng với Vương quốc Anh và như vậy nước Anh được ưu tiên. Tuy nhiên, hợp đồng của Anh là ngày 28/8/2020, trong khi EU thông báo ký kết trước một ngày, tức vào ngày 27/8. 

Việc AstraZeneca nộp đơn chậm trễ cho EMA để vaccine của họ được lưu hành trên thị trường như một cảnh báo cho người châu Âu. Đơn được nộp vào ngày 12/1, trong khi các thủ tục với Anh đã được kết thúc từ cuối tháng 12/2020. Tại sao AstraZeneca lại chờ đợi quá lâu để yêu cầu EU bật đèn xanh?

AstraZeneca không cung cấp đủ lượng vaccine ngừa COVID-19 cho châu Âu theo như cam kết.

Khi được yêu cầu tự giải thích, AstraZeneca biện minh cho sự chậm trễ của mình là do các vấn đề về hiệu suất của nhà thầu phụ ở Bỉ đóng tại Seneffe là Thermo Fisher. Nhà máy Seneffe, trước đây do Novasep điều hành, đã được Americas Thermo Fisher mua lại. EC yêu cầu phía Bỉ đi kiểm tra. Ủy viên EC phụ trách công nghiệp, ông Thierry Breton, đến tận nơi thị sát. 

Tại đây, Giám đốc điều hành của Công ty Seneffe, ông Cédric Volanti, đảm bảo sẽ tôn trọng các cam kết trong hợp đồng với AstraZeneca. Trong báo cáo mới nhất của hãng dược phẩm, không có gì khả quan trong vài năm qua, bất chấp sự tiếp quản vang dội của Thermo Fisher. 

Khoản đầu tư khoảng 27 triệu euro của Novasep vào năm 2017 đã tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất phát triển mạnh, nhưng “việc thiếu đào tạo và tự chủ của đội ngũ nhân viên mới được tuyển gần đây đã dẫn đến sự sụt giảm doanh thu so với năm trước và kéo theo đó là chi phí không chất lượng”. Hãng kết thúc năm 2019 với khoản lỗ 10 triệu euro. 

Đối với Philippe Busquin, người đã giúp Novasep hoạt động ở Bỉ khi ông còn là thị trưởng Seneffe, việc tiếp quản này cho thấy một vấn đề dai dẳng ở châu Âu, đó là “không hiệu quả trong việc chuyển từ nghiên cứu sang công nghiệp hóa”. 

Nhưng đối với EC, cũng như với các nhà chức trách Bỉ, vấn đề không nằm ở Seneffe. Vị trí này không có bất kỳ vấn đề đặc biệt nào như khẳng định của Cơ quan liên bang về thuốc và sản phẩm y tế. Theo lời của EC thì “Seneffe là một vật tế thần”.

Sau đó là trường hợp của Halix, nhà thầu phụ Hà Lan. Bấy lâu nay, người ta đều biết Halix cũng nằm trong hợp đồng của Vương quốc Anh (và các nhà thầu phụ của Vương quốc Anh lại nằm trong hợp đồng của EU). Tuy nhiên, London đã nhận được cam kết của AstraZeneca là ưu tiên cho người Anh. 

Một nguồn thạo tin tiết lộ: “Khi ký hợp đồng với EU, AstraZeneca biết rằng hai nhà máy ở Anh không thể xuất khẩu và Halix không được EMA chấp thuận và hãng này không làm gì cả. Họ nhanh chóng nhận ra rằng mình không thể đáp ứng được hoàn toàn thị trường châu Âu. Rõ ràng, họ đã bán sản phẩm quá khả năng sản xuất của mình”. 

Tờ Financial Times tiết lộ cách đây vài tuần rằng AstraZeneca đã không yêu cầu EMA xác nhận năng lực sản xuất của nhà thầu Hà Lan. Yêu cầu này chỉ được đưa ra vào ngày 25/3, có nghĩa là trong hai nhà máy sản xuất hoạt chất này, chỉ có Seneffe mới có thể phục vụ thị trường châu Âu. 

Khi Ủy viên EC, ông Thierry Breton, đến thăm Halix vào ngày 3/3, ông không biết rằng nó chưa được EMA công nhận. Quan chức này hỏi lãnh đạo của công ty về một trong những lập luận của AstraZeneca: Halix ưu tiên giao hàng cho Vương quốc Anh vì được phía Anh tài trợ. Nhưng ngay tại chỗ, Halix đã phủ nhận điều này. Tuy nhiên, báo chí Hà Lan khẳng định vẫn đang có sự hỗ trợ từ phía Anh... Và vì thế, mâu thuẫn chồng chất.

Một nguồn tin nói rằng: “Khi một công ty ký hợp đồng, nó được mong đợi sẽ làm điều đó một cách thiện chí. Vấn đề ở đây, công ty đã ký một số hợp đồng khác nhau và không tương thích với nhau”. 

Tuy nhiên, AstraZeneca đã nhất quyết khẳng định họ sẽ không có nghĩa vụ hợp đồng với bất kỳ bên thứ ba nào có thể mâu thuẫn với các điều khoản của hợp đồng châu Âu hoặc ngăn cản họ tôn trọng nó (theo điều Điều 13.1). 

Ở cấp độ châu Âu, người ta rất khó chịu vì những thiếu sót, chưa nói là sự dối trá của hãng dược phẩm này. Do đó, để làm rõ vấn đề, theo lời khuyên của Ủy viên Thierry Breton, các nhà chức trách Italy đã đến kiểm tra nhà thầu phụ AstraZeneca ở Anagni. EU thực sự đã có ý định đưa vào các hợp đồng một điều khoản về quyền kiểm soát của EU. Người Italy đã tìm thấy 29 triệu liều ở đó. 

Phía Italy nói với EC: “Đã có sự nhầm lẫn thực sự về điểm đến của những lọ vaccine này”. EU có thể hiểu rằng, nếu một công ty gặp khó khăn, đặc biệt như ông Jean Stephenne, Chủ tịch CureVac, giải thích, thì các quy trình rất phức tạp, “nó không giống như pha một bình nước chanh”. Các nhà sản xuất vaccine khác cũng gặp vấn đề trong việc giao hàng, khi một chiếc thùng bị nổ ở Thụy Sĩ, hoặc khi các túi cần thiết cho quy trình bị hết, các hãng dược phẩm khác sẽ bị lúng túng.

Với AstraZeneca, EU đang đặt câu hỏi: Tại sao không có sự chậm trễ tương tự ở mọi nơi? Tại sao hãng lại thực hiện 100% hợp đồng với Vương quốc Anh và chỉ thực hiện 25% đơn đặt hàng của EU? Công ty truyền thông Politico của Mỹ thử đưa ra một cách giải thích: hợp đồng của Anh được điều chỉnh bởi luật Anh, hợp đồng châu Âu theo luật của Bỉ. “Do đó, điều này khiến AstraZeneca trên thực tế ưu tiên cho thị trường Anh”, vẫn từ một nguồn tin cho biết. 

Trong cái rủi có cái may. Nếu luật pháp Bỉ gây khó khăn cho việc kiện tụng pháp lý, thì AstraZeneca đã tạo điều kiện cho để EU thực hiện nhiệm vụ của mình vì hãng dược phẩm này có thể thoải mái mà cho thấy rằng họ đã không nỗ lực hết sức nhưng chẳng làm sao cả.

Dù sao chăng nữa, EU dường như đã sẵn sàng đối đầu, ngay cả khi họ ủng hộ đối thoại. Phía EU giải thích: Chúng tôi chỉ muốn đủ liều vaccine của chúng tôi. Đối với EU, đó cũng là dấu chấm hết cho chủ nghĩa thiên thần.

PV (tổng hợp)
.
.
.