Truyền thông quốc tế phản ứng việc Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không tới Hoàng Sa

Thứ Năm, 18/02/2016, 07:59
Những mối lo ngại mới về các hệ lụy từ hành động đơn phương và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông một lần nữa lại được báo giới nước ngoài và cộng đồng quốc tế nói đến khi thông tin về việc Bắc Kinh triển khai hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.


Sáng 17-2, các tờ báo lớn của Mỹ, Anh, Nhật Bản… đều đăng tải thông tin, thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, đó là hình ảnh vệ tinh dân sự cho thấy quân đội Trung Quốc đã triển khai một hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại gồm 2 khẩu đội và 8 bệ phóng cùng 1 hệ thống radar trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông.

Kênh truyền hình FoxNews của Mỹ thì cho rằng, hệ thống này đã được bí mật đưa tới đảo từ tuần trước và bị vệ tinh ghi lại hình ảnh đầu tiên vào ngày 14-2. Tờ The Diplomat dẫn một nguồn tin khác từ Lầu Năm Góc khẳng định, trước khi đưa hệ thống tên lửa này đến đảo Phú Lâm, Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa cũng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tờ The Guardian đã đăng tải bài bình luận của Daniel Hurst, khẳng định, việc tên lửa và radar của Trung Quốc xuất hiện ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam một lần nữa gây căng thẳng trong các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và buộc thế giới phải đặt ra những câu hỏi mới về tuyên bố không tiếp tục quân sự hóa Biển Đông mà Bắc Kinh nhiều lần đưa ra trước đây.

Hãng tin Reuters thì nhận định, đây là một bước đi mới của Trung Quốc trong kế hoạch thực tiễn hóa yêu sách đường lưỡi bò ở Biển Đông. Dẫn lời một quan chức Mỹ, Hãng Reuters còn xác nhận rằng, hệ thống tên lửa nói trên là HQ-9, gần giống hệ thống phòng không S-300 của Nga, có tầm bắn khoảng 201km.

Đến trưa 17-2, hãng Reuters tiếp tục trích lời của Thiếu tướng David Lo, người phát ngôn của cơ quan phòng vệ Đài Loan (Trung Quốc) xác nhận việc điều động tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hình ảnh đảo Phú Lâm qua ảnh chụp của vệ tinh. Ảnh: Google map.

Người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn đánh giá, tình hình căng thẳng ở Biển Đông đang leo thang và hối thúc các bên nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình và làm việc dựa trên “các nguyên tắc tự kiềm chế”. Sau tuyên bố của Đài Loan, giới chức quốc phòng Mỹ từ chối đưa ra bình luận nhưng cho biết sẽ theo dõi sát những diễn biến tiếp theo.

Riêng Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris thì tuyên bố, việc Trung Quốc triển khai trái phép các tên lửa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam là đi ngược lại với cam kết của Bắc Kinh không quân sự hóa khu vực này…

Trước những lo ngại của cộng đồng quốc tế, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã phủ nhận thông tin này và cáo buộc các phương tiện truyền thông đang thổi phồng vụ việc.

Tại cuộc gặp với người đồng cấp Australia Julie Bishop đang có chuyến công du Bắc Kinh, ông Vương Nghị nói rằng mọi hành động của nước này ở Biển Đông đều nhằm phục vụ mục đích dân sự và lợi ích khu vực, chẳng hạn xây hải đăng, trạm thời tiết, cơ sở cứu nạn và chỗ ở cho ngư dân và rằng “kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự của Trung Quốc là phù hợp với quyền sinh tồn và tự vệ dựa trên luật pháp quốc tế, vì vậy không nên đặt câu hỏi về điều đó”… Tuy  nhiên, những giải thích nói trên của ông Vương Nghị không thể thuyết phục được cộng đồng quốc tế.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop vẫn tuyên bố muốn Bắc Kinh giải thích rõ ràng những hành động đơn phương ở Biển Đông và chấm dứt ngay các hoạt động gây hấn làm ảnh hưởng đến an ninh trong khu vực. Nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng lên tiếng cảnh báo và kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các hiệp định đã ký kết.

Là một quốc gia không tham gia tranh chấp ở Biển Đông, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ổn định tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời ủng hộ cộng đồng quốc tế tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những căng thẳng ở khu vực, trong đó có tranh chấp ở Biển Đông.

Ông Prayut  Chan-ocha khẳng định, Thái Lan ủng hộ các nỗ lực nhằm đảm bảo tự do, an toàn hàng hải và hàng không trong khu vực, đảm bảo an toàn và không bị cản trở cho thương mại quốc tế và đi lại của tàu thuyền trên Biển Đông.

Quan điểm của Thủ tướng Thái Lan là coi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) là một cơ chế hữu hiệu để duy trì lòng tin của các bên và đem đến giải pháp hòa bình cho tranh chấp. Do vậy, ông kêu gọi các bên tuân thủ DOC và đẩy nhanh các cuộc đàm phán để soạn thảo một bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc pháp lý.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak thì tái khẳng định lập trường của các nhà lãnh đạo ASEAN về mong muốn một giải pháp hòa bình cho các vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và vấn đề này phải được giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Gia Nam
.
.
.