Trung Quốc trước những thách thức hiện hữu sau 40 năm cải cách và mở cửa

Thứ Tư, 19/12/2018, 08:39
Ngày 18-12-1978, Trung Quốc bắt đầu quá trình cải cách mở cửa mang tính lịch sử, biến nước này từ một quốc gia nghèo nàn thành một siêu cường kinh tế.

Tuy vậy, dấu mốc kỉ niệm 40 năm này được coi là “chưa trọn vẹn” khi cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đang khiến Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng.

Thời điểm chính trị gia Đặng Tiểu Bình đánh dấu công cuộc cải cách và mở cửa bằng phát biểu trước ban lãnh đạo Trung Quốc vào ngày 18-12-1978, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc khi đó ở dưới mức 150 tỷ USD, GDP bình quân đầu người chỉ có 156 USD, thấp hơn nhiều so với con số 490 USD tại các nước ở vùng hạ Sahara, châu Phi, nơi được cho là khu vực nghèo nhất trên thế giới lúc bấy giờ. 

Kể từ đó, Trung Quốc bắt đầu thay đổi từng bước một. Nông dân có thể đem bán các sản phẩm dư thừa và thu lợi. Người dân có quyền lập doanh nghiệp riêng. Các “đặc khu kinh tế” với cơ chế hào phóng cho thương mại tự do đã được lập nên ở một số khu vực nhất định của đất nước… 

Sau 40 năm tiến hành cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã trở thành gã khổng lồ kinh tế với GDP tăng vọt lên con số hơn 12.000 tỷ USD, chiếm khoảng 15% tổng lượng kinh tế thế giới và lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Tỷ lệ nền kinh tế nước này trong nền kinh tế thế giới đã tăng từ chỉ 1,8% vào năm 1978 lên mức 18,2% đáng kinh ngạc trong năm 2017. 

Chỉ trong riêng 20 năm qua, tỷ lệ tài sản trên đầu người lớn ở Trung Quốc đã tăng 4 lần, chỉ còn hơn 1% dân số nước này là ở trong tình trạng cực kỳ nghèo khó. Sự trỗi dậy về mặt kinh tế này của Trung Quốc không thể không kể đến công lao của ông Đặng Tiểu Bình. Cách tiếp cận của ông Đặng là duy trì sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đồng thời giảm mức độ kiểm soát của chính phủ đối với nền kinh tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị tổng kết 40 năm ngày nước này thực thi đường lối cải cách, mở cửa. Ảnh: Reuters

Kể từ thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhậm chức vào tháng 3-2013, trọng tâm và phương pháp chính sách ngoại giao của đất nước này đã có hàng loạt những sự điều chỉnh lớn, phù hợp và tương ứng với sự thay đổi phát triển của môi trường quốc tế. Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của ông Tập, Trung Quốc đã chấm dứt thời kỳ “giấu mình chờ thời” để vươn ra thế giới. 

Phát biểu trong lễ kỷ niệm 40 năm Trung Quốc thực hiện công cuộc cải cách và mở cửa ngày 18-12 vừa qua, ông Tập ca ngợi cải cách mở cửa là cuộc cách mạng vĩ đại của trong lịch sử dân tộc và nhân dân Trung Quốc. Cuộc cách mạng này đã dẫn tới một cú nhảy vọt về lượng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc. 

Công cuộc cải cách đã giúp hơn 800 triệu người Trung Quốc thoát đói nghèo và đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc nắm giữ khoảng 10% tài sản toàn cầu và hiện có 600 tỷ phú, cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. 

Tuy vậy, đi đôi với sự phát triển nhanh chóng là những hệ quả kèm theo. Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những món nợ lớn và sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo các số liệu thống kê cho biết, tăng trưởng của nước này đã chậm lại trong quý 3 năm nay, xuống mức thấp nhất trong 1 thập kỷ và dự kiến sẽ tiếp tục chậm lại trong quý 4 và nửa đầu năm 2019.

Đặc biệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6-2018 đã phát động cuộc chiến tranh thương mại bất ngờ và khốc liệt khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gặp nhiều khó khăn và phải xem xét lại các kế hoạch kinh tế của mình. Ông Trump đã đặt ra hàng rào thuế quan đối với một lượng lớn hàng hóa Trung Quốc (với trị giá lên tới hàng trăm tỷ USD). 

Ngược lại phương hướng tăng cường kiểm soát của ông Tập Cận Bình, Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải mở rộng cửa hơn và giảm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chính. Những tưởng Trung Quốc sẽ “thở phào” sau khi đạt được thỏa thuận “đình chiến” 90 ngày với Mỹ trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ngày 1-12 vừa qua, thì vụ Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn Công nghệ Huawei theo yêu cầu của Mỹ lại xảy ra, đẩy Bắc Kinh và ông Tập vào "chiếu dưới" trước Mỹ. 

“Ông Tập đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong suốt sự nghiệp của mình và vào lúc này, ông ấy không có nhiều lá bài như người Mỹ”, Willy Lam, giáo sư tại Đại học Hong Kong và là nhà phân tích Trung Quốc lâu năm cho biết.

Sau 40 năm cải cách và mở cửa, nền kinh tế của Trung Quốc đang đứng trước những thử thách do cuộc chiến thương mại với Mỹ gây ra. Đây thực sự là bài toán đau đầu đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc trong thời điểm hiện tại nhằm đưa cải thiện tình hình kinh tế vốn đang có dấu hiệu chững lại.

Hồ Thiên
.
.
.