Trung Quốc đã triển khai tên lửa có tầm bắn 200km ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Thứ Sáu, 19/02/2016, 09:23
Trước những phản ứng của cộng đồng quốc tế, ngày 18-2, Trung Quốc đã lên tiếng xác nhận việc đưa vũ khí ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam ở Biển Đông.


Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn nguồn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết nước này “đã triển khai vũ khí trên đảo (Phú Lâm) trong một thời gian dài”. Tuy nhiên tờ báo không nói rõ trên đảo có những vũ khí gì. Theo một quan chức Mỹ, các tên lửa mới được triển khai dường như là hệ thống phòng không HQ-9 có tầm bắn 200km, có thể đe dọa bất cứ máy bay nào gần đó.

Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chỉ trích Bắc Kinh vì đã tiến hành “quân sự hóa” khu vực có tầm quan trọng chiến lược này. Trước đó, ngày 17-2, Ngoại trưởng Kerry cho biết Mỹ sẽ “trao đổi nghiêm túc” với Trung Quốc về hoạt động quân sự hóa Biển Đông. 

Người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ Kerry nêu rõ: “Có rất nhiều bằng chứng về việc gia tăng quân sự hóa dưới hình thức này hay hình thức khác. Chúng tôi đặc biệt lo ngại về điều này. Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận với Trung Quốc và tin rằng, trong những ngày tới, sẽ có cuộc thảo luận rất nghiêm túc về vấn đề này”.

Bằng chứng mà Ngoại trưởng Kerry nhắc tới chính là những hình ảnh vệ tinh dân sự của hãng ImageSat International. Những hình ảnh này cho thấy hai khẩu đội tên lửa gồm 8 bệ phóng và một hệ thống radar đã được bố trí trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Hình ảnh cho thấy hệ thống tên lửa phòng không được Trung Quốc đưa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Fox News.

Chia sẻ quan điểm của Ngoại trưởng Kerry, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cũng cảnh báo nếu Trung Quốc thực sự triển khai tên lửa tại đảo Phú Lâm thì động thái này sẽ phản tác dụng và khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng. Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest hối thúc các bên liên quan làm rõ các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ tại Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế và cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. 

Ông Earnest một lần nữa khẳng định máy bay và tàu chiến Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra tại Biển Đông. Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cảnh báo hành động của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đồng thời kêu gọi các bên tranh chấp tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. 

Người phát ngôn Lầu Năm góc, Tư lệnh Hải quân Bill Urban nhấn mạnh: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên có tranh chấp ở Biển Đông công khai cam kết không đưa ra những yêu sách lãnh thổ mới, ngừng các hoạt động xây dựng cơ sở mới cũng như các động thái quân sự hóa tại các thực thể đang tranh chấp”.

Cũng trong ngày 17-2, Tổ hợp truyền thông ABC của Australia nhận định rằng, động thái mới của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và càng khẳng định sự đúng đắn của những cảnh báo về việc quân sự hóa Biển Đông, bất chấp đề nghị kiềm chế từ Mỹ. 

ABC dẫn lời các chuyên gia phân tích quốc phòng Australia cho rằng, động thái mới này có thể đã được Trung Quốc tính toán thực hiện trùng với thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN và chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng nước này Julie Bishop. Bên cạnh đó, một nguồn tin quốc phòng cấp cao nói rằng, nếu Trung Quốc chỉ triển khai các vũ khí đất đối đất thì đó là một chuyện, nhưng việc triển khai tên lửa đất đối không lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Đồng quan điểm, hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết Tokyo “vô cùng quan ngại” khi có tin nói rằng Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến trên quần đảo Hoàng Sa. Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide nêu rõ Nhật Bản “hết sức quan ngại về mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng”, đồng thời khẳng định Tokyo “chưa bao giờ chấp nhận những hành động theo kiểu việc đã rồi như vậy”. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani kêu gọi Trung Quốc “giải thích rõ ràng” thông tin về việc đưa tên lửa đất đối không tới Hoàng Sa do Bắc Kinh khẳng định không có ý định quân sự hóa các đảo trên Biển Đông như lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói trong chuyến thăm Mỹ năm 2015.

Một số chuyên gia phân tích nhận định, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường hiện diện quân sự nhằm xác lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông trong khi một số khác cho rằng động thái triển khai tên lửa của Trung Quốc là để phản ứng lại hoạt động tuần tra của Mỹ tại đây.

Trần Linh
.
.
.