Trung Quốc - Nga "không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường quan hệ song phương"?

Thứ Năm, 17/06/2021, 07:11
Đều đang đối mặt với sự đối đầu từ phương Tây, Moscow và Bắc Kinh được cho là sẽ nỗ lực tăng cường quan hệ đồng minh của họ bất kể kết quả Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga ra sao, tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng (SCMP) dẫn nhận định từ giới quan sát cho biết.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến nêu ra các vấn đề gây tranh cãi với người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp song phương tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 16/6 (giờ địa phương) để thảo luận về mối quan hệ đang xấu đi giữa Điện Kremlin và phương Tây. Trong khi đó, Trung Quốc và Nga "không có lựa chọn nào khác ngoài việc xích lại gần nhau hơn nữa, đặc biệt là sau khi các nhà lãnh đạo nhóm G7 và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa đưa ra quan điểm cứng rắn chưa từng có với hai nước trong tuần này.

Theo đó, trong thông cáo hôm 13/6, nhóm G7 đã kêu gọi Nga điều tra việc sử dụng vũ khí hóa học xung quanh nghi án nhân vật đối lập Alexei Navalny trúng độc Novichok và khiến những kẻ đứng sau các vụ tấn công mạng chịu trách nhiệm. G7 cũng kêu gọi một cuộc điều tra mới về nguồn gốc đại dịch COVID-19 và kêu gọi Trung Quốc tôn trọng tự do cơ bản và quyền con người, đặc biệt tại khu vực Tân Cương và Hong Kong.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP.

NATO hôm 14/6 nói Trung Quốc tạo ra "những thách thức mang tính hệ thống" đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và nhấn mạnh những hành động của Nga tạo thành "mối đe dọa" tới an ninh khu vực châu Âu - Đại Tây Dương.

Trả lời phỏng vấn NBC News hôm 12/6 trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ, ông Putin cho biết quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Về phần mình, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh Mỹ mong muốn một mối quan hệ ổn định và dễ đoán với Nga, đồng thời "không tìm kiếm xung đột", nhưng "sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ và tương xứng" nếu Moscow thực hiện các hoạt động gây hại. Tổng thống Putin cũng cho biết đang xuất hiện những nỗ lực nhằm phá hủy mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc song mối liên kết song phương hiện tại chặt chẽ "chưa từng thấy".

Trong diễn biến liên quan, hôm 16/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã khen ngợi mối quan hệ ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Nga, đồng thời nhận định với báo giới rằng, bất chấp những lo ngại mà các nước phương Tây nêu ra, Bắc Kinh và Moscow sẽ là "một lực lượng quan trọng cho sự ổn định trong thế giới bất ổn này".

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ nêu ra các vấn đề bao gồm tấn công mạng, căng thẳng ở Ukraine hay kiểm soát vũ khí trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, tuy nhiên, giới quan sát cho rằng hai bên khó có thể đạt được nhiều tiến bộ. Thời Ân Hoằng, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh cho biết, những tuyên bố từ phía NATO và G7 tuần qua như "đổ thêm dầu" vào ngọn lửa đối địch Mỹ - Nga và hội nghị thượng đỉnh ở Geneva sẽ không thể thay đổi điều này.

"Ông Biden muốn tái khẳng định quan điểm cứng rắn của Mỹ khi tới Geneva", giáo sư Thời nhận định, thêm rằng kiểm soát vũ khí sẽ là vấn đề trọng tâm sau khi hai bên hồi tháng Một đã đồng ý gia hạn hiệp ước START mới về hạn chế vũ khí hạt nhân. Theo ông Thời, căng thẳng với phương Tây có thể dẫn đến một liên minh mạnh hơn giữa Nga và Trung Quốc.

"Trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc và Nga không có lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường hợp tác chiến lược, quân sự và ngoại giao", vị giáo sư nhận định.

Lô Tường, chuyên gia nghiên cứu về Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết Washington có thể cố gắng xoa dịu căng thẳng bằng cách đưa ra những nhượng bộ nhất định về đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga tới Đức - một dự án mà Mỹ lâu nay vẫn phản đối kịch liệt.

"Ông Biden sẽ thăm dò ông Putin và cố gắng trao đổi với ông Putin trong một nỗ lực nhằm chia rẽ quan hệ Trung Quốc-Nga", chuyên gia Lô cho hay, nhưng ông thêm rằng Moscow sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh bởi nó ảnh hưởng đáng kể đến an ninh của Nga và rất có thể hai nước sẽ tiến tới thiết lập nhiều thỏa thuận hơn trong nửa cuối năm nay.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 5 đã nhất trí tăng cường hợp tác song phương sau khi tham gia một buổi lễ trực tuyến để khởi động xây dựng 4 lò phản ứng mới trong dự án hạt nhân chung giữa Trung Quốc  và Nga. Các quan chức hai nước cũng cho biết, họ sẽ cùng nhau thảo luận về việc xử lý các vấn đề liên quan đến Mỹ. Tuy nhiên, Artyom Lukin, Phó giáo sư tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, cho hay, Moscow và Bắc Kinh khó có thể xích lại gần nhau hơn nữa sau các tuyên bố của G7 và NATO bởi họ đã "đủ gần".

Mặt khác, Trung Quốc có thể đang chờ xem liệu sẽ có những hành động nào theo sau những lời lên án từ phương Tây hay không. "Nếu có, điều đó có thể sẽ khuyến khích Bắc Kinh đề nghị Moscow hợp tác chặt chẽ hơn. Vẫn còn phải xem Nga sẽ đáp lại lời đề nghị như vậy như thế nào. Nếu phương Tây thể hiện các bước đi thực chất để cải thiện quan hệ với Nga, Moscow có thể trở nên dè dặt hơn trong việc tăng cường hơn nữa các mối quan hệ chiến lược với Bắc Kinh", ông Lukin bình luận.

Theo Phó giáo sư Lukin, hội nghị thượng đỉnh ở Geneva sẽ không giải quyết căng thẳng giữa Nga và Mỹ, song nó có thể hữu ích trong việc giảm thiểu sự đối đầu giữa hai cường quốc mà quan hệ của họ "hiện đang ở mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1980 đến nay".

Ông Lukin cho biết, hai nhà lãnh đạo có thể sẽ đồng ý chấm dứt một cuộc chiến ngoại giao khi mà trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều nhà ngoại giao Mỹ và Nga bị trục xuất, các cơ quan lãnh sự đóng cửa và việc cấp thị thực bị đình chỉ. "Nếu ở Geneva, họ có thể giải quyết các vấn đề nhỏ này, thì rất có khả năng họ sẽ có thể giải quyết các vấn đề lớn hơn trong tương lai".

Hồ Thiên
.
.
.