Trung Quốc, Hàn Quốc nhấn mạnh vai trò hợp tác đa phương

Thứ Tư, 21/04/2021, 07:10
Ngày 20/4, tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2021 (BFA), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có lời kêu gọi cải thiện hợp tác quốc tế trong nhiều lĩnh vực, tăng cường hợp tác đa phương để ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ, đơn phương lan rộng.

Trong bài phát biểu trực tuyến khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh "thế giới cần công lý, không phải sự bá quyền", theo đó kêu gọi xây dựng một hệ thống quản trị toàn cầu hợp lý và công bằng hơn, cho rằng các quy tắc do một hay một số quốc gia thiết lập không thể áp đặt cho những quốc gia khác. Lâu nay, Bắc Kinh luôn kêu gọi cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu, trong đó phản ánh những giá trị và quan điểm của nhiều quốc gia, thay vì chỉ tập trung vào một nhóm nhất định.

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trực tuyến khai mạc Diễn đàn BFA 2021. Ảnh: Reuters.

Theo Chủ tịch Trung Quốc, việc tạo ra các rào cản và thúc đẩy quá trình chia tách sẽ gây tổn hại tới nước khác và không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào. Trung Quốc sẽ phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước khác trên cơ sở Năm nguyên tắc chung sống hòa bình và thúc đẩy một kiểu quan hệ quốc tế mới. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nêu bật tầm quan trọng của việc cải thiện hợp tác quốc tế trong vấn đề biến đổi khí hậu và tăng cường hành động để triển khai Hiệp định Paris về vấn đề này.

Trong lĩnh vực y tế, ông Tập Cận Bình kêu gọi các nước tôn trọng đầy đủ vai trò chính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong cuộc chiến chống COVID-19, tăng cường chia sẻ thông tin và các nỗ lực chung, nâng cao hợp tác y tế cộng đồng. Trong khi đó, trong thông điệp trực tuyến tới Diễn đàn, Tổng thống Moon Jae-in đề xuất các quốc gia châu Á nên tăng cường hợp tác đa phương để ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ, đơn phương lan rộng. Đề cập tới cách thức để nâng cao vị thế của châu Á và vai trò của hệ thống quản trị toàn cầu trong ứng phó các thách thức toàn cầu hiện nay, ông Moon Jae-in nhấn mạnh cần duy trì cơ chế hợp tác đa phương, có sự tham gia của càng nhiều quốc gia càng tốt.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc cảnh báo, việc theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ và cách tiếp cận đơn phương, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, sẽ hình thành một chướng ngại cản trở phục hồi kinh tế toàn cầu. Ông Moon Jae-in cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế vì một tương lai hòa bình và thịnh vượng mới trong kỷ nguyên hậu COVID-19, nêu bật vai trò của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực. Ngoài ra, trong bài phát biểu, Tổng thống Hàn Quốc cũng kêu gọi các quốc gia châu Á chung tay ứng phó với đại dịch và cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu.

BFA năm nay diễn ra từ ngày 18 đến 21/4, chủ yếu được tổ chức theo hình thức gặp mặt trực tiếp với sự tham gia của hơn 2.600 đại biểu. Đây sẽ là diễn đàn quốc tế quy mô lớn đầu tiên trên thế giới trong năm nay được tổ chức chủ yếu dưới hình thức trực tiếp. Ngay trước thềm hội nghị, BFA đã công bố hai báo cáo học thuật quan trọng, trong đó đánh giá châu Á là động lực chính cho quá trình phục hồi bền vững của kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo về triển vọng kinh tế châu Á, BFA dẫn dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á trong năm 2021 có thể đạt ít nhất 6,5%, phục hồi đáng kể so với mức giảm 1,7% của năm ngoái. Theo BFA, trong năm nay, khu vực Nam Á sẽ chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất châu lục với 9,7%, trong khi khu vực Đông Á ghi nhận mức tăng trưởng 6,5%. Báo cáo của BFA lý giải kết quả tích cực này đạt được là nhờ các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả, việc nối lại hoạt động sản xuất và làm việc có trật tự ở Trung Quốc và Hàn Quốc, cùng một số yếu tố khác.

Các quốc gia châu Á hiện đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế thế giới. Nếu tính theo sức mua tương đương, nền kinh tế của khu vực này dự kiến chiếm tỷ trọng gần 48% trong nền kinh tế thế giới vào năm 2021, cao hơn mức hơn 45% ghi nhận trong năm 2017. Bất chấp ảnh hưởng từ khủng hoảng COVID-19, các nền kinh tế châu Á đã có nhiều thành tựu và tận dụng cơ hội phát triển. Ví dụ như sáng kiến triển khai những biện pháp mới để tạo thuận lợi cho nền kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và hợp tác kỹ thuật số quốc tế.

Đặc biệt, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã từng bước chuyển đổi từ một "công xưởng" kỹ thuật số phụ thuộc vào lao động giá rẻ sang một trung tâm kỹ thuật số dựa vào các ngành công nghiệp sáng tạo. Nền kinh tế số đã giúp phục hồi sản xuất, ổn định tình hình kinh tế và trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế châu Á trong tương lai. BFA cũng cho rằng tiến trình hội nhập của các thị trường tài chính châu Á được duy trì ổn định.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nước châu Á tiếp tục đi vào chiều sâu với 186 hiệp định thương mại khu vực có hiệu lực, chiếm hơn một nửa tổng số hiệp định toàn cầu. Với Hiệp định RCEP được ký kết vào tháng 11/2020, các nước kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa quá trình hội nhập kinh tế châu Á. BFA cũng cho rằng tiến trình hội nhập của các thị trường tài chính châu Á được duy trì ổn định.

Trong khi đó, báo cáo về phát triển bền vững của BFA nhận định, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các quốc gia châu Á đã "bằng mọi cách tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe, ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu và dẫn đầu sự phục hồi thương mại và đầu tư". Báo cáo kêu gọi châu Á đóng vai trò đầu tàu trong đảm bảo sự phục hồi bền vững trên toàn cầu, đặc biệt là những nước đã thoát khỏi đại dịch COVID-19 cần tăng cường hỗ trợ các nước láng giềng.

Theo BFA, các nước châu Á cần có những nỗ lực phối hợp để hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, qua đó tạo điều kiện mở cửa lại biên giới và cho phép hoạt động đi lại diễn ra bình thường. Ở quy mô toàn cầu, BFA cho rằng thế giới cần ưu tiên việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 và đạt được các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu y tế.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.