Trung - Hàn căng thẳng vì tên lửa tầm cao

Thứ Sáu, 10/03/2017, 09:21
Ngày 9-3, Nghị sĩ Sang-hyun của đảng Hàn Quốc Tự do đã gặp Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Khâu Quốc Hồng để thảo luận tình trạng căng thẳng hiện nay giữa hai nước liên quan tới việc Seoul xúc tiến triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Ông Khâu Quốc Hồng kêu gọi Hàn Quốc ngừng ngay việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này.

Tại buổi gặp, ông Khâu Quốc Hồng tuyên bố: “Việc triển khai khẩu đội THAAD phải bị hủy bỏ ngay lập tức. Nếu điều này là không thể thì ít nhất cũng cần phải ngừng lại để Seoul và Bắc Kinh thương lượng”.

Theo ông Khâu, Seoul đang đẩy tiến trình triển khai quá nhanh, tình hình hiện nay là rất nghiêm trọng và Bắc Kinh cũng đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nhà ngoại giao Trung Quốc cho rằng, các biện pháp trả đũa kinh tế hiện nay của nước này mới chỉ là ở cấp độ tư nhân chứ Chính phủ Trung Quốc không đứng đằng sau việc này; đồng thời nhận định rằng, kế hoạch của Hàn Quốc đưa việc này ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ không thể góp phần giải quyết được vấn đề.

Trước đó, hôm 8-3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố vấn đề lớn nhất trong quan hệ Hàn-Trung hiện nay là việc Hàn Quốc để Mỹ triển khai THAAD, bất chấp việc Chính phủ Trung Quốc ngay từ đầu đã kịch liệt phản đối việc này. Ông Vương Nghị nhấn mạnh phạm vi theo dõi của THAAD sẽ vượt qua lãnh thổ Bán đảo Triều Tiên và xâm hại nghiêm trọng lợi ích an ninh của Trung Quốc.

Về phía Hàn Quốc, lý giải cho hành động xúc tiến triển khai THAAD, chính quyền Seoul nhấn mạnh việc này là cần thiết để đối phó với các hành động khiêu khích hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng của CHDCND Triều Tiên. Đối với các biện pháp trả đũa kinh tế của Trung Quốc, Chính phủ đất nước Kim chi khẳng định sẽ tăng cường các nỗ lực kinh tế và ngoại giao nhằm giảm thiểu thiệt hại mà các doanh nghiệp và người dân Hàn Quốc đang phải gánh chịu xuất phát từ hành động của Bắc Kinh.

Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Yoo Il-ho khẳng định: “Chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi ảnh hưởng của vấn đề thương mại đối với thị trường tài chính và nếu cần, chính phủ sẽ có hành động nhanh chóng và mạnh mẽ, kể cả các biện pháp bình ổn thị trường”. Trong khi đó, đảng Hàn Quốc Tự do cầm quyền ở Hàn Quốc bày tỏ lấy làm tiếc đối với hành động trả đũa kinh tế của Trung Quốc, nhấn mạnh Bắc Kinh đã phá hoại nghiêm trọng mối quan hệ giữa hai nước.

Chia sẻ quan điểm của chính quyền Seoul, Nghị sỹ Chung Woo-taik, lãnh đạo nhóm nghị sỹ của đảng này tại Quốc hội Hàn Quốc, cho rằng, việc triển khai THAAD được thực hiện vào thời điểm hợp lý khi CHDCND Triều Tiên đang gia tăng đe dọa bằng các hành động khiêu khích hạt nhân và tên lửa.

Trong khi đó, các đảng đối lập tại Hàn Quốc lại phê phán việc chính phủ nước này cho phép Mỹ bắt đầu tiến trình triển khai THAAD, tuyên bố chính phủ phải có được sự chấp thuận của quốc hội đối với việc này.

Các đảng đối lập đã nêu nghi ngờ về ý định của chính phủ đằng sau động thái bị coi là “đơn phương, vội vã” này và cho rằng, động thái trên có thể mang động cơ chính trị, được thực hiện trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống. Các đảng đối lập nhấn mạnh rằng, chính phủ đã hoàn toàn phớt lờ lời kêu gọi của công chúng và yêu cầu chính giới về việc triển khai THAAD, đồng thời kêu gọi phải ngừng ngay tiến trình này.

Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Washington đã “trao đổi rõ” với Trung Quốc rằng việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc là một biện pháp phòng vệ trước mối đe dọa CHDCND Triều Tiên và hệ thống này không phải là mối đe dọa đối với Trung Quốc, hay đối với bất cứ cường quốc nào trong khu vực.

Trái với quan điểm của Mỹ và Hàn Quốc, Nga tuyên bố kế hoạch triển khai THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc sẽ khiến tình hình trên Bán đảo Triều Tiên lâm vào bế tắc, rằng việc này vượt xa chính sách ngăn chặn CHDCND Triều Tiên và có thể phá vỡ sự cân bằng chiến lược trong khu vực. Không chỉ vậy, một phần của hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu này là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh của Nga.

Trước đó, sau vụ CHDCND Triều Tiên ngày 6-3 phóng 4 quả tên lửa, 3 trong số đó rơi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản, một phần của khẩu đội THAAD của Mỹ đã ngay lập tức được chuyển đến đến Hàn Quốc, bắt đầu tiến trình triển khai ở khu vực Đông Nam của quốc gia Đông Bắc Á này. Cụ thể, hai bệ phóng di động của THAAD và một phần của các thiết bị khác đã được máy bay vận tải C-17 của Mỹ chuyển đến căn cứ không quân Osan ở phía Nam thủ đô Seoul vào đêm cùng ngày.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, khả năng trinh sát vào sâu lãnh thổ Trung Quốc (của THAAD) và nguy cơ hình thành liên minh phòng thủ tên lửa khu vực là những yếu tố khiến Bắc Kinh kịch liệt phản đổi việc triển khai THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Về yếu tố thứ nhất, hệ thống radar mà THAAD sử dụng là AN/TPY-,  thuộc loại radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA) có khả năng nhận dạng mục tiêu rất cao, có tầm trinh sát khoảng 1.000km, có thể mở rộng lên đến 4.000km.

Vì vậy, với việc THAAD được triển khai ở Hàn Quốc, hoạt động của một loạt các căn cứ quân sự ở dọc phía Đông của Trung Quốc đều nằm trong “tầm ngắm” của radar hệ thống THAAD, nhất là lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc mà từ trước tới nay Mỹ có rất ít thông tin.

Về yếu tố thứ hai, Trung Quốc cho rằng, khi Mỹ triển khai xong THAAD ở Hàn Quốc thì sẽ dẫn tới việc hình thành một liên minh phòng thủ tên lửa Mỹ - Nhật - Hàn ở khu vực Đông Bắc Á. Hiện nay, Mỹ và Nhật đang hợp tác triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis BMD trên một số chiến hạm của 2 nước.

Nếu THAAD ở Hàn Quốc kết nối với Aegis BMD sẽ trở thành mối đe dọa lớn đối với năng lực răn đe hạt nhân của Trung Quốc. Bắc Kinh lo sợ rằng, THAAD là một bước trong kế hoạch mà Mỹ thực hiện để bao vây Trung Quốc với một hệ thống phòng thủ tên lửa từ Nhật Bản đến Đài Loan (Trung Quốc) và thậm chí là Ấn Độ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.