Triều Tiên đang dần mất “kiên nhẫn” với Mỹ?

Thứ Ba, 18/12/2018, 07:47
Sau nhiều tháng kiềm chế, CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu gia tăng những lời phàn nàn và chỉ trích Mỹ vì các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bế tắc. Động thái này dường như báo hiệu sự kiên nhẫn của Bình Nhưỡng đang giảm dần.

Trong một tuyên bố được Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa ra hôm 16-12, CHDCND Triều Tiên cảnh báo chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không đạt được mục đích buộc Bình Nhưỡng phải kết thúc chương trình hạt nhân nếu tiếp tục sử dụng các chiến thuật ngoại giao không chân thành. 

“Những chiến thuật mạnh tay dưới hình thức các biện pháp trừng phạt mới và gia tăng áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân sẽ thất bại”, Bloomberg dẫn lại thông báo trên KCNA. “Mỹ nên nhận ra trước khi quá muộn rằng “áp lực tối đa” sẽ không có tác dụng với Triều Tiên”, KCNA cho biết và thông báo thêm rằng chính quyền Trump phải nỗ lực thực hiện tuyên bố chung Mỹ-Triều đã đạt được ở Singapore. 

Theo KCNA, Bình Nhưỡng đã thúc đẩy chính sách từng bước giải quyết các vấn đề khả thi bằng cách gây dựng lòng tin ngay cả khi các chuyên gia và các nhà theo dõi chính sách cho rằng không thể phi hạt nhân hóa.

Tiến trình đàm phán Mỹ - Triều vẫn đang đi theo lối mòn.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên cũng đã lên án chính quyền Mỹ gia tăng các lệnh trừng phạt và gây sức ép đối với quốc gia này, đồng thời cảnh bảo sự trở lại của “những cuộc đọ súng” và việc giải giáp vũ khí của Bình Nhưỡng có thể bị chặn đứng mãi mãi. 

Phản ứng mạnh mẽ này của Bình Nhưỡng được đưa ra sau khi Washington hồi đầu tuần tuyên bố đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ba quan chức Triều Tiên, trong đó có một trợ lý hàng đầu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vì bị cáo buộc lạm dụng nhân quyền. 

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên cho biết Mỹ áp dụng “các biện pháp trừng phạt tám lần với các công ty, cá nhân và tàu thuyền không chỉ của Triều Tiên mà cả của Nga, Trung Quốc và các nước thứ ba khác”. Nếu chính quyền Mỹ cho rằng, gia tăng các lệnh trừng phạt và sức ép sẽ buộc CHDCND Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân thì “nước này đã có sự tính toán vô cùng sai lầm, và nó sẽ chặn con đường hướng tới phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên mãi mãi - một kết quả không ai mong muốn”. 

Trước đó, hôm 13-12, KCNA đã lên tiếng chỉ trích Mỹ vì đã đưa nỗ lực đàm phán hạt nhân giữa hai bên đi vào thế bế tắc. KCNA cho biết Bình Nhưỡng kêu gọi Washington thức tỉnh và có những hành động đúng đắn về vấn đề phi hạt nhân hóa, thay vì theo đuổi các lệnh trừng phạt CHDCND Triều Tiên. Trong một bài bình luận, KCNA viết: “Triển vọng trong quan hệ Mỹ-Triều phụ thuộc vào Washington”.

Thực tế đã chứng minh, hơn 5 tháng kể từ sau cuộc gặp Mỹ - Triều, các mối đe dọa hạt nhân vẫn tồn tại. Ngày 16-11, CHDCND Triều Tiên cho biết, Quân đội nước này đã thử nghiệm thành công một loại “vũ khí chiến lược cực kỳ tối tân” chưa được xác định, sự đề cập công khai đầu tiên về vụ thử vũ khí gần đây kể từ tháng 11-2017. Vậy tại sao lại có những trở ngại bất ngờ như vậy? Thực tế, tiến trình tùy thuộc vào những cách diễn giải khác nhau về những điều mà ông Kim Jong-un cam kết thực hiện một cách thực sự.

Trong văn kiện được ký hồi tháng 6-2018, hai nước đã nhất trí “thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên (DPRK)” và “xây dựng một chế độ hòa bình ổn định và bền vững” trong khi Bình Nhưỡng “cam kết hướng đến việc phi hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên”. 

Do đó, Mỹ đã khăng khăng rằng bất kể sự nhượng bộ nào mà nước này đề nghị phải được thực hiện đầu tiên bởi những động thái hướng tới phi hạt nhân hóa rõ ràng của CHDCND Triều Tiên, như là bàn giao một danh sách đầy đủ các cơ sở hạt nhân và cho phép các thanh sát viên đến những địa điểm đã tiến hành tháo dỡ. 

Tuy nhiên, ngoài việc ngừng các vụ thử hạt nhân (mà thực sự đã được thực hiện từ trước hội nghị thượng đỉnh ở Singapore), CHDCND Triều Tiên chỉ đưa ra những hành động mang tính tượng trưng, như cho phá hủy công khai một bãi thử mà không còn cần thiết nữa. Trước khi thực hiện những bước đi chắc chắn hơn, Bình Nhưỡng đang yêu cầu sự “đáp lễ” của Mỹ, chẳng hạn như dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt.

Những cuộc đàm phán tiếp theo đã không thành công trong việc thu hẹp bất đồng. Đầu tháng 11, cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và ông Kim Yong Chol, Trưởng đoàn đàm phán của CHDCND Triều Tiên đã bị Bình Nhưỡng hủy vào phút chót. 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có lẽ đã chuẩn bị từ bỏ vũ khí hạt nhân và có thể đơn giản muốn những đảm bảo thực chất hơn trước khi ông bắt đầu tiến trình. Tuy nhiên, nhiều khả năng hơn là ông muốn trì hoãn việc tiêu hủy vũ khí hạt nhân, thứ mà Bình Nhưỡng đã theo đuổi trong nhiều thập kỷ để đảm bảo sự tồn tại của chế độ, và đang sử dụng vòng đàm phán hiện tại để nỗ lực có được sự nhượng bộ nhiều hơn từ phía Mỹ. Rốt cuộc, CHDCND Triều Tiên có lịch sử khiến cho những nước khác phải đưa ra cam kết về những điều mà nước này từ bỏ.

Hiện tại, tiến trình vẫn đi theo lối mòn. Không thỏa thuận kiểm soát vũ khí nào có thể đạt được, trừ khi ông Kim Jong-un bàn giao danh sách các cơ sở hạt nhân, tuy nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ làm việc đó. 

Quả thực, truyền thông Triều Tiên gần đây đã đẩy mạnh lập luận này một lần nữa, đe dọa quay lại việc tiến hành thử hạt nhân trừ khi Mỹ đưa ra nhượng bộ mà ông Kim Jong-un cho là Washington đã cam kết. Đáp lại, Mỹ thề duy trì lệnh trừng phạt và gây áp lực lên chế độ Bình Nhưỡng. 

Tuy nhiên, Washington cũng đã lên tiếng làm dịu tình hình. Ngày 15-11, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết cuộc gặp lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể tiến hành mà Bình Nhưỡng không nhất thiết phải đưa ra danh sách cơ sở hạt nhân gây tranh cãi. 

Sự chấp nhận của Mỹ về quan điểm phi hạt nhân hóa của CHDCND Triều Tiên có thể đảm bảo rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục, làm giảm nguy cơ tái leo thang căng thẳng, nhưng không chắc sẽ đặt dấu chấm hết cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.