Tổng thống Joko Widodo hiện thực hóa “Tầm nhìn Indonesia”

Thứ Ba, 16/07/2019, 07:58
2 tuần sau khi kết quả chính thức cuộc tổng tuyển cử Indonesia được công bố, Tổng thống Joko Widodo ngày 14-7 (giờ địa phương) đã có bài phát biểu chính thức đầu tiên trước hơn 267 triệu người dân của mình, trong đó đề ra một tầm nhìn Indonesia mới, một tầm nhìn mang tên Joko Widodo, sẽ được hiện thực hóa với sự đoàn kết và chung tay của toàn dân.


Ngày 30-6, Ủy ban tổng tuyển cử Indonesia (KPU) chính thức tuyên bố cặp ứng cử viên của đương kim Tổng thống Joko Widodo và người đồng hành Ma'ruf Amin là những người chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử một ngày lớn nhất thế giới diễn ra hôm 17-4 tại Indonesia.

Chiến thắng này đã phá tan lớp vỏ bọc vô hình mang tên “Tổng thống ngoại đạo” mà ông Joko Widodo phải mang theo khi thắng cử lần đầu cách đây 5 năm, đồng thời mở ra một trang chiến lược mới trong nhiệm kỳ lần 2 của ông, với những kinh nghiệm dày dặn được tích lũy trong suốt quá trình lãnh đạo thời gian qua. 

Tổng thống Joko Widodo vạch ra 5 mục tiêu chính trong Tầm nhìn Indonesia nhiệm kỳ 2019-2024 của mình. Ảnh: Jakarta Globe

Tối 14-7, tại Trung tâm hội nghị quốc tế Sentul, tỉnh Bogor, Tổng thống Widodo đã có bài phát biểu chiến thắng đầu tiên sau bầu cử, trong đó nêu bật Tầm nhìn Indonesia trong tương lai. Trước hàng nghìn người ủng hộ, Tổng thống Joko Widodo đã lựa chọn mở đầu bài phát biểu của mình bằng việc vẽ ra bức tranh toàn cầu đầy năng động nhưng cũng biến đổi không ngừng với vô vàn rủi ro và bất ngờ, theo Jakarta Globe. 

“Chúng ta phải từ bỏ mô hình cũ, tìm đến những mô hình mới, cách thức mới, giá trị mới để giải quyết các vấn đề. Cái gì chưa hiệu quả cần phải được làm cho hiệu quả, cái gì đã làm hiệu quả cần phải hiệu quả hơn. Chúng ta cần biến quốc gia này trở nên năng suất hơn, cạnh tranh hơn và linh hoạt hơn để thích nghi với mọi thay đổi”, nhà lãnh đạo Indonesia khẳng định.

Với nguồn năng lượng tích cực và dày dặn kinh nghiệm, Tổng thống Joko Widodo không ngần ngại vạch rõ 5 mục tiêu chính mà ông hướng đến trong Tầm nhìn Indonesia giai đoạn tiếp theo, trong đó nổi bật là tham vọng tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng. 

Strait Times nhận định, đây là một trong những chủ đề được ông Widodo liên tục đề cập trong chiến dịch tranh cử của mình, cũng là chương trình nghị sự chính được ông triển khai trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên, nhằm tăng cường triển khai các dự án kết nối cảng biển và sân bay toàn quốc thành các trung tâm nông nghiệp và du lịch. 

Cho rằng nhân lực là chìa khóa mở ra tương lai, ông Widodo nhấn mạnh rằng việc phát triển con người, trong đó chú trọng bảo đảm sức khỏe và chất lượng giáo dục cho phụ nữ, trẻ em và học sinh là mục tiêu tiếp theo trong chiến lược của ông. 

Tổng thống Indonesia cam kết sẽ thành lập Cơ quan Quản lý Tài năng Quốc hướng tới phát triển nguồn nhân lực trẻ của Indonesia, những người đã sẵn sàng đối mặt với cuộc cạnh tranh toàn cầu. Mở rộng đầu tư và cải cách “bộ máy quan liêu” là hai mục tiêu tiếp theo được ông nhấn mạnh, trong đó chú trọng thu hút đầu tư như cơ hội vàng để khởi tạo việc làm, song song với việc cải cách chính quyền hướng đến bộ máy đổi mới, nhanh chóng và hiệu quả, với đối tượng hướng đến chính là quyền lợi của người dân. 

Mục tiêu thứ 5 trong Tầm nhìn Indonesia của Tổng thống Widodo chính là sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, “để mỗi đồng tiền được sử dụng phải có lợi cho nền kinh tế và đảm bảo phúc lợi cho nhân dân”.

Các nhà quan sát đánh giá những chiến lược mà ông Joko Widodo đưa ra lần này đều đặt người dân vào trung tâm, với toàn bộ các mục tiêu đều xoay quanh việc đảm bảo và nâng cao chất lượng kinh tế và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Indonesia đang bị chững lại trong thời gian qua, cùng với những sự đe dọa gián tiếp từ cuộc thương chiến Mỹ-Trung, người đứng đầu Indonesia đã hướng tầm nhìn vào thu hút đầu tư nhằm mở cửa nền kinh tế Indonesia ra thế giới, tạo môi trường thân thiện với các nhà đầu tư nước ngoài và mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho người dân. 

Để làm được điều đó, Tổng thống Joko đã nuôi tham vọng phát triển cơ sở hạ tầng, với những đánh giá cho rằng đây sẽ được coi là “di sản” mà ông có thể tự hào để lại cho Indonesia trong nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên cần phải nói thêm rằng, chiến thắng của Tổng thống Joko Widodo được ghi nhận sau nhiều “truân chuyên”, khi liên tục có những cuộc biểu tình nổ ra tại Indonesia phản đối kết quả này.

Cuộc bạo loạn diễn ra sau tổng tuyển cử vừa qua tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự chia rẽ trong xã hội liên quan đến tôn giáo. Vì vậy, song song với tham vọng đưa kinh tế Indonesia lên tầm cao mới, CNA cho rằng, Tổng thống Widodo cần những bước đi mềm mỏng và khéo léo để giải quyết bài toán về sự hòa hợp dân tộc, khi ông đang lãnh đạo một quốc gia đa sắc tộc, đa tôn giáo với những quan điểm trái ngược tồn tại âm ỉ.

Bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Joko Widodo kể từ khi tái đắc cử cũng được đưa ra đúng một ngày sau khi ông nhận được lời chúc mừng từ chính đối thủ của mình, ứng viên Tổng thống Prabowo Subianto. Sau cuộc chạy đua đầy căng thẳng với vô vàn bất đồng, ông Widodo và ông Subianto đã cùng bắt tay và kêu gọi những người ủng hộ từ hai phía hãy đoàn kết lại vì mục tiêu chung của quốc gia. 

Cái bắt tay giữa hai “cựu đối thủ” có thể coi như tín hiệu đáng mừng, cùng với kim chỉ nam mang tên “Tầm nhìn Indonesia” thổi bùng lên hi vọng và động lực mới trong lòng người dân Indonesia.

An Nhiên
.
.
.