Tín hiệu tốt cho nền kinh tế toàn cầu

Thứ Sáu, 27/07/2018, 09:53
Rạng sáng 26-7, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tạm dừng các biện pháp đánh thuế trả đũa lẫn nhau, thay vào đó là sẽ cùng nhau làm việc để hướng tới xóa bỏ các hàng rào thương mại giữa hai bên và cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đây được đánh giá là tín hiệu tốt cho nền kinh tế toàn cầu.

Sự hạ nhiệt bất ngờ trên đạt được sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tại Nhà Trắng. Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp, Tổng thống Mỹ cho biết, Washington và Brussels đã nhất trí về một “giai đoạn mới” trong quan hệ thương mại song phương cũng như phối hợp hướng đến mục tiêu không thuế quan, không rào cản phi thuế quan và không trợ cấp ở lĩnh vực hàng công nghiệp không tự động.

Tổng thống Donald Trump (phải) và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker. Ảnh: Getty Images.

Hai bên cũng nhất trí phối hợp để tăng cường thương mại trong các lĩnh vực dịch vụ, hóa chất, dược phẩm, sản phẩm y tế và đậu tương. Theo đó, EU sẽ bắt đầu mua đậu tương từ Mỹ. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ khẳng định 2 bên sẽ giải quyết vấn đề liên quan đến thuế nhôm và thép nhập khẩu, cũng như các biện pháp trả đũa song phương hiện nay.

Người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh, đây là một ngày quan trọng cho thương mại tự do và công bằng: “Hôm nay, Mỹ và EU có mối quan hệ thương mại song phương một nghìn tỷ USD – một mối quan hệ kinh tế lớn nhất trên toàn thế giới. Chúng tôi muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ thương mại này với lợi ích của tất cả các công dân Mỹ và châu Âu. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã đồng ý ngày hôm nay, trước hết, để làm việc cùng nhau để đưa thuế quan về con số 0, không có rào cản phi thuế quan và không có trợ cấp đối với hàng hóa công nghiệp trừ ôtô. Chúng tôi cũng sẽ làm việc để giảm rào cản và tăng cường thương mại dịch vụ, hóa chất, dược phẩm, sản phẩm y tế, cũng như đậu nành. EU gần như ngay lập tức bắt đầu mua rất nhiều đậu nành từ nông dân Mỹ”.

Thông qua mạng xã hội Twitter, Tổng thống Donald Trump cho rằng, cuộc gặp với Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker diễn ra một cách tuyệt vời và đã có một sự “đột phá” mà không ai nghĩ rằng nó có thể xảy ra.

Về phần mình, Chủ tịch EC cho biết tại cuộc gặp kéo dài hơn 2 giờ với người đứng đầu Nhà Trắng, hai bên đã xác định một số lĩnh vực hợp tác hướng tới việc không thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp. Hai bên cũng nhất trí củng cố hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.

Theo đó, EU sẽ xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng để nhập khẩu thêm khí đốt hóa lỏng từ phía Mỹ. Ông Jean-Claude Juncker khẳng định, EU và Mỹ nên tập trung vào việc cắt giảm thay vì tăng thuế quan lên các mặt hàng của nhau, dù trước cuộc gặp này, các quan chức châu Âu còn đang phải soạn thảo danh sách các mặt hàng hóa của Mỹ trị giá 20 tỷ USD để đánh thuế trả đũa Mỹ nếu như Washington vẫn giữ kế hoạch đánh thuế lên xe hơi từ EU. Ngoài ra, Brussels và Washington nhất trí đối thoại về các tiêu chuẩn.

Sự hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU đã ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của các nước châu Âu và doanh nghiệp hai bên. Họ gọi đó là một thành công lớn. Thông qua mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nhấn mạnh kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch EC có thể được coi là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế toàn cầu.

Ngay trước thềm cuộc gặp này, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất Mỹ và EU cùng bãi bỏ “tất cả thuế, các rào cản và trợ cấp” của mỗi bên để tạo ra thương mại công bằng. Ông nói: “Điều đó cuối cùng sẽ được gọi là thị trường tự do và thương mại công bằng”.

Hồi tháng 6 vừa qua, Washington áp mức thuế cao lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm của các nước EU xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Đầu tháng 7 này, Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 20% đối với tất cả ôtô lắp ráp tại EU. Đáp lại, EU đã gửi tới Bộ Thương mại Mỹ một văn kiện dài 10 trang, cảnh báo việc áp thuế này sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất ôtô của chính nước Mỹ và Washington có thể đối diện với nhiều biện pháp trả đũa trị giá tới 294 tỷ USD từ các đối tác thương mại. EU cũng đã áp đặt những rào cản đối với các mặt hàng của Mỹ.

Ngoài ra, hai bên cũng vấp phải bất đồng liên quan đến các lệnh trừng phạt Iran của Mỹ. Theo đó, những công ty EU đầu tư vào Iran sau khi thỏa thuận hạt nhân Iran có hiệu lực năm 2016 dự báo sẽ bị tổn thất nghiêm trọng nhất một khi các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực trở lại.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.