Tín hiệu tích cực cuộc thương chiến Mỹ – Trung

Thứ Tư, 15/01/2020, 08:49
Trong một động thái hạ nhiệt căng thẳng trong cuộc chiến thương mại, chính quyền Mỹ đã chính thức bãi bỏ quyết định “gắn mác” thao túng tiền tệ đối với Trung Quốc. Đây được đánh giá là một động thái hết sức tích cực của Washington, báo hiệu cuộc thương chiến Mỹ-Trung có thể sẽ đi vào giai đoạn hòa hoãn.

Ngày 13-1 (giờ địa phương), Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ trước khi quan chức cấp cao của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, giúp hạ nhiệt cuộc chiến thuế quan kéo dài 18 tháng.

Trong báo cáo của mình, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định trong báo cáo nửa năm một lần trình Quốc hội, đồng Nhân dân tệ đã mạnh lên và Bắc Kinh không còn bị coi là một quốc gia thao túng tiền tệ.

Báo cáo viết, trong thỏa thuận thương mại này, “Trung Quốc đã đưa ra những cam kết có thể thực thi nhằm kiềm chế hành động phá giá mang tính cạnh tranh và không sử dụng tỷ giá hối đoái của họ vì những mục đích cạnh tranh. Vì điều này, nên chúng tôi loại bỏ việc Trung Quốc không còn thao túng tiền tệ ở thời điểm này nhưng Trung Quốc cần tiếp tục có những bước đi chắc chắn để tránh đồng tiền yếu đi trong tương lai”.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc cần có các bước đi dứt khoát nhằm ngăn đồng tiền yếu đi liên tục và cho phép mở cửa thị trường nước này rộng hơn nữa để củng cố triển vọng tăng trưởng dài hạn. Ông Mark Sobel, cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính và cố vấn viện chính sách kinh tế OMFIF có trụ sở tại London (Anh), hoan nghênh động thái của Bộ Tài chính Mỹ và cho rằng chuyện này ban đầu không nên xảy ra.

Động thái trên được đưa ra chỉ 2 ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và đặc phái viên thương mại hàng đầu Trung Quốc, ông Lưu Hạc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 theo kế hoạch vào ngày 15-1 (giờ địa phương). Theo ông Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Mỹ, cho biết toàn văn thỏa thuận thương mại một phần giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ chỉ được công bố sau khi hai bên hoàn tất việc ký kết thỏa thuận.

Các chuyên gia và giới quan sát đánh giá đây là một thỏa thuận cần thiết đối với Tổng thống Donald Trump khi Mỹ chuẩn bị bước vào năm bầu cử 2020, khi giúp giảm bớt nguy cơ suy thoái của nền kinh tế và thúc đẩy thị trường chứng khoán. Ông Edward Alden, chuyên gia về chính sách thương mại tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ (CFR), nhận định mặc dù các vấn đề xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn còn tồn tại, về mặt chính trị, thỏa thuận này có tác dụng khá tốt đối với ông Donald Trump khi ông tái tranh cử trong năm nay. Nhà Trắng có thể tự hào là đã “cứng rắn với Trung Quốc” và về mặt kỹ thuật, ông Donald Trump đã đạt được một thỏa thuận, điều mà ông đã hứa với cử tri hồi năm 2016.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bất chấp những tín hiệu tích cực, giới doanh nghiệp Mỹ vẫn lo ngại về khả năng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được giai đoạn 2 của thỏa thuận thương mại sau khi hai cường quốc thế giới này ký kết thỏa thuận giai đoạn 1 vào ngày 15-1 tới, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết.

Ông David French, Phó Chủ tịch Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) khẳng định có một rủi ro thực sự rằng sẽ không có thỏa thuận giai đoạn 2 bởi tất cả những vấn đề khó khăn giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị để lại cho giai đoạn này. Theo ông David French, thậm chí ngay cả sau khi thỏa thuận giai đoạn 1 được ký kết, mức thuế quan chung của Mỹ đối với các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc vẫn ở mức 21%, trong khi con số này trước khi cuộc chiến thương mại diễn ra là khoảng 3%. Vì vậy, Mỹ vẫn chưa thể có mối quan hệ bình thường như trước đây với Trung Quốc.

Trong khi đó, theo nhà kinh tế trưởng Beth Ann Bovino tại S&P Global, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để lại những vấn đề “gai góc” nhất như kiểm soát xuất khẩu công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ và sự trợ cấp mạnh mẽ của Trung Quốc đối với các sản phẩm và áp đặt hạn chế đối với các công ty nước ngoài đang làm ăn tại Trung Quốc. Chính vì vậy, hai bên khó có thể đạt được thỏa thuận giai đoạn 2 khi phải giải quyết những vấn đề lớn như vậy.

Một trong những lý do mà nhóm các doanh nghiệp ít lạc quan hơn cả Tổng thống Donald Trump về thỏa thuận giai đoạn 2 là Nhà Trắng hiện vẫn chưa công bố thỏa thuận giai đoạn 1 bằng văn bản. Trước đó, người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố, giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận thương mại thậm chí có thể không diễn ra cho đến sau cuộc bầu cử vào tháng 11-2020.

Ông Jeffrey Weiss, cựu quan chức của Bộ Thương mại, hiện là đối tác của Tập đoàn Thương mại Quốc tế Venable LLP, cho biết thỏa thuận giai đoạn 1 bằng văn bản hiện vẫn chưa được biết đến và điều này khiến hai bên khó có thể đưa ra tuyên bố rõ ràng. Không có thỏa thuận bằng văn bản, việc Trung Quốc sẽ thực thi thỏa thuận về các điều khoản nhất định về sở hữu trí tuệ, các rào cản thương mại phi thuế quan và thị trường tài chính vẫn sẽ là một câu hỏi mở.

Cho tới nay, quan điểm chung của hầu hết giới doanh nghiệp là thành tựu lớn nhất của thỏa thuận giai đoạn 1 chính là sự tạm dừng và giảm bớt quy mô của cuộc chiến tranh thương mại mà Tổng thống Mỹ phát động. Giai đoạn bất ổn và sự leo thang căng thẳng dường như đang chậm lại.

Trong khi đó, về phía Trung Quốc, các doanh nghiệp nước này hiện vẫn có những kế hoạch dự phòng trong trường hợp cuộc chiến thuế quan giữa hai nước tái diễn. Khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc đến Washington (Mỹ) từ ngày 13-1 để ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ, các nhà sản xuất và cung ứng tỏ ý lo ngại rằng thỏa thuận này có thể bị trì hoãn cho dù đã được ký kết.

Thay vì tập trung vào thỏa thuận nói trên, các nhà chế tạo và cung ứng đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, tìm kiếm các thị trường mới, tăng cường sự hiện diện ở thị trường nội địa hoặc chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài. Thỏa thuận thương mại giai đoạn một báo hiệu một sự hạ nhiệt trong xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vốn kéo dài trong gần 2 năm qua.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.