Tín hiệu đáng mừng cho cuộc “ly hôn” giữa Anh và EU

Thứ Sáu, 16/11/2018, 12:46
Sau thời gian dài đàm phán khó khăn, Liên minh châu Âu (EU) và Anh hôm 14-11 (giờ địa phương) đã đạt được một dự thảo thỏa thuận về các điều khoản cho việc Anh rời khỏi EU (Brexit). Dự thảo thỏa thuận này cũng đã vượt qua cửa ải Chính phủ Anh, sau cuộc chiến marathon trong cuộc họp nội các diễn ra sau đó cùng ngày.

Đây là tín hiệu đáng mừng đầu tiên trong cuộc đàm phán gian nan vất vả về cuộc “ly hôn” có một không hai trên thế giới.

Nhiều nước châu Âu đã lên tiếng hoan nghênh những diễn biến tích cực trong tiến trình đàm phán Brexit. Ngày 15-11, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh Theresa May là “tin mừng”, đáp ứng mối quan tâm chung của tất cả mọi người rằng, quá trình Brexit đã diễn ra suôn sẻ.

Dự thảo thỏa thuận Brexit của bà Theresa May là một tiến triển tốt cho cả Pháp và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Pháp cho hay ông cũng sẽ “thận trọng” với những bước tiếp theo trong tiến trình Brexit để bất cử thỏa thuận cuối cũng nào cũng phải tuân thủ hàng loạt quy định, ví dụ như các quy định về thuế.

Trước đó, Ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit cho rằng, hai bên đã đạt được “tiến triển mang tính quyết định”, mở ra con đường dẫn đến hoàn tất một thỏa thuận giữa EU và nước Anh. Nhấn mạnh nước Anh luôn là bạn, đối tác và đồng minh của EU, ông Michel Barnier hoan nghênh giải pháp mà hai bên đã tìm ra nhằm giúp tránh hình thành một biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, song kêu gọi mọi thành viên từ cả hai phía đều cần phải thể hiện trách nhiệm của mình.

Trong khi đó, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho rằng, Ireland đã đạt được tất cả các ưu tiên trong dự thảo thỏa thuận của Anh với Liên minh châu Âu. Ông cũng khẳng định, việc chính phủ Anh thông qua dự thảo thỏa thuận này là một trong những ngày tốt đẹp trong sự nghiệp chính trị của ông.

Về phần mình, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh, việc Anh và EU đạt được dự thảo thỏa thuận Brexit được đánh giá là một bước tiến mang tính quyết định. Mặc dù quyết định của Anh ra khỏi EU cho đến nay vẫn là một điều đáng tiếc, song Đức cũng như nhiều nước thành viên khác trong EU đều mong muốn tiếp tục có mối quan hệ thân thiết, gắn bó với Anh.

Tiến trình Brexit được dự báo sẽ còn rất gian nan. Ảnh minh họa: France24.

Tại nước Anh, Liên đoàn Công nghiệp Anh (CBI), nhóm vận động hành lang doanh nhân chính, hoan nghênh thỏa thuận là một sự tiến bộ. Trong một tuyên bố, Chủ tịch CBI Carolyn Fairbairn cho biết: “Thỏa thuận sẽ đưa Vương quốc Anh tiến thêm một bước ra khỏi cơn ác mộng của việc không đạt thỏa thuận, cũng như tránh được những thiệt hại mà kịch bản xấu đó có thể gây ra đối với các cộng đồng trên cả nước”.

Bà Fairbairn chỉ ra rằng, dự thảo thỏa thuận vừa đạt được đã đảm bảo một sự chuyển tiếp cho đến hết năm 2020, và đây là “ưu tiên cao nhất” đối với giới doanh nhân. Hiệp hội Tài chính Anh cũng đánh giá thỏa thuận trên “là một bước đi quan trọng nhằm tránh nguy cơ ra đi một cách rối loạn và thiệt hại”.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành hiệp hội Stephen Jones nhận định “còn nhiều khó khăn” ở phía trước, đồng thời cảnh báo ngành tài chính nên “tiếp tục lên kế hoạch nhằm giảm thiểu mọi sự ngắt quãng từ một kịch bản không đạt thỏa thuận cuối cùng”.

Theo bản dự thảo thỏa thuận “ly hôn” dài 585 trang được EU và Anh công bố tối 14-11, hai bên dự kiến một “lưới an ninh” sẽ được thiết lập nhằm tránh khả năng tái lập đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh với Cộng hòa Ireland. Cũng theo nội dung dự thảo, toàn bộ Vương quốc Anh sẽ ở lại trong liên minh thuế quan với EU và một liên kết đặc biệt cũng sẽ được quy định thêm cho Bắc Ireland trong giai đoạn chuyển tiếp dự kiến kéo dài đến khi các cuộc thảo luận về mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa hai bên được hoàn tất.

Tuy vậy, bản dự thảo thỏa thuận này còn phải vượt qua rất nhiều “cửa ải” khi nó còn cần được các lãnh đạo EU và Quốc hội Anh, cũng như Nghị viện châu Âu và các nghị viện quốc gia thành viên phê chuẩn trước khi có hiệu lực thi hành.

Người phát ngôn chính phủ Pháp Benjamin Griveaux cho biết: “Việc EU và Anh đạt được dự thảo thỏa thuận là một dấu hiệu tích cực sau một thời gian dài đàm phán. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn khá thận trọng, bởi vì chúng ta cần thời gian để xem xét dự thảo một cách chi tiết. Lãnh đạo và chính phủ các nước thành viên EU phải xem xét chi tiết của dự thảo trước khi lên tiếng thông qua”.

Còn tại Anh, văn kiện trên chắc chắn còn gặp không ít khó khăn để có thể nhận được sự đồng thuận tại Anh. Cả phe phản đối lẫn phe ủng hộ Brexit đều lo ngại rằng thỏa thuận này sẽ buộc nước Anh phải tuân thủ các quy tắc của EU trong nhiều năm, và điều này sẽ ngăn cản London “giành lại quyền kiểm soát” chính trị của mình.

Dự thảo thỏa thuận cũng còn phải được Quốc hội Anh thông qua, điều được cho là không dễ trở thành hiện thực. Khó khăn chồng chất khi Thủ tướng Anh hiện chỉ có được một đa số mong manh tại quốc hội.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và ông Michel Barnier trong ngày 15-11 đã có cuộc họp báo chung để thông báo về một Hội nghị Thượng đỉnh EU bất thường có thể được tổ chức vào ngày 25-11 tới nhằm kí kết dự thảo thỏa thuận Brexit vừa đạt được này.

Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit  kêu gọi cả Anh và EU cần thể hiện trách nhiệm của mình để đạt được thỏa thuận cuối cùng, trong khi Cao ủy EU phụ trách thương mại Cecilia Malmstrom hi vọng các nước thành viên EU sẽ thông qua Dự thảo Thỏa thuận Brexit.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.