Tia hi vọng mới cho cuộc chiến chống dịch COVID-19

Chủ Nhật, 15/03/2020, 08:29
Giới chuyên môn y tế Nhật Bản mới đây cho biết phương pháp điều trị hỗ trợ tim phổi nhân tạo (ECMO) áp dụng cho các bệnh nhân mắc COVID-19 đang cho những kết quả sơ bộ đáng khích lệ. Trong khi đó, các nhà làm luật y tế Mỹ đã thông qua hệ thống xét nghiệm COVID-19 có khả năng xét nghiệm nhanh gấp 10 lần, góp phần giải quyết lỗ hổng trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Kết quả cuộc điều tra do Hiệp hội điều trị y tế tập trung và Hiệp hội cấp cứu y tế Nhật Bản tiến hành đối với 300 cơ sở y tế trên toàn Nhật Bản cho thấy, trong số ít nhất 23 bệnh nhân COVID-19 được điều trị bằng phương pháp ECMO có 12 người hồi phục và không có trường hợp tử vong. 

Phương pháp điều trị ECMO, hay còn gọi là phương pháp oxy hóa qua màng ngoài của cơ thể, được áp dụng khi chức năng hoạt động phổi của bệnh nhân yếu đi do bị virus tấn công. 

Khi đó, hệ thống ECMO sẽ được sử dụng để thay thế tạm thời chức năng hoạt động của phổi bằng cách đưa máu ra ngoài cơ thể, loại bỏ carbon và thêm oxy vào tế bào hồng cầu, sau đó đưa máu đã được tiếp thêm oxy trở lại cơ thể và chờ hệ miễn dịch của bệnh nhân loại bỏ virus trong cơ thể. Máy ECMO có thể thay tới 4 lít máu trong thời gian khoảng 1 phút. 

Tuy nhiên, ECMO là một kỹ thuật rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn cao nên việc điều trị bằng phương pháp này tại Nhật Bản đến nay vẫn chưa được phổ biến. Bác sĩ Satoshi cho biết, hiện số lượng máy ECMO và số nhân viên y tế sử dụng được loại máy này tại Nhật Bản chưa nhiều, do đó Nhật Bản ưu tiên điều trị bằng phương pháp này với các bệnh nhân nặng. 

Với những kết quả khả quan trên, Chủ tịch Hiệp hội điều trị bằng ECMO Takeshi Shinhiro cho biết, hiệp hội sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng của phương pháp điều trị này, đồng thời nắm bắt thông tin về các cơ sở y tế có máy ECMO và có bác sĩ nhiều kinh nghiệm trong sử dụng hệ thống này để tư vấn điều tiết đưa bệnh nhân đến điều trị hiệu quả.

Đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống COVID-19.

Trong khi đó, tại Mỹ, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) đã cấp phép sử dụng khẩn cho xét nghiệm chạy trên hệ thống cobas 6800/8800 của Công ty Roche Holding AG có trụ sở tại Thụy Sĩ. Hệ thống 8800 này có khả năng xét nghiệm tới 4.128 bệnh nhân mỗi ngày, trong khi phiên bản 6800 có thể xét nghiệm cho 1.440 người/ngày. 

Công cụ này cũng có sẵn tại châu Âu và các quốc gia chấp nhận tiêu chuẩn chứng chỉ CE (chứng chỉ bắt buộc đối với hàng hoá theo quy định, được coi như hộ chiếu thương mại vào thị trường Liên minh châu Âu). Hệ thống xét nghiệm cobas của Roche đã lắp đặt 695 thiết bị phiên bản 6800 và 132 phiên bản 8800 trên toàn cầu. 

“Chúng tôi tăng tốc độ xét nghiệm lên 10 lần”, ông Thomas Schinecker – Giám đốc Roche Holding AG – cho biết. 

Hệ thống cobas 8800 có thể xét nghiệm bệnh nhân nhanh hơn khoảng 10 lần so với các thiết bị MagNA Pure 24 và LightCycler 480 của Roche. Các dụng cụ cobas 6800/8800 cho kết quả trong vòng bốn giờ. Cơ chế xét nghiệm bao gồm phân tích axit nucleic có trong nước bọt hoặc chất nhầy của bệnh nhân và so sánh chúng với các chuỗi được tìm thấy trong các chủng virus Corona khác. Công cụ xét nghiệm này đóng vai trò quan trọng trong ngăn chặn bệnh COVID-19 lây lan vì nó cho phép nhân viên y tế xác định người nhiễm bệnh và cách ly họ, ngay cả khi họ không biểu hiện nhiều triệu chứng. 

Điều đó có khả năng làm giảm tổng số ca nhiễm bệnh và giúp các nhà sản xuất thuốc có thêm thời gian đưa ra các phương pháp điều trị tốt hơn và chế tạo vaccine. Đây là công cụ xét nghiệm thứ 3 và là công cụ đầu tiên được sản xuất thương mại mà FDA thông qua.

Tại Hàn Quốc, một nhóm nghiên cứu đã phát triển ứng dụng “Easydoc” giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán các ca nghi nhiễm COVID-19. Ứng dụng “Easydoc” do nhóm này phát triển sẽ tư vấn cho người dân căn cứ trên bảng kê câu hỏi dành cho bệnh nhân được sử dụng thực tế tại các trung tâm xét nghiệm lưu động “Drive-thru” (tài xế có triệu chứng nghi nhiễm lái xe tới trung tâm lưu động, không cần ra khỏi xe mà chỉ cần hạ cửa sổ để nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt và lấy mẫu xét nghiệm, toàn bộ quá trình mất khoảng 10 phút). Một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết “Easydoc” tích hợp danh sách câu hỏi liên quan những thông tin mà đội ngũ nhân viên y tế tại các trung tâm xét nghiệm lưu động cần xác nhận ban đầu với các bệnh nhân. 

Ở tính năng “Điền vào bảng câu hỏi” trong ứng dụng, người dùng sẽ trả lời các câu hỏi như lịch sử thăm nước ngoài gần đây, khu vực tới thăm, triệu chứng về đường hô hấp. Ngoài ra, ứng dụng còn tích hợp tính năng chỉ dẫn vị trí các trung tâm xét nghiệm lưu động. Trong khi đó, với những bệnh nhân người nước ngoài không thông thạo tiếng Hàn, khi tới bệnh viện trong nước có thể sử dụng tính năng biên dịch của ứng dụng để soạn thảo câu hỏi trước. 

Hiện nhóm phát triển ứng dụng đang đặt mục tiêu bổ sung thêm nhiều ngôn ngữ hỗ trợ, xây dựng nền tảng y tế toàn cầu trong thời gian tới.

Cùng chung nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh, Chương trình Sáng kiến Công nghệ Quốc gia Nga hôm 11-3 thông báo một công ty nước này đã phát triển thành công thiết bị xét nghiệm COVID-19 cho kết quả sau 15 phút. Thiết bị mới này đã trải qua các thử nghiệm cuối cùng và có thể giới thiệu với công chúng vào mùa Thu năm nay. 

Là sản phẩm của Công ty Medical Biological Union (MBU), thiết bị hoạt động dựa trên phản ứng chuỗi polymerase đẳng nhiệt. Máy sẽ phân tích mẫu chất nhầy lấy từ mũi hoặc cổ họng của người nghi ngờ mắc bệnh và cho kết quả sau 15 phút. Hồi đầu tháng 3, các nhà khoa học Nga công bố đã chế tạo ra một thiết bị chẩn đoán virus trong 1,5 giờ. 

Trước đó, đầu tháng 2, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin các bác sĩ Trung Quốc bắt đầu sử dụng một thiết bị có thể chẩn đoán bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra trong vòng 40 phút.

Trong khi đó, sau quá trình sàng lọc trong 250 công thức, nhóm nghiên cứu gồm 3 nhà khoa học thuộc Trường Đại học Queensland của Australia là Giáo sư Paul Young, Giáo sư Trent Munro, và tiến sỹ Keith Chappel vừa xác định được vaccine có tên là S-Spike có thể chống lại COVID-19. Hiện tại, vaccine này đang được thử nghiệm trên chuột và theo kế hoạch sẽ bắt đầu quá trình thử nghiệm trên người vào giữa năm nay. 

Theo giáo sư Trent Munro, đến nay, giai đoạn phát triển vaccine trong phòng thí nghiệm đã gần hoàn tất và vấn đề bây giờ là làm thế nào để vaccine được đưa vào sản xuất. Để chuẩn bị cho quá trình này, hôm 13/3, nhóm chuyên gia nghiên cứu của Đại học Queensland đã có cuộc họp với Cục Quản lý các sản phẩm trị liệu Australia (TGA) để bàn về lộ trình kép khi các nhà khoa học đang hoàn tất công việc nghiên cứu thì cũng có thể đồng thời tiến hành công tác chuẩn bị cho việc sản xuất vaccine.

Mục tiêu là làm thế nào để khi các nhà khoa học xác định chính xác loại vaccine COVID-19 hiệu quả cao thì quá trình sản xuất có thể ngay lập tức được bắt đầu để sớm đưa vaccine ra thị trường.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.