Tỉ lệ phản đối EU ngày càng tăng

Thứ Năm, 09/06/2016, 08:33
Theo kết quả cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ) thực hiện tại 10 quốc gia châu Âu và công bố hôm 7-6, chủ nghĩa hoài nghi tại “lục địa già” đang có xu hướng tăng lên.

Bên cạnh đó, kết quả cuộc khảo sát cũng cho thấy, nhiều người phản đối cách mà Liên minh Châu Âu (EU) ứng phó với những khủng hoảng kinh tế trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), đặc biệt tại các quốc gia nhiều nợ nần tại Nam Âu.

Theo số liệu do Pew cung cấp, hầu hết tỷ lệ người dân hoài nghi về những lợi ích của việc ở lại EU thường cao hơn so với tỷ lệ được ghi nhận tại Pháp, nơi mà tỉ lệ người phản đối EU đã tăng lên 38% trong vòng 1 năm qua, trong khi số người ủng hộ lại giảm khoảng 17%.

Thậm chí, ở một số quốc gia giàu có và là thành viên lâu đời của EU như Đức, tỷ lệ người ủng hộ EU cũng chỉ không quá 50% và đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, người dân tại các quốc gia thành viên mới gia nhập vẫn rất tin tưởng vào những lợi ích của việc gia nhập “ngôi nhà chung” khi tỷ lệ ủng hộ EU vẫn duy trì ở mức khá cao.

Có tới 72% người dân Ba Lan được hỏi bày tỏ sự ủng hộ với EU, trong khi tỷ lệ này ở Hungary là 61%. Về cách thức ứng phó với khủng hoảng kinh tế của EU, có tới 92% người dân Hy Lạp được hỏi không đồng tình với cách thức quản lý kinh tế hiện tại của EU, trong khi tỷ lệ này ở Italy là 68%, 66% ở Pháp và 65% tại Tây Ban Nha.

Việc chủ nghĩa hoài nghi tại châu Âu đang có xu hướng tăng lên sẽ có tác động tiêu cực tới cuộc trưng cầu dân ý về Brexit tại Anh.

Khảo sát của Pew cũng dự báo cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề đi hay ở của Anh tại EU, dự kiến diễn ra vào ngày 23-6, sẽ cho kết quả sít sao, với 48% cử tri sẽ bỏ phiếu ủng hộ Anh ra khỏi EU (còn gọi là Brexit) và 44% cử tri bỏ phiếu đối lập.

Còn theo kết quả cuộc thăm dò dư luận được công bố ngày 6-6 do trang WhatUKThinks tiến hành tại Anh, tỷ lệ ủng hộ nước Anh rời khỏi EU đã vượt lên dẫn trước so với tỷ lệ nói “Không” với Brexit trong vòng một tháng qua. Theo đó, hiện có 51% những người được hỏi ủng hộ Brexit, và số người phản đối là 49%.

Liên quan tới vấn đề này, trong cuộc tranh luận phát trực tiếp trên sóng truyền hình với ông Nigel Farage, người đứng đầu phe ủng hộ Brexit, Thủ tướng Anh David Cameron đã khẳng định việc giữ quốc gia này ở lại EU là một việc làm đúng đắn và cần thiết mà mỗi công dân cần thực hiện để hướng tới xây dựng một nước Anh vĩ đại.

Thủ tướng “sứ xở sương mù” cho rằng, quan điểm của ông Farage là “thiển cận”, hướng tới một nước Anh nhỏ bé và chấp nhận “là những kẻ bỏ cuộc”. Ông Cameron cũng bày tỏ những lo ngại sâu sắc về những hậu quả kinh tế mà Brexit có thể gây ra.

Trong khi đó, phát biểu tại một hội nghị chuyên đề thương mại thế giới ở thủ đô London, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo cảnh báo nếu xảy ra kịch bản Brexit, Anh sẽ cần các thỏa thuận thương mại mới với EU và với lần lượt 58 nước đã ký thỏa thuận tự do thương mại với khối này. Đây sẽ là một quá trình đàm phán “dài hơi” chưa từng có đối với Anh, chưa kể đến trường hợp các thỏa thuận đàm phán lại sẽ có những điều khoản khác biệt và thậm chí khắc nghiệt hơn.

Theo Tổng Giám đốc WTO, việc rời khỏi EU sẽ dẫn tới Anh sẽ phải chi phí nhiều hơn khi muốn giao dịch được trên cùng các thị trường có quan hệ thương mại với EU, như vậy sẽ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của các công ty Anh.

Cụ thể, các nhà xuất khẩu Anh có thể sẽ phải trả thêm tới 5,6 tỷ bảng tiền thuế xuất khẩu mỗi năm. Hiện 47% hàng hóa của Anh xuất khẩu sang các nước khác trong EU và khoảng 13% sang các đối tác thương mại ưu đãi của khối này.

Trong trường hợp xảy ra Brexit, Anh sẽ không được hưởng các ưu đãi khi tiếp cận thị trường 58 quốc gia tham gia 36 thỏa thuận thương mại của EU. Bên cạnh đó, Brexit đồng thời sẽ dẫn tới viễn cảnh Anh và 161 nước thành viên WTO phải tiến hành các cuộc đàm phán về những điều khoản liên quan tư cách thành viên của London trong tổ chức này.

Tổng Giám đốc Azevedo khẳng định các điều khoản thương mại cam kết giữa Anh và WTO chỉ có hiệu lực khi Anh ở trong “mái nhà chung châu Âu”. Việc xảy ra Brexit cũng sẽ khiến những nỗ lực của Thụy Sĩ nhằm thuyết phục EU cho phép nước này hạn chế người nhập cư từ EU.

Brexit còn khiến các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) tại Anh lo ngại về khả năng tái dịch chuyển đội ngũ nhân viên và liệu London có còn là “bàn đạp” để các doanh nghiệp châu Âu tiến vào Mỹ hay không.

Nhà đồng sáng lập nền tảng tư vấn phân tích Peakon, có trụ sở tại Copenhagen (Đan Mạch), Dan Rogers cho hay: “Hoạt động kinh doanh của chúng tôi coi trọng khả năng hòa hợp và nhất thể trong EU để có thể dễ dàng tái dịch chuyển tới Anh (và ngược lại). Vì thế, rõ ràng có những rủi ro rất lớn nếu Anh ra khỏi EU. Nhiều start-up tại London sở hữu lực lượng lao động lớn đến từ các nước thành viên EU, trong khi số lao động mang quốc tịch Anh chỉ chiếm ít dưới 50%”.

Chia sẻ quan điểm này, Giám đốc khu vực Bắc Âu của một start-up phát triển ứng dụng ngôn ngữ có trụ sở tại Đức, ông Charlotte Morris chia sẻ: “Sự giới hạn tự do dịch chuyển dòng lao động sẽ phá hủy những cơ hội của lao động người Anh muốn thử sức tại nước ngoài. Trong trường hợp Brexit xảy ra, tôi chưa rõ chuyện gì sẽ đến với các nhân viên người Anh của chúng tôi tại Đức, đặc biệt trên khía cạnh pháp lý và quyền lợi lao động của họ”.

Bà Morris kết luận rằng, Brexit có thể tạo ra những hiệu ứng tiêu cực, hạn chế cơ hội để các start-up có trụ sở từ EU mong muốn theo đuổi mô hình coi Anh là “bàn đạp” để tiến ra thị trường quốc tế này. Trong khi đó, các công ty có trụ sở tại Anh có thể cân nhắc thu hẹp quy mô hoạt động.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.