Thương mại Mỹ - Trung chưa thể khỏa lấp những căng thẳng sâu sắc

Thứ Sáu, 10/01/2020, 07:46
Theo thông báo ngày 9-1 của Bộ Thương mại Trung Quốc, Phó Thủ tướng nước này Lưu Hạc sẽ thực hiện chuyến thăm Washington từ ngày 13 – 15-1 để ký kết thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” với Mỹ.

Mặc dù thỏa thuận này được đông đảo dư luận gọi là sự lựa chọn để giữ thể diện trong giai đoạn khủng hoảng này, giới chuyên gia lại cho rằng, nó sẽ không thể đủ để chấm dứt cuộc chiến thương mại dai dẳng, giải quyết những căng thẳng sâu sắc, hoặc xử lý những thiệt hại gây ra cho cả hai nước lẫn nền kinh tế toàn cầu.

Những lo ngại về một cuộc Chiến tranh Lạnh

Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tách rời nhau và một số nhà phân tích đang dự báo về cuộc chiến tranh lạnh mới. Theo nhận định của chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc Orville Schell, ngày càng ít các chính sách tích cực trong các hoạt động quốc tế lâu nay của Mỹ đã phủ bóng lên mọi khía cạnh của mối quan hệ song phương và tạo ra một bầu không khí tương tác “mới và đầy nguy hiểm”. Ông nói: “Sự gia tăng đối đầu xuất phát từ sự thay đổi về cơ bản trong thái độ của cả hai phía, nơi mà mỗi chính phủ ngày càng coi bên kia không chỉ là một mối đe dọa kinh tế, mà còn là một mối đe dọa cho khái niệm về trật tự toàn cầu và những giá trị, cũng như hệ thống chính trị của mỗi bên. Chúng ta đang ở ngã ba đường, nơi mà kết cấu của mối quan hệ Mỹ-Trung đang bị giằng xé theo một cách đáng báo động”.

Các sinh viên và nghiên cứu sinh người Trung Quốc tại Mỹ đã cảm nhận rõ sức nóng của sự xói mòn trong quan hệ Mỹ-Trung, với tình trạng hạn chế thị thực và kiểm soát ngày càng thường xuyên hơn. Theo Hiệp hội các học giả quốc gia có trụ sở tại New York, 8 học viện Khổng Tử - những thực thể có quan hệ với Bắc Kinh với các hoạt động đẩy mạnh văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc - đã bị đóng cửa tại Mỹ trong năm 2019, và ba thực thể khác dự kiến sẽ bị đóng cửa trong hai tháng nữa. Tổng số viện như vậy tại Mỹ đã giảm từ 103 vào tháng 4-2017 xuống còn 88 vào cuối năm 2019. Trong khi đó, dư luận công chúng tại Mỹ cũng quay lưng với Trung Quốc. Cuộc khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Pew hồi tháng 12-2019 cho thấy thái độ thiện cảm về Trung Quốc ở những người Mỹ đã tụt xuống mức thấp kỷ lục, trong khi những người có quan điểm chống Trung Quốc đã tăng từ 47% vào năm ngoái lên tới 60%.

Đồng giám đốc của Viện Nghiên cứu An ninh Toàn cầu tại Washington, ông Gal Luft nhận định: “Mối quan hệ này đã trải qua những điểm mốc mà không thể quay đầu lại: không có niềm tin; mối quan hệ giữa con người với con người đang chết dần; và Mỹ đã áp dụng một chính sách ngăn chặn toàn diện”. Ông cũng cho rằng, bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump “không muốn leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, đội ngũ diều hâu tại Washington lại đang lôi kéo ông vào sự leo thang và ông dường như không thể kiểm soát được họ. Quốc hội Mỹ đang hứng chịu cái được mô tả là hội chứng quấy rối Trung Quốc”. Trong khi đó, Yun Sun, một nghiên cứu sinh kỳ cựu tại Trung tâm Stimson ở Washington, nhấn mạnh rằng, hầu hết người Mỹ đều coi Trung Quốc là một cường quốc theo chủ trương xét lại và đã bắt đầu rơi vào vòng xoáy thách thức Mỹ và hệ thống toàn cầu hiện nay.

Tổng thống Donald Trump và Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Ảnh: Reuters.

Hệ quả khó đoán định

Rõ ràng, lo ngại về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai cường quốc này nên được mô tả là một cuộc “chiến tranh nguội”, được thể hiện không chỉ bởi phạm vi lợi ích theo kiểu cũ, chiến tranh ủy nhiệm, và đe dọa “phá hủy lẫn nhau”, mà còn bởi sự kết hợp chưa từng có tiền lệ giữa cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực và mối quan hệ tương tác sâu sắc giữa hai nước. Cho dù không có đe dọa hủy diệt hạt nhân như trong Chiến tranh Lạnh, song kết quả thua-thua chắc chắn sẽ xảy ra trong cuộc “chiến tranh nguội” này - không chỉ bởi vì trong một hoàn cảnh mà cả Mỹ và Trung Quốc đều có được một lợi thế hơn so với đối thủ còn lại, thì bên thua cuộc có thể hành động liều lĩnh để kéo cả đối thủ xuống vực cùng với mình. Nhưng khả năng thắng-thua hay thậm chí là thắng-thắng cũng vẫn có thể xảy ra.

Cho dù điều gì xảy ra, một cuộc chiến tranh như vậy sẽ gây ảnh hưởng trên toàn cầu. Cuộc thương chiến đang diễn ra là một ví dụ điển hình của chiến tranh nguội. Trong bối cảnh các nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và với phần còn lại của thế giới, mọi người sẽ được lợi nếu chiến tranh thương mại được giải quyết. Đó là lý do tại sao thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” là một tin tức tốt lành. Tuy nhiên, bước tiếp theo vẫn còn chưa chắc chắn. Nếu thỏa thuận này bị đổ vỡ và xung đột tiếp tục leo thang, thì Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến tới cắt đứt các mối quan hệ trực tiếp. Tuy nhiên, do các chuỗi cung ứng toàn cầu có mối quan hệ đan xen chặt chẽ khó có thể tháo gỡ, nên Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn liên kết với nhau một cách gián tiếp. Do đó, mặc dù kinh tế thế giới sẽ bị tái định hình, và mọi người phải gánh chịu thêm phí tổn từ tranh chấp thương mại gia tăng, thì việc các hệ thống thương mại hoàn toàn tách biệt và cạnh tranh với nhau sẽ không xảy ra.

Thương mại là lĩnh vực duy nhất mà cạnh tranh tổng lực chiến lược không phải là một quân bài có thể sử dụng. Tranh cãi về an ninh quốc gia Mỹ và Trung Quốc ngày càng bị cho là đang theo đuổi cách tiếp cận tổng bằng không theo kiểu Chiến tranh Lạnh đối với vấn đề an ninh quốc gia, đe dọa sẽ dẫn tới một cuộc cạnh tranh song phương trên nhiều lĩnh vực và cực kỳ gây lãng phí, liên quan tới tất cả mọi thứ từ quốc phòng và sáng tạo tới tài chính và ý thức hệ. Giống như cuộc chay đua vũ trang thời Chiến tranh Lạnh, sự cạnh tranh như vậy có thể dẫn tới điều mà nhà sinh thái học người Mỹ Garrett Hardin gọi là “bi kịch của các nguồn tài nguyên chung”: Mọi người sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên có sẵn, không tính tới những tác động tiêu cực đối với xã hội (bao gồm chính cả bản thân họ).

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.