Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn bước sang một trang mới trong quan hệ với Liên minh châu Âu

Chủ Nhật, 20/12/2020, 07:51
Trong cuộc điện đàm trực tuyến với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 19/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara mong muốn bước sang một trang mới trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU). Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh cả EU và Mỹ đều đang muốn áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì Ankara đang ngày càng hành xử như một đối thủ, chứ không phải bạn bè của phương Tây.


Thông cáo của Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo cho biết: “Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong cuộc gặp sáng nay khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn mở ra một trang mới trong quan hệ với EU, khi ông cảm ơn (Thủ tướng) Angela Merkel vì những đóng góp và nỗ lực mang tính xây dựng của bà dành cho quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU”.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng hiện có một “cánh cửa cơ hội” mới để tăng cường quan hệ giữa nước này với EU. Tuy nhiên, một số nước đang “cố gắng gây ra một cuộc khủng hoảng”, vốn sẽ hủy hoại “chương trình nghị sự tích cực này”.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan khẳng định mong muốn bước sang một trang mới trong quan hệ với EU trong cuộc điện đàm trực tuyến với Thủ tướng Angela Merkel, ngày 19/12.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đồng thời kêu gọi cập nhật thỏa thuận năm 2016, theo đó Ankara đóng vai trò “vùng đệm an toàn” để giảm số người di cư từ Trung Đông - Bắc Phi sang châu Âu, đổi lại là khoản hỗ trợ tài chính từ Brussels, mà theo ông sẽ là “chìa khóa cho một chương trình nghị sự tích cực”. EU thông báo đã giải ngân toàn bộ 6 tỷ euro cho Thổ Nhĩ Kỳ theo như cam kết trong thỏa thuận.

Căng thẳng trong quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ lại leo thang sau khi tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra hồi tuần trước. Hiện cả Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều đang muốn áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh Ankara đang ngày càng hành xử như một đối thủ, chứ không phải bạn bè của phương Tây.

Cụ thể, tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra hồi tuần trước, các nhà lãnh đạo châu Âu đã quyết định sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ do các hành động đơn phương và khiêu khích của nước này tại vùng biển ngoài khơi của Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp - hai nước thành viên EU. Và cả Washington cũng có động thái tương tự với Ankara.

Theo đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang chuẩn bị áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi nước này đưa vào hoạt động hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga, bất chấp những lời cảnh báo gay gắt từ phía Mỹ. Ankara đang bị các đối tác phương Tây quan trọng nhất của mình “rút thẻ đỏ”.

Các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu đang xem xét áp đặt với Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào các cá nhân và mục tiêu cụ thể. Ví dụ, EU sẽ áp đặt trừng phạt các công ty và các tàu thuyền của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến việc khoan thăm dò dầu khí tại khu vực tranh chấp trên Địa Trung Hải. Ngoài ra, các cá nhân liên quan cũng có thể bị trừng phạt như cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản.

Tất nhiên, đây mới chỉ là quyết định về mặt nguyên tắc, còn các biện pháp trừng phạt cụ thể dự kiến sẽ được đại diện cấp cao của EU về Chính sách Đối ngoại và An ninh đệ trình vào tháng 3-2021. Về phía Mỹ, nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Donald Trump có thể sẽ công bố các biện pháp trừng phạt Ankara trong tuần tới, mục tiêu nhắm tới là Cục Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ - cơ quan dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan - và người đứng đầu cơ quan này, ông Ismail Demir. Sau khi thông tin về các biện pháp trừng phạt của Mỹ được tiết lộ, đồng  lira của Thổ Nhĩ Kỳ lập tức trượt giá mạnh trên thị trường chứng khoán. Mặc dù vậy, hiện tại cả châu Âu và Mỹ đều không muốn đưa cá nhân Tổng thống Erdogan trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt.

Phát biểu tại cuộc họp ngoại trưởng các nước thành viên NATO hồi tuần trước, Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison tuyên bố: “Chúng tôi lo ngại một số hành động của Thổ Nhĩ Kỳ. Ý tưởng về việc thiết lập một hệ thống phòng không sản xuất từ Nga ngay trong lòng liên minh của chúng ta đã vượt quá giới hạn chấp nhận được”.

Cũng trong cuộc họp này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã có màn “đấu khẩu” gay gắt. Ngoại trưởng Mỹ đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hành động với tư cách là một đồng minh và có trách nhiệm cao hơn. Phản ứng của EU cũng tương tự.

Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh EU có đoạn: “Thật không may, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các hành động đơn phương, khiêu khích và ngày càng leo thang những lời hùng biện chống lại EU, chống lại các nước thành viên và các nhà lãnh đạo châu Âu... Các hành động đơn phương và leo thang của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải vẫn tiếp diễn, ngay cả ở trong Vùng đặc quyền kinh tế của Cyprus”. Ankara đã phản ứng mạnh mẽ với các tuyên bố trừng phạt trên và đe dọa rằng các biện pháp này có thể gây nguy hại cho mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.