Tham vọng cao tốc xuyên Á-Âu của Nga và Trung Quốc

Thứ Năm, 11/07/2019, 08:23
Chính phủ Nga mới đây đã chính thức phê duyệt dự án xây dựng siêu cao tốc xuyên Á - Âu kéo dài hơn 2.000km, thuộc một phần kế hoạch phát triển hành lang giao thông chiến lược nối châu Âu và Tây Trung Quốc.

Dự án này được cho là sự đóng góp tích cực của Nga đối với sáng kiến "Vành đai- Con đường" (BRI) do Trung Quốc khởi xướng, trong bối cảnh kinh tế Moscow và Bắc Kinh bắt đầu phải chịu sức ép lớn từ nền kinh tế số một thế giới.

The Moscow Times ngày 10-7 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev vừa qua đã ký phê duyệt kế hoạch xây dựng đường cao tốc xuyên Á - Âu, nhằm mục đích cắt giảm đáng kể thời gian vận chuyển hàng hóa giữa châu Âu và Trung Quốc.

Tờ báo Nga tiết lộ, kế hoạch đầy tham vọng này trong nhiệm kỳ của Tổng thống Vladimir Putin sẽ bắt đầu được khởi công giai đoạn một trong năm 2019. Nhật báo Vedomosti thông tin cụ thể rằng, phần đầu tiên của hành lang là tuyến đường cao tốc có thu phí dài 2.000km, từ biên giới Nga - Kazakhstan đến một ngã ba của đường cao tốc hiện có nối Minsk, Belarus, với Moscow.

Tuyến đường có tên Meridian này sẽ trở thành tuyến đường vận tải nhanh nhất nối phía Tây Trung Quốc với trung tâm châu Âu, thậm chí sẽ rẻ hơn so với các tuyến hiện tại vốn phải sử dụng tới các hành lang đường sắt hiện có từ Tân Cương đến các cửa ngõ châu Âu khác.

Siêu cao tốc xuyên Á - Âu được coi là "con đường tơ lụa" kiểu mới giúp đẩy mạnh giao thương giữa trung tâm châu Âu và Tây Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Nguồn vốn xây dựng con đường sẽ do các nhà đầu tư Nga và Trung Quốc chi trả mà không sử dụng tiền từ ngân sách. Đổi lại, các nhà đầu tư muốn Chính phủ Nga đảm bảo doanh thu tối thiểu của họ là khoảng 550 triệu USD, và phải tính tới các rủi ro về cả thương mại và chính trị như việc đóng cửa biên giới giữa các bên.

Được biết, người khởi xướng ý tưởng hành lang này là cựu Phó Chủ tịch Tập đoàn Khí đốt Gazprom Alexander Ryazanov. Ông Ryazanov ước tính, chi phí ban đầu của dự án vào khoảng 600 tỷ rube (khoảng 9,5 tỷ USD), với thời gian hòa vốn là từ 12 đến 14 năm. Ngoài ra, phía Gazprom đã mua hết khoảng 80% đất cần thiết để xây dựng siêu cao tốc này. Đây được cho là sự đóng góp tích cực của Nga đối với sáng kiến "Vành đai - Con đường" (BRI) do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng.

Ngay sau khi dự án được công bố, giới học giả đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau. Theo chuyên gia Sergei Sanakoyev, người đứng đầu Trung tâm phân tích Nga-Trung, tuyến đường cao tốc là một lựa chọn hợp lý về mặt kinh tế và có thể tạo ra nhiều việc làm, tạo ra nguồn thu từ hoạt động quá cảnh mới cho Nga. Nó cũng củng cố “tình thân” Nga- Trung trong bối cảnh cả hai nước đã bắt đầu chịu sức ép cực lớn từ Mỹ, nền kinh tế lớn số một thế giới.

Ngược lại, ông Bogdan Goralczyk, Giám đốc Trung tâm Châu Âu tại Đại học Warsaw (Ba Lan) lưu ý rằng, trong khi các nước Trung - Đông Âu nhiệt tình chào đón dự án này thì một số quốc gia Tây Âu vẫn tỏ ra thận trọng dù mong muốn có một giải pháp "cùng thắng".

Châu Âu có thể hưởng lợi lớn từ sự phát triển của giao thương trong những thập kỷ tới nhờ dự án siêu cao tốc Á - Âu, nhưng ở một số góc độ, vẫn có những hoài nghi rằng sáng kiến trên che nhằm che đậy tham vọng bành trướng của Bắc Kinh.

Đối với Nga, Trung Quốc được biết đến là đối tác thương mại lớn nhất của nước này, mặc dù không đúng với chiều ngược lại. Năm 2018, khối lượng hàng hóa được vận chuyển từ Trung Quốc đến châu Âu và ngược lại qua Nga đã tăng 23% lên mức 323.000 TEU (đơn vị đo hàng hóa theo container); kim ngạch thương mại hai chiều lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD.

Trong năm 2019, Nga đã tăng gấp ba lần tỷ lệ dự trữ đồng nhân dân tệ lên gần 15%, gấp 10 lần mức trung bình của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu. The Guardian dẫn phân tích của giới chuyên gia cho hay, trong bối cảnh đối đầu với Mỹ, Nga đã tiến tới "trông cậy" vào Trung Quốc nhiều hơn. Tuy nhiên, nước này cũng không muốn rơi vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Do đó, mục tiêu chính của Moscow là gây dựng mối quan hệ hữu ích với nước láng giềng của mình, đồng thời không trở nên phụ thuộc quá mức. Đây cũng là cách Moscow nhìn nhận BRI của Bắc Kinh. Hồi tháng 4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới thăm Trung Quốc và tham dự diễn đàn BRI lần thứ 2 về hợp tác quốc tế.

Ông Putin hy vọng dự án xuyên Á - Âu nêu trên sẽ đảm bảo cho sự phát triển kinh tế, tăng trưởng bền vững và mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác cho các bên.

Linh Đan
.
.
.