Tên lửa tầm cao làm nóng đối thoại “2 + 2”

Thứ Ba, 21/03/2017, 08:01
Việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ THAAD tại Hàn Quốc đã trở thành vấn đề nóng trong khuôn khổ cuộc đối thoại an ninh “2+2” (Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng) Nhật Bản và Nga.

Những tưởng việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc không được đưa bàn thảo trong khuôn khổ cuộc đối thoại an ninh “2+2” (Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng) Nhật Bản và Nga, nhưng đây lại là một vấn đề được đề cập sâu trong những cuộc gặp này. Điều đó chứng tỏ trong quan hệ Nga – Nhật, không thể không nhắc tới hai nhân tố khác là Mỹ và Trung Quốc.

Trong cuộc hội đàm cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, việc Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc và tăng cường hiện diện quân sự tại châu Á là một bước đi không phù hợp để đối phó với CHDCND Triều Tiên, đồng thời cho rằng, hệ thống này có thể gây ra “những mối đe dọa nghiêm trọng” đối với tình hình khu vực.

Người đứng đầu ngành Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Chúng tôi lưu ý đến những mối đe dọa nghiêm trọng do việc triển khai hệ thống THAAD của Mỹ tại Hàn Quốc. Chúng tôi đã trình bày rõ quan điểm của mình rằng, nếu hệ thống này chỉ nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ phía CHDCND Triều Tiên thì hành động của Mỹ được coi là một cách đáp trả không phù hợp”.

Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nga cùng hai người đồng cấp Nhật Bản.

Ngoại trưởng Nga cũng cho biết, cả Moskva và Tokyo đều tin tưởng rằng, Bình Nhưỡng sẽ tuân thủ chặt chẽ mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ).

Theo đó, các lệnh trừng phạt của LHQ nhằm vào CHDCND Triều Tiên không thể được coi là một công cụ trừng phạt mà là một sáng kiến để đưa vấn đề hạt nhân Triều Tiên trở lại con đường chính trị và quay lại với các cuộc đàm phán.

Liên quan tới việc triển khai THAAD, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn và một số nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ đối lập hiện đang có những ý kiến bất đồng.

Cụ thể, trong cuộc gặp ngày 20-3, ông Hwang nêu bật tính khẩn cấp cần phải triển khai THAAD tại Hàn Quốc trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đang gia tăng của CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, các nghị sĩ nhắc lại lập trường rằng, việc triển khai này cần có sự nhất trí của Quốc hội.

Theo các nghị sĩ, tình hình trong nước tại Hàn Quốc đang nghiêm trọng do việc triển khai THAAD và những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu đang gia tăng. Đáp lại, ông Hwang nhấn mạnh việc triển khai THAAD không cần phải được Quốc hội thông qua.

Cũng liên quan tới việc triển khai THAAD, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Joo Hyung-hwan cho biết nước này hồi tuần trước đã khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc “Trung Quốc có thể vi phạm một số thỏa thuận thương mại” sau khi Bắc Kinh thực hiện hành động trả đũa đối với các công ty Hàn Quốc do việc triển khai THAAD.

Cụ thể, Bắc Kinh đã áp đặt các biện pháp hạn chế chống lại các công ty Hàn Quốc trong các lĩnh vực du lịch và phân phối, dẫn đến việc hệ thống bán lẻ tại Trung Quốc của Lotte Group, tập đoàn lớn thứ 5 của Hàn Quốc, có nguy cơ sụp đổ khi gần 90% số cửa hàng Lotte Mart tại Trung Quốc phải tạm ngừng hoạt động khiến doanh nghiệp chịu tổn thất lớn.

Quay lại cuộc họp 2+2, về quan hệ Nga – Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp nước chủ nhà Tomomi Inada đã nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác song phương nhằm giải quyết những thách thức về an ninh khu vực.

Bộ trưởng Inada bày tỏ quan ngại về sự hiện diện quân sự ngày càng gia tăng của Nga ở quần đảo tranh chấp ngoài khơi Hokkaido mà Tokyo gọi là Vùng lãnh thổ phía Bắc, còn Nga gọi là quần đảo Nam Kurin.

Vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại quần đảo này có lẽ là vấn đề tồn tại lâu dài trong quan hệ hai nước. Tuy nhiên, việc này bước đầu đã có những tín hiệu tốt khi hai nước đã có lập trường sẽ cùng tiến hành hoạt động kinh tế chung. Và nếu như vấn đề trên có triển vọng, chắc chắn hợp tác giữa hai bên sẽ tốt đẹp lên rất nhiều, thậm chí sẽ rất nhanh.

Trong khi đó, Bộ trưởng Shoigu chỉ trích việc Tokyo triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo có khả năng thay đổi cán cân an ninh khu vực. Về vấn đề này, ông Inada khẳng định các hệ thống đơn thuần là nhằm bảo vệ Nhật Bản trước mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, sẽ không tạo ra mối đe dọa nào đối với Nga và các nước láng giềng khác.

Cuộc đối thoại “2+2” giữa Nhật Bản và Nga đã không được tổ chức kể từ sau cuộc gặp hồi tháng 11-2013, do việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea khiến các mối quan hệ giữa Moskva với Tokyo cùng các nước phương Tây khác trở nên “nguội lạnh”.

Khổng Hà
.
.
.