Sự kiện quan trọng giúp mối quan hệ song phương Nga – Mỹ

Thứ Hai, 14/06/2021, 07:33
Đó là nhận xét của người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov về cuộc gặp Thượng đỉnh Nga - Mỹ giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Joe Biden, dự kiến diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 16/6 tới.

Theo ông, đó cũng chính là lý do mà nhà lãnh đạo Nga đồng ý tiến hành cuộc gặp này. Trong khi đó, phía Mỹ cho rằng, mục tiêu của người đứng đầu Nhà Trắng là để Washington và Moscow hướng đến một mối quan hệ ổn định hơn.

Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Nga và người đồng cấp Mỹ kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ hồi tháng 1/2021. Cuộc gặp cũng là một trong những phép thử lớn nhất của Tổng thống Joe Biden và đánh dấu cuộc gặp trực tiếp quan trọng đầu tiên của ông với một đối thủ lớn của Mỹ trên trường quốc tế.

Tổng thống Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Joe Biden. Ảnh: Getty Images.

Theo Điện Kremlin, hai bên sẽ thảo luận về triển vọng quan hệ Nga - Mỹ, các vấn đề ổn định chiến lược và những vấn đề toàn cầu cấp thiết, trong đó có cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và cách thức giải quyết các cuộc xung đột trong khu vực. Trong khi đó, Nhà Trắng mong rằng đây sẽ là một cuộc gặp cởi mở và thẳng thắn. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ không tổ chức họp báo chung sau cuộc gặp này.

Về phía Thụy Sĩ, Tổng thống Guy Parmelin cho biết nước này hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Joe Biden, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng đối thoại giữa lãnh đạo hai cường quốc nêu trên sẽ đóng vai trò cần thiết cho việc giải quyết những thách thức toàn cầu.

Tổng thống Guy Parmelin cũng nhấn mạnh rằng Bern "duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Moscow và Washington trong nhiều năm nay, cũng như luôn hướng đến việc xây dựng chính sách đối thoại cởi mở và minh bạch". Về quá trình chuẩn bị cho sự kiện lớn sắp tới, ông cho biết: "Quá trình chuẩn bị luôn được duy trì chặt chẽ với cả phái đoàn Nga và Mỹ. Có thể nói chúng tôi đã sẵn sàng".

Ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh này, trong cuộc trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình NBC News ngày 11/6, Tổng thống Vladimir Putin nhận định rằng, mối quan hệ Nga-Mỹ hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Ông cho rằng ông Joe Biden là một "chính trị gia chuyên nghiệp" và hy vọng người đồng cấp Mỹ sẽ không có những bước đi vội vàng như người tiền nhiệm Donald Trump. Tổng thống Vladimir Putin cũng cho biết không bận tâm về những bình luận không thân thiện trước đó của người đồng cấp Mỹ nhằm vào mình, vì ông luôn đặt lợi ích của người dân và đất nước Nga lên hàng đầu.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Nga bác bỏ thông tin do báo chí Mỹ đăng tải về việc Moscow dự kiến chuyển giao một hệ thống vệ tinh tiên tiến có thể giúp tăng cường khả năng do thám của Iran. Ông gọi đó là "thông tin giả". Trước đó, tờ Washington Post ngày 10/6 đưa tin Nga chuẩn bị cung cấp cho Iran vệ tinh Kanopus-V được trang bị một camera có độ phân giải cao, cho phép Tehran theo dõi mục tiêu quân sự của các nước tại khắp Trung Đông. Những phát biểu có thể nói là chừng mực của nhà lãnh đạo Nga trước thềm cuộc gặp được hy vọng sẽ góp phần tạo ra bầu không khí tích cực hơn.

Hiện các nhà phân tích đang xem xét liệu Tổng thống Joe Biden sẽ đạt được những kết quả cụ thể nào khi biến cuộc gặp với người đồng cấp Vladimir Putin trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Ông Stephen Sestanovich, một chuyên gia về Nga và là giáo sư về ngoại giao quốc tế tại Đại học Colombia nhận định: "Tổng thống Joe Biden có thể tiến tới một Hội nghị Thượng đỉnh thành công bằng cách tránh những sai lầm của cựu Tổng thống Donald Trump".

Tổng thống Joe Biden hiện đang cố gắng sử dụng chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông để thể hiện rằng Mỹ vẫn là một đối tác và một nhà lãnh đạo toàn cầu đáng tin cậy. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng muốn cho những đối thủ của Mỹ như Nga và Trung Quốc thấy liên minh đoàn kết của Mỹ cũng như ông sẽ cứng rắn và nhất quán hơn nhiều so với người tiền nhiệm. Và mặc dù mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang ở mức thấp, song, theo đánh giá của cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul, vẫn có sẵn những khe cửa hẹp cho sự hợp tác song phương giữa hai nước tại cuộc gặp thượng đỉnh lần này.

Ông cho biết, hai nhà lãnh đạo có thể chuẩn bị cho một thỏa thuận kiểm soát vũ trang mới sau khi gia hạn Hiệp ước kiểm soát hạt nhân New START gần đây; đảo ngược xu hướng trục xuất đại diện ngoại giao và đóng cửa lãnh sự quán, nhất trí hợp tác về những vấn đề như Chương trình hạt nhân Iran, hỗ trợ người dân Syria, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, ông Heather Conley, Giám đốc Chương trình nghiên cứu về Nga và Á - Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho rằng, nếu Tổng thống Mỹ có thể đạt được sự nhất trí rộng rãi với người đồng cấp Nga về khung đàm phán cho các cuộc trao đổi kiểm soát vũ trang giữa 2 nước sắp tới và vấn đề mở hành lang nhân đạo ở Idlib (Syria), cuộc gặp trên sẽ đạt được kết quả tích cực.

Tựu trung lại, cho dù kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ như thế nào, đây cũng là dịp để hai nhà lãnh đạo ngồi lại với nhau nhằm tìm ra tiếng nói chung trong nỗ lực ổn định quan hệ song phương vốn không chỉ mang lại lợi ích cho cả hai mà ít nhiều có tác động tới cả khu vực và thế giới.

Khổng Hà
.
.
.