Quốc tế lên án “Kế hoạch sáp nhập Bờ Tây” của Israel

Thứ Ba, 16/06/2020, 09:12
Những nỗ lực thảo luận giữa Mỹ và Israel về kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ chiếm đóng ở khu vực Bờ Tây của người Palestine đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ không chỉ từ Palestine, mà từ chính cộng đồng quốc tế, với những lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình khu vực và thế giới.


Động thái của Mỹ và Israel

Ngày 14/6 (giờ địa phương), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz đã có cuộc thảo luận với Đại sứ Mỹ tại nước này David Friedman về kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ chiếm đóng ở khu vực Bờ Tây của người Palestine. Tham gia cuộc thảo luận còn có Ngoại trưởng Israel Gabi Ashkenazi và Chủ tịch Quốc hội Yariv Levin.

Cùng ngày, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng tuyên bố nước này sẽ bắt đầu xúc tiến “các bước thực tiễn” nhằm xây dựng một khu định cư mới mang tên Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Cao nguyên Golan.

Kế hoạch sáp nhập Bờ Tây của Israel khiến quốc tế quan ngại sâu sắc, nhất là vào thời điểm tiến trình hòa bình Trung Đông đang dần đi vào ngõ cụt. Ảnh: Reuters.

Theo New York Times, nội các nước này đã thông qua quyết định xây dựng khu định cư mới mang tên "Ramat Trump" theo tiếng Hebrew, nghĩa là "Cao nguyên Trump”. Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng phụ trách các vấn đề định cư Israel Tzipi Hotovely, Mỹ và Israel đang có những bất đồng và điều này cũng xuất hiện ngay bên trong nội bộ chính phủ đoàn kết mới của Israel.

Hiện Đảng Xanh - Trắng trung hữu do Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz đứng đầu đã kêu gọi tổ chức một cuộc đối thoại quốc tế về vấn đề này, trong khi một ủy ban của Mỹ và các quan chức Israel đang vẽ các đường ranh giới lãnh thổ ở Bờ Tây theo đề xuất của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề định cư Israel khẳng định, vẫn chưa có bản đồ nào thống nhất được về vấn đề này. Hiện, Israel có kế hoạch sáp nhập hơn 30% diện tích các vùng đất tại Bờ Tây, gồm Thung lũng Jordan, cũng như áp đặt chủ quyền đối với các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây. Thủ tướng Netayahu cho biết, kế hoạch sáp nhập có thể được triển khai từ đầu tháng 7.

Palestine không thể ngồi yên

Kế hoạch của Israel lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ của Palestine. Chính quyền Palestine đã tuyên bố chấm dứt Hiệp định hòa bình Oslo ký năm 1993 giữa Chính phủ Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), gồm mọi thỏa thuận hợp tác an ninh và các quan hệ dân sự với Israel.

Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh trong một tuyên bố cho biết: “Mục tiêu hàng đầu của chúng tôi là không để Israel có thể sáp nhập được lãnh thổ. Đây là mục tiêu trước tiên của chúng tôi từ nay cho đến ngày 1/7 tới. Mọi nỗ lực của chúng tôi đang tập trung vào mục tiêu này. Chúng tôi hi vọng Israel không nên tiếp tục vượt lên trên luật pháp quốc tế và hi vọng Israel có thể thực sự cảm nhận được sức nóng bởi áp lực từ quốc tế”.

Bộ trưởng Ngoại giao của Chính quyền Palestine (PA) Riyad al-Maliki ngày 14/6 (giờ địa phương) cũng cho biết đã đề nghị Liên Hợp Quốc (LHQ) tổ chức một cuộc họp thảo luận về kế hoạch của Israel và có các biện pháp phù hợp đối với kế hoạch này, Reuters đưa tin. Theo ông al-Maliki, LHQ dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào ngày 24-6 tới để thảo luận báo cáo của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres liên quan việc thực thi Nghị quyết 2334 của Hội đồng Bảo an về Trung Đông. Tại cuộc họp này, Palestine sẽ phát biểu về tính nghiêm trọng của kế hoạch sáp nhập của Israel và hy vọng các thành viên Hội đồng Bảo an sẽ ủng hộ việc tổ chức một phiên họp khẩn của Đại hội đồng LHQ.

Quốc tế buộc lòng lên tiếng

Trên thực tế, tham vọng sáp nhập một phần lãnh thổ Bờ Tây của Israel cũng đang đối diện sự phản ứng quyết liệt từ cộng đồng quốc tế. Dự kiến trong ngày 15/6, Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) có hội nghị trực tuyến với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về kế hoạch hòa bình Trung Đông được Tổng thống Donald Trump công bố hồi tháng 1 vừa qua.

Vài ngày trước, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã khẳng định, Đức và các đối tác châu Âu đều quan ngại sâu sắc về các kế hoạch sáp nhập của Israel đối với các vùng lãnh thổ chiếm đóng ở Bờ Tây.

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên bất chấp tình hình dịch bệnh COVID-19, Ngoại trưởng Đức đã phải tới cả Israel và Jordan để thảo luận về vấn đề này. Một ngày trước đó, TRT dẫn lời Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn khẳng định, việc sáp nhập các khu vực ở Bờ Tây bị chiếm đóng của Israel sẽ là hành động “ăn cắp”, vi phạm luật pháp quốc tế “một cách thô thiển”.

Ông cho rằng việc EU công nhận Palestine là một quốc gia sẽ có thể xảy ra nếu Israel bất chấp thực hiện kế hoạch gây tranh cãi của mình. Theo ông Azzam el-Ahmad, Ủy viên Ban Chấp hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), đến nay, đã có 8 quốc gia châu Âu bày tỏ sẵn sàng công nhận nhà nước Palestine dựa trên đường biên giới năm 1967, với Đông Jerusalem là thủ đô.

Mặc dù không nêu đích danh tên của 8 nước, nhưng ông el-Ahmad khẳng định việc các nước này sẵn sàng công nhận nhà nước Palestine là nhằm phản ứng với kế hoạch sáp nhập hơn 30% đất đai ở khu Bờ Tây của Chính phủ Israel.

Trong khối các nước Arab, làn sóng phản đối Israel sáp nhập một phần lãnh thổ Bờ Tây cũng đang dâng cao. Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Israel, coi đó hành vi “xâm lược tàn bạo”, nhấn mạnh rằng kế hoạch này không những vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, mà còn sẽ hủy hoại hoàn toàn cơ hội duy trì hòa bình trong khu vực.

An Nhiên (T.H.)
.
.
.