Phe đối lập ngăn cản nỗ lực của Chính phủ Syria

Thứ Tư, 20/04/2016, 09:52
Trong khi phái đoàn chính phủ Syria đang thúc đẩy thành lập một chính phủ mở rộng do Tổng thống Bashar al-Assad đứng đầu trong cuộc hòa đàm ở Geneva (Thụy Sĩ), thì phe đối lập lại muốn thành lập một chính phủ chuyển tiếp với đầy đủ quyền lực mà không có ông Assad.


Bên cạnh đó, cả phe đối lập và chính phủ Syria đều cáo buộc các bên đã vi phạm thỏa thuận ngừng bắn được ký kết ngày 27-2. Một tương lai bình yên cho Syria vẫn còn rất mịt mờ.

Tuyên bố về việc thúc đẩy thành lập một chính phủ mở rộng do Tổng thống Assad đứng đầu được Trưởng đoàn đàm phán của phái đoàn chính phủ Syria Bashar al-Jaafari đưa ra trên Đài Truyền hình Al Mayadeen của Liban hôm 19-4 (giờ Việt Nam). 

Ông Jaafari nhấn mạnh đoàn đàm phán chính phủ Syria muốn chính phủ mở rộng này sẽ vẫn duy trì tất cả các thể chế của chính phủ hiện tại. Ông cũng khẳng định nhiệm vụ duy nhất của ông khi tới Thụy Sĩ lần này là bàn về một chính phủ mở rộng và đây là mục tiêu duy nhất mà chính phủ Syria muốn đạt được tại các cuộc đàm phán hòa bình ở Geneva. 

Cũng theo ông Jaafari, tương lai của Tổng thống Assad không phải là vấn đề đưa ra đàm phán và cũng không phải là vấn đề mà bất kỳ tiến trình nào do Liên hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn có thể xử lý: “Vấn đề này (về tương lai của Tổng thống Assad - PV) không thuộc thẩm quyền giải quyết của Geneva… Đây là vấn đề của người Syria”. 

Trưởng đoàn đàm phán của phái đoàn chính phủ Syria, Bashar al-Jaafari tại cuộc họp báo hôm 19-4 ở Geneva (Thụy Sĩ).

Về phía phe đối lập, bên cạnh việc phản đối ý tưởng thành lập một chính phủ mở rộng, Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC) cũng đã quyết định ngừng cuộc hòa đàm tại Geneva với lý do chính phủ Syria “không nghiêm túc trong việc tiến tới một tiến trình chính trị do LHQ bảo trợ”.

 “Chúng tôi đề nghị hoãn đàm phán cho đến khi có được điều kiện hợp lí để tiếp tục nói chuyện về hòa bình. Sự trì hoãn đối thoại này là cơ hội đề các bên nhìn nhận lại rằng, Tổng thống Assad không thể có vai trò trong chính quyền chuyển giao quyền lực ở Syria”, ông Mahammad al Aboud, thành viên của HNC, cho hay và nhấn mạnh rằng, LHQ đang có những thiên vị nhất định với các yêu cầu từ phía chính quyền Syria. 

Phe đối lập cho rằng, những nỗ lực nhằm chiếm lại Aleppo chính là hành động phá vỡ lệnh ngừng bắn, trong khi quân chính phủ khẳng định họ đang tấn công vào khủng bố, vốn không phải là một phần của cuộc đàm phán. Tuy nhiên HNC cho biết họ vẫn sẽ tham dự các cuộc thảo luận “kỹ thuật”.

Trong khi đó, ở trong nước, trong một thông báo đưa ra cùng ngày, thủ lĩnh của hơn chục nhóm phiến quân vũ trang, bao gồm Jayshal-Islam và Jaysh al-Fateh do Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia “chống lưng”, tuyên bố đã hình thành một liên minh hợp tác tiến hành các vụ tấn công mới vào lực lượng chính phủ. 

Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài tiếng sau khi Trưởng đoàn đàm phán phe đối lập của Syria tại Geneva, kêu gọi tẩy chay lệnh ngừng bắn kéo dài nhiều tháng nay và khôi phục lại các hoạt động chiến đấu chống lại quân đội chính phủ. 

Trước đó, hôm 17-4, lực lượng phiến quân đã tiến hành một vụ tấn công chống lại quân đội chính phủ ở tỉnh Latakia và ở Haman giữa lúc không quân của chính phủ tiến hành các cuộc không kích ở tỉnh Homs ở phía Nam. 

Nguồn tin quân đội Syria đã khẳng định các cuộc giao tranh ác liệt đang diễn ra ở khu vực nói trên. “Hôm nay, các phiến quân đã tấn công ở khu vực phía bắc Latakia, vi phạm nghiêm trọng hiệp định ngừng bắn”, nguồn tin cho biết. 

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama đã điện đàm về tình hình tại Syria, đặc biệt xác nhận sẽ cùng tạo mọi điều kiện nhằm củng cố lệnh ngừng bắn vốn do hai cường quốc này khởi xướng, cũng như hỗ trợ nhân đạo cho Syria. 

Ngoài ra, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh cần phải tạo điều kiện để các nhóm đối lập “ôn hòa” tránh xa các tổ chức khủng bố như cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mặt trận al-Nursa hoạt động ở phía Đông và Bắc của Syria, cũng như cần phải đóng cửa biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn hoạt động cung cấp vũ khí cho các tổ chức khủng bố.

Khổng Hà
.
.
.