Nước Nga đứng trước thay đổi cơ bản lớn nhất lịch sử

Thứ Sáu, 03/07/2020, 08:24
TASS ngày 2-7 đưa tin, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga đã công bố kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về việc sửa đổi hiến pháp. Theo đó, đa số cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất cải cách của Tổng thống Vladimir Putin.

Giới chuyên gia đánh giá, kết quả này phản ánh một thực tế, rằng phần lớn người Nga có lòng tin mạnh mẽ với ông Putin và đường lối lãnh đạo của người đứng đầu điện Kremlin, đồng thời mong muốn tạo đà cho đất nước đạt được những bước phát triển mới vượt bậc.

Một tuần kể từ khi nước Nga chính thức mở cửa các trạm bầu cử nhằm trưng cầu ý dân về việc sửa đổi hiến pháp, đúng 21 giờ ngày 1-7 (giờ địa phương), việc bỏ phiếu đã hoàn tất ở mọi các khu vực của Nga. 

Sau khi kiểm được 100% phiếu bầu, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga cho biết, tỷ lệ phiếu tán thành cao gấp hơn 3,6 lần so với số phiếu phản đối. Cụ thể, có tới 77,92% cử tri Nga tán thành với 206 điểm sửa đổi trong hiến pháp, trong khi tỷ lệ phản đối chỉ vào khoảng 21,27%. 

Tờ Ria Novosti nói rằng, tỷ lệ ủng hộ dành cho hiến pháp mới là khác nhau ở các địa phương. Tại thủ đô Moscow, tỷ lệ phiếu bầu ủng hộ sửa đổi hiến pháp là 65,9%, trong khi hơn 33% cử tri bỏ phiếu chống. 

Ở vùng Orlovskyi, Astrakhan và Cộng hòa Checchen có số người ủng hộ lần lượt là 80%, 86,7% và 96,5%. Đây là những con số khá gần với kết quả của nhiều cuộc thăm dò dư luận tại các điểm bỏ phiếu mà giới truyền thông thực hiện trước đó. 

Bà Ella Panfilova, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga cho biết, tỷ lệ bỏ phiếu trên cả nước đạt gần 65% là con số xứng đáng, nhất là trong điều kiện đại dịch khi mà nhiều người sợ đi ra khỏi nhà. Nhận định về cuộc bỏ phiếu lần này, Helene Laporte, một thành viên Nghị viện châu Âu giám sát quá trình này khẳng định, cuộc bỏ phiếu đã tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn về dân chủ và vệ sinh. 

"Tôi có thể khẳng định rằng cuộc bỏ phiếu ở Nga đã đáp ứng tất cả các yêu cầu về dân chủ. Mọi người đều có quyền bỏ phiếu, thậm chí cả những người khuyết tật và những người không thể đến các điểm bỏ phiếu khi họ có thể bỏ phiếu tại nhà".

77,92% cử tri Nga ủng hộ việc sửa đổi 206 điều trong hiến pháp. Nguồn: Reuters

Được biết, hiến pháp Nga sửa đổi đặt ra những tiêu chuẩn mới về tính hiệu quả của hệ thống hành chính công, phúc lợi xã hội cho người dân, cũng như việc giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. 

Phó Chủ tịch Ủy ban của Phòng Xã hội Nga về chính sách xã hội Ekraterina Kurbangaleeva nhấn mạnh rằng, phần sửa đổi trong hiến pháp về các đảm bảo xã hội là rất quan trọng. 

Tổng thống Vladimir Putin bằng cách này buộc nhà nước luôn đảm bảo mức lương, trợ cấp xã hội cần thiết cho các công dân Nga, đó là lương tối thiểu không thấp hơn mức sống tối thiểu, điều chỉnh các trợ cấp xã hội, chỉ số lương hưu hàng năm, xây dựng hệ thống đảm bảo lương hưu cho các công dân Nga “dựa trên các nguyên tắc phổ quát, công bằng và đoàn kết các thế hệ”. 

Tổng Giám đốc Bảo tàng lịch sử Nga hiện đại Irina Velikanova thì đặc biệt ủng hộ việc giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước: “Chúng tôi coi Nga là một cường quốc có chủ quyền và chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai xâm phạm chủ quyền và lãnh thổ của mình. Do đó, tôi bỏ phiếu ủng hộ cho các sửa đổi về vấn đề này trong hiến pháp". 

Ngoài ra, hiến pháp sửa đổi cũng bao gồm việc mở rộng quyền lực của quốc hội như chuyển một số quyền từ tổng thống sang Duma Quốc gia (Hạ viện) và Tòa án Hiến pháp; ưu tiên hiến pháp Nga trước các hiệp ước quốc tế. 

Các nhà phân tích chính trị thế giới bình luận, hiến pháp nước Nga sửa đổi sẽ mở ra một sự thay đổi cơ bản về luật lớn nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại, tạo đà cho đất nước đạt được những bước phát triển mới. 

Thêm vào đó, sự kiện này đã tái khẳng định rằng hầu hết người Nga đều muốn đất nước tự quyết định những thay đổi của mình mà không phải chịu bất kỳ sự ảnh hưởng nào từ bên ngoài.

Điểm đáng chú ý nhất trong hiến pháp sửa đổi là về quy định đối với các chính trị gia. Hiến pháp sửa đổi không cho phép việc có quốc tịch kép và giấy phép cư trú ở nước ngoài đối với các quan chức cấp cao. Nếu là ứng viên tổng thống thì phải có thời hạn cư trú ở Nga 25 năm. 

Về vấn đề này, các chuyên gia Nga coi đây là một bước quan trọng để "quốc hữu hóa giới tinh hoa". Đặc biệt, hiến pháp sửa đổi nêu rõ, rằng số nhiệm kỳ của các cựu và tổng thống đường nhiệm sẽ được đưa về không, hay nói cách khác là tính lại từ đầu. 

Theo giáo sư Trường Đại học Kinh tế Oleg Matveychev, những sửa đổi này trong luật cơ bản sẽ bảo vệ Nga khỏi lặp lại kịch bản của Ukraina như sự kiện Maidan hồi năm 2014. Như vậy, Tổng thống Vladimir Putin sẽ có thêm cơ hội tái tranh cử vào năm 2024 và thời gian tại nhiệm của ông có thể kéo dài tới năm 2036.

Trong một thông điệp phát đi trước đó, Tổng thống Vladimir Putin đã kêu gọi người dân Nga đi bỏ phiếu về các sửa đổi hiến pháp vì đất nước mà mọi người đang sống, làm việc và muốn chuyển giao lại cho các thế hệ con, cháu. 

Theo lời ông, đây không đơn giản là bỏ phiếu cho các sửa đổi, mà là thể hiện trách nhiệm, tình cảm yêu nước, sự quan tâm về Tổ quốc, giữ gìn chủ quyền của nước Nga, cũng như tôn trọng lịch sử, văn hóa, tiếng mẹ đẻ, truyền thống, ghi nhớ các thành tựu và chiến công của các thế hệ ông cha. 

Người đứng đầu điện Kremlin khẳng định, các sửa đổi Hiến pháp chỉ có hiệu lực khi được người dân Nga ủng hộ và tán thành. Tóm lại, việc trưng cầu dân ý về sửa đổi hiến pháp Nga đã chính thức được quá nửa dân chúng chấp thuận và sẽ sớm có hiệu lực.

Linh Đan(tổng hợp)
.
.
.